Các đơn vị y tế Hà Nội ưu tiên cao nhất cho phòng, chống dịch

Chiều 12-5, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với các đơn vị trong ngành về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung chủ trì hội nghị tại điểm cầu Sở Y tế.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Trạm Y tế xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín).

Đặt mức độ cảnh báo chống dịch cao nhất

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, tính từ ngày 29-4 đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 54 ca mắc Covid-19 phân bố tại 12 quận, huyện, gồm Thường Tín (13); Gia Lâm (10); Phúc Thọ (8); Đông Anh (8); Sóc Sơn (5); Hà Đông (4); Thanh Xuân, Thanh Oai, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Ba Đình, Hai Bà Trưng (mỗi nơi 1). Ngoài ra, có 39 ca mắc là người nhập cảnh, gồm cả trường hợp BN2986 - chuyên gia người Ấn Độ, được Bộ Y tế thống kê là ca bệnh nhập cảnh.

Đến nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) ghi nhận 83 trường hợp mắc Covid-19 lây nhiễm trong bệnh viện là các y, bác sĩ điều trị và người nhà bệnh nhân. Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều đã ghi nhận 20 trường hợp mắc Covid-19.

Ổ dịch có diễn biến phức tạp của thành phố nằm tại xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín với 13 ca mắc Covid-19. Đến nay, ổ dịch này đã cơ bản được điều tra, khoanh vùng, truy vết tất cả những trường hợp có tiếp xúc và liên quan đến các bệnh nhân để lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện cách ly theo quy định. Ổ dịch tại xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm) ghi nhận 10 ca mắc Covid-19. Theo thống kê, đối tượng người dân đi làm ăn, buôn bán tại khu vực ổ dịch này rất đông, nên tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh trong cộng đồng cao. Hà Nội cũng yêu cầu người dân đi từ các nơi nói trên về địa phương phải thực hiện khai báo y tế đầy đủ để kịp thời khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19.

Tại hội nghị, các đơn vị đã cho ý kiến về một số vấn đề liên quan đến công tác khoanh vùng, cách ly tại các khu vực cách ly tập trung, vận chuyển bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh của thành phố, công tác lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1 và các đối tượng liên quan.

Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Hà Nội) Lê Hưng cho biết, các bệnh viện cần đặt mức độ cảnh báo chống dịch cao nhất, vì nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện rất cao. Các bệnh viện sắp xếp, bố trí các phòng khám liên quan đến hô hấp, các khu vực cách ly theo quy định; tiếp tục rà soát, xây dựng phương án cụ thể theo tình hình thực tế tại đơn vị để sẵn sàng tiếp nhận các ca nghi ngờ tại cộng đồng. Các cơ sở khám, chữa bệnh cần phối hợp chặt chẽ với trung tâm y tế liên quan đến công tác tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19; hạn chế các bệnh nhân điều trị nội trú, tăng cường điều trị ngoại trú, kiểm soát người ra vào... Các đơn vị cần tiếp tục giám sát chặt chẽ tại khu vực cách ly tập trung, quản lý việc theo dõi sức khỏe sau cách ly.

Triển khai quyết liệt biện pháp phòng, chống dịch

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ông Trần Văn Chung nhấn mạnh, trong thời gian tới, các đơn vị phải ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch. Các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh phải rà soát lại công tác chỉ đạo, điều hành; kiện toàn các tổ liên quan đến phòng, chống dịch; rà soát lại phương án triển khai thực hiện tại mỗi bệnh viện và phải có giải pháp cụ thể với phương châm "4 tại chỗ".

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu đặc biệt quan tâm công tác khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân tại các bệnh viện. Đối với cán bộ đang làm việc ở các khu vực cách ly, khu vực có nguy cơ cao, khu vực tiếp đón, cần thực hiện xét nghiệm sớm để loại trừ nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Bệnh viện phải chuẩn bị sẵn sàng khu vực điều trị, bố trí đầy đủ giường bệnh để điều trị các bệnh nhân Covid-19, nhằm giảm tải cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Các trung tâm y tế chủ động tham mưu cho UBND quận, huyện triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch một cách đồng bộ và hiệu quả, trong đó, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các phòng, ban trong công tác phục vụ, đáp ứng hậu cần về phòng, chống dịch; tiếp tục rà soát các phương án triển khai, công tác hậu cần, sẵn sàng chi viện cho các đơn vị khác, ổ dịch có nguy cơ, các cơ sở cách ly tập trung khi có yêu cầu.

Các đơn vị phải chủ động bố trí cơ sở cách ly tập trung, ưu tiên trường hợp F1 trên địa bàn và thu dung tiếp nhận các trường hợp F1 khu vực lân cận, đồng thời tiếp tục tăng cường công tác điều tra, truy vết trường hợp F1, F2 và liên quan để kịp thời khoanh vùng, xử lý ổ dịch.

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/999149/cac-don-vi-y-te-ha-noi-uu-tien-cao-nhat-cho-phong-chong-dich