Các hình thức thanh toán hiện đại đang thẩm thấu vào đời sống xã hội

Hình thức thanh toán qua QR Code mới bắt đầu triển khai từ năm 2021. Chỉ sau 2 năm hiện đã trở nên rất phổ biến, đạt tốc độ tăng hơn 150% trong 1 năm qua và đã hiện diện ở khắp nơi trong đời sống xã hội, từ các nhà hàng, siêu thị, quán cà phê, cửa hàng nhỏ lẻ… Dự kiến thời gian tới, các hình thức thanh toán mới sẽ tiếp tục được ứng dụng các hoạt động đời sống.

Việc phát triển đưa các ứng dụng thanh toán vào đời sống có thể sẽ được thực hiện mạnh hơn trong thời gian tới. Ảnh: TL

Việc phát triển đưa các ứng dụng thanh toán vào đời sống có thể sẽ được thực hiện mạnh hơn trong thời gian tới. Ảnh: TL

Thói quen thanh toán đang thay đổi

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động thanh toán qua phương thức QR Code 5 tháng đầu năm tăng trưởng đạt tới 151,14% về số lượng và tăng 30,41% về giá trị thanh toán.

QR Code (Quick Response code) là mã phản ứng nhanh được ứng dụng trong mua sắm trên di động ngày một gia tăng, tích hợp được ngay trên di động và người dùng ưa chuộng bởi việc thực hiện thanh toán nhanh, ít thao tác phải thực hiện, ít rủi ro nhầm lẫn... Theo đó, một trong những cách tốt để người dân thực hiện thanh toán di động tại cửa hàng là sử dụng mã QR và phương tiện chỉ là một chiếc smartphone có camera và cài đặt ứng dụng cho phép quét, lưu trữ và chia sẻ mã QR.

Ngoài yếu tố có thể thao tác nhanh, lưu trữ thông tin thanh toán trên điện thoại di động cá nhân và mua hàng an toàn hơn nhiều so với việc mang nhiều tiền mặt theo người. Lý do là mã QR Code có hai lớp bảo mật cùng định dạng đặc biệt theo tiêu chuẩn toàn cầu của Tổ chức toàn cầu quản lý thông số kỹ thuật EMV (Europay, Mastercard và Visa).

Việc thanh toán bằng mã QR Code có thể thực hiện theo 2 hình thức. Với hình thức quét mã QR Code cá nhân, khi thanh toán tiền hàng cho khách, nhân viên thu ngân sẽ nhập số tiền cần thanh toán. Sau đó, khách hàng sẽ đưa mã QR trên ứng dụng của mình để nhân viên thu ngân quét mã QR đó và khấu trừ tiền trong tài khoản.

Hình thức thứ hai là quét mã QR Code cửa hàng. Trường hợp này nhà bán lẻ sẽ có sẵn một mã QR tại quầy thu ngân (hoặc trong hóa đơn thanh toán) và người mua hàng sẽ quét mã đó bằng ứng dụng quét mã QR trên thiết bị của mình. Hiện nay, đa phần các chuỗi bán lẻ thời trang, ăn uống, đồ gia dụng… đều đang áp dụng cách thức thanh toán này.

Sẽ tiếp tục ứng dụng vào nhiều mặt trong đời sống

Các con số về thanh toán qua QR Code chỉ là một trong những số liệu thể hiện về tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian qua. Các hình thức thanh toán khác cũng đang phát triển mạnh, chẳng hạn thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,26% về số lượng và 7,65% về giá trị trong vòng 1 năm qua, thanh toán qua POS tăng tương ứng 30,35% và 27,27% về giá trị...

Các ngân hàng cũng đang tiếp tục khai thác “đà” đang có nhờ thói quen sử dụng các hình thức thanh toán mới trong người dân đã được định hình. Do đó, việc phát triển đưa các ứng dụng thanh toán sâu rộng hơn vào đời sống có thể sẽ được thực hiện mạnh hơn trong thời gian tới. Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, trong năm nay, NAPAS sẽ thí điểm triển khai chi trả an sinh xã hội, việc này có thể giúp Chính phủ có thể thực hiện đưa các quyền lợi an sinh xã hội đến người dân nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Ngoài ra, để tiếp tục đáp ứng xu hướng số hóa các sản phẩm dịch vụ, thì việc phát triển nền tảng Open Banking cũng là yếu tố quan trọng, theo đó các đơn vị thanh toán cũng sẽ quan tâm phát triển trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong lĩnh vực ngân hàng. Trong việc ứng dụng vào các dịch vụ công cộng, các đơn vị thanh toán sẽ thực hiện đa dạng hóa hệ sinh thái về thẻ chíp nội địa, hướng tới đưa thẻ chíp nội địa và thanh toán cho các tuyến giao thông công cộng (các tuyến đường sắt trên cao, xe bus…).

Bên cạnh đó, một trong những ứng dụng mới sẽ tiếp tục được thực hiện là việc phát triển hình thức thẻ đồng thương hiệu. Trước đây các ngân hàng phát hành thẻ đơn lẻ và điều này dẫn đến việc người dân có thể phải mang theo người nhiều loại thẻ khác nhau. Việc phát triển hình thức thẻ đồng thương hiệu giúp người dân có thể chỉ cần mang theo người một chiếc thẻ duy nhất.

Ông Minh cho biết, mục tiêu xa hơn nữa của NAPAS và các ngân hàng sẽ nghiên cứu đưa vào thực tiễn là việc “phi vật lý hóa” thẻ ngân hàng. Với hình thức này, chủ thẻ có thể thực hiện trực tuyến tất cả các công đoạn từ khi mở thẻ đến khi sử dụng. Đây là hành trình số hóa 100% từ khi đăng ký tài khoản đến mở thẻ và sử dụng dịch vụ, chiếc thẻ cũng là thẻ điện tử chứ không còn cần đến thẻ vật chất nữa.

Kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia để phát triển dịch vụ

Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng phương án, triển khai kết nối, khai thác thông tin dân cư tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh điện tử (VNeID) phục vụ dịch vụ ngân hàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai các nhiệm vụ tại Đề án 06 /QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cac-hinh-thuc-thanh-toan-hien-dai-dang-tham-thau-vao-doi-song-xa-hoi-131152-131152.html