Các công ty khởi nghiệp Hàn Quốc 'lấn sân' sang Việt Nam

Các công ty khởi nghiệp của Hàn Quốc đang tận dụng những nét tương đồng với Việt Nam để mang lại lợi thế trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, trong khi Việt Nam theo bước của Hàn Quốc để trở thành một trong những 'con hổ châu Á' tiếp theo.

Nhiều công ty khởi nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam. (Nguồn: Viettimes)

Hàn Quốc vốn đã là một nhà đầu tư lớn ở Vệt Nam, nhưng giờ đây, các công ty khởi nghiệp Hàn Quốc trong các lĩnh vực như mỹ phẩm và ứng dụng điện thoại thông minh cho khách sạn đang tham gia đầu tư.

Jisoo Kang, Giám đốc điều hành của Fluto, một công ty khởi nghiệp của Hàn Quốc đang tiến hành thử nghiệm người dùng trên các sản phẩm kỹ thuật số, cho biết: “Tôi nghĩ rằng đầu tư khởi nghiệp của Việt Nam đang thực sự gia tăng vào lúc này”.

Trong khi đó, các đại công ty Hàn Quốc đã chinh phục thị trường truyền hình và ô tô quốc tế, giai đoạn tăng trưởng tiếp theo là ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam là 7% hằng năm, so với tốc độ tăng trưởng 2% của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, con đường mà các đại công ty Hàn Quốc đã đi cũng có thể giúp các công ty khởi nghiệp. Một công ty khởi nghiệp logistics của Hàn Quốc có tên 2Luck cho biết, họ sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty đã hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam.

Một điểm chung giữa hai quốc gia là giáo dục. Giống như học sinh Hàn Quốc, học sinh Việt Nam cũng đặt nặng chuyện thi cử và dành nhiều thời gian đi học thêm sau giờ học. Điều này được phản ánh ở điểm số cao mà Việt Nam đạt được trong các kì thi quốc tế.

KEII Platform, một công ty giáo dục, tự gọi mình là công ty “edtech” (công nghệ giáo dục) đầu tiên ở Hàn Quốc cho rằng, các dịch vụ của họ bao gồm dạy toán cho học sinh qua video và để học sinh tự học toán trên ứng dụng điện thoại thông minh.

Giám đốc điều hành của KEII Platform Peter Lee nói: “Chúng tôi muốn trở thành nền tảng giáo dục số 1 tại Việt Nam”.

Tuy nhiên, theo VOA, Hàn Quốc phải đối mặt với rất nhiều sự cạnh tranh. Họ không phải là công ty khởi nghiệp đầu tiên tìm kiếm cơ hội trong thị trường dịch vụ giáo dục ở Việt Nam. Các công ty như Topica, Elsa và Yola đã có mặt trên thị trường Việt Nam từ lâu.

QT

(theo VOA)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cac-cong-ty-khoi-nghiep-han-quoc-lan-san-sang-viet-nam-104907.html