Các nhà khoa học cần đề cao tính liêm chính

Giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) là chức danh khoa học cao nhất công nhận những người đã đóng góp lớn cho khoa học nước nhà, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công nhận GS, PGS vì thế là vấn đề được dư luận xã hội rất quan tâm.

Thời gian qua, những kiến nghị về việc công nhận GS, PGS của một số hội đồng ngành khoa học dẫn tới những ý kiến trái chiều đối với chủ trương công nhận GS, PGS. Về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

 Ông Phạm Tất Thắng.

Ông Phạm Tất Thắng.

PV: Kỳ họp xét công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2020 đã phải lùi lại do có nhiều đơn tố cáo ứng viên không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được các hội đồng ngành thông qua. Ông nghĩ gì về điều này?

Ông Phạm Tất Thắng: Nếu hồ sơ ứng viên công nhận GS, PGS chuẩn bị chưa kỹ lưỡng mà dư luận có ý kiến phản ánh, đặc biệt là những ý kiến chính thức gửi đến Hội đồng GS Nhà nước thì hội đồng cần thời gian để xem xét lại hồ sơ. Đây là yêu cầu đương nhiên để bảo đảm chất lượng cho việc chuẩn bị hồ sơ cũng như kiểm tra kỹ điều kiện của các ứng viên.

Việc có ý kiến của dư luận, đặc biệt là các ý kiến mang tính xây dựng là rất cần thiết. Đây là một kênh phản biện để làm sao hồ sơ của các ứng viên khi được xét là đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, nếu sự việc này lặp đi lặp lại thì các hội đồng phải xem xét lại phương thức hoạt động, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải xem xét lại các quy định đã chặt chẽ, khả thi hay chưa để bảo đảm chất lượng của các ứng viên được công nhận. Đặc biệt, bản thân các nhà khoa học cũng phải đề cao tính liêm chính, tự trọng trong khoa học.

PV: Ông có đề cập đến vấn đề liêm chính khoa học của các nhà khoa học. Vậy trong những sự việc như thế này, đâu là trách nhiệm của nhà khoa học?

Ông Phạm Tất Thắng: Trước tiên cần hiểu rằng, trong khoa học, công trình công bố phải là của nhà khoa học đó, không cóp nhặt, mượn ý tưởng, công bố những thứ không phải của mình. Cách thức và mục đích của việc công bố là đưa kết quả nghiên cứu của mình tới xã hội để nghiên cứu đó được ghi nhận, đánh giá và đưa vào ứng dụng thực tế. Nếu có nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị thì đương nhiên công bố càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, điều không bình thường như dồn vào một thời gian, ở một số tạp chí không được giới khoa học đánh giá cao... thì phải xem lại cách làm hồ sơ của các ứng viên. Nếu các công trình nghiên cứu được đăng chỉ để lấy danh hiệu thì bản thân việc đăng đã không còn giá trị khoa học.

 Sinh viên Trường Đại học Hạ Long (Quảng Ninh) tham gia nghiên cứu khoa học. Ảnh: Hà Lê.

Sinh viên Trường Đại học Hạ Long (Quảng Ninh) tham gia nghiên cứu khoa học. Ảnh: Hà Lê.

PV: Nhiều người so sánh các công trình công bố kém chất lượng với những cải tiến kỹ thuật đem lại hiệu quả cao của người dân. Theo ông, có nên đưa vào quy định về tính ứng dụng thực tiễn của các công trình nghiên cứu vào điều kiện xét công nhận GS, PGS?

Ông Phạm Tất Thắng: Kết quả nghiên cứu khoa học có hai hướng chính gồm những nghiên cứu có đóng góp chủ yếu về mặt lý luận khoa học và những nghiên cứu ứng dụng. Những nghiên cứu ứng dụng ngoài đóng góp cho khoa học còn có thể ứng dụng trong thực tế. Những nghiên cứu theo hướng lý luận, lý thuyết thì không thể yêu cầu có giá trị đưa vào ứng dụng trong thực tiễn ngay mà phụ thuộc vào giới khoa học có thừa nhận hay không, có được đăng trên các tạp chí uy tín hay không, các nhà khoa học cùng chuyên môn sử dụng như thế nào. Tôi cho rằng, công trình nghiên cứu phải đăng ở các tạp chí khoa học có uy tín là hướng đúng vì như vậy là sự thừa nhận của cộng đồng khoa học.

PV: Có ý kiến cho rằng nên để việc công nhận cho các trường đại học như cách làm ở nhiều nước trên thế giới. Ông có thể cho biết quan điểm của mình?

Ông Phạm Tất Thắng: Thực tế hiện nay chúng ta đang làm như thế rồi. Hội đồng GS Nhà nước chỉ xét các ứng viên đủ điều kiện để được phong học hàm. Còn việc công nhận học hàm hay không là do các trường đại học, viện nghiên cứu công nhận GS, PGS của họ trên cơ sở mặt bằng chung đã được Hội đồng GS Nhà nước thẩm định. Để được công nhận, một ứng viên cần trải qua các hội đồng từ cơ sở, hội đồng ngành, liên ngành rồi mới đến Hội đồng GS Nhà nước. Việc công nhận không phải là bắt buộc mà dựa trên nhu cầu của các nhà trường, học viện. Hiện nay, các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu khoa học phải tự chủ, tự lo một phần kinh phí hoạt động nên việc đề xuất công nhận GS, PGS của họ phải xét trên nhu cầu và phù hợp với khả năng chi trả, điều kiện nghiên cứu...

Ở nước ngoài, có thể không có hội đồng GS cấp nhà nước mà do các trường đại học, viện nghiên cứu công nhận. Nhưng nước ta đang trong quá trình phát triển, vẫn cần có mặt bằng chung về tiêu chuẩn cần thiết để một nhà khoa học được phong học hàm.

PV: Chúng ta đã có những quy định khá rõ ràng về điều kiện công nhận GS, PGS. Tại sao xung quanh việc công nhận GS, PGS vẫn nảy sinh những bất cập chưa được giải quyết triệt để?

Ông Phạm Tất Thắng: Đây là thực tế, có lẽ nước nào cũng có nhưng mức độ nhiều ít khác nhau. Khi đem lại lợi ích thì sẽ tạo ra động lực về mặt lợi ích càng lớn. Khi xã hội phát triển, ý thức tự giác của xã hội và cộng đồng khoa học cao, quy định chặt chẽ hơn thì những vấn đề theo chiều hướng tiêu cực sẽ ít đi.

Truyền thống của xã hội phương Đông là chuộng bằng cấp. Bên cạnh đó, việc trở thành GS, PGS có nhiều giá trị về mặt thực tế như liên quan đến chế độ đãi ngộ, vị trí xã hội, điều kiện đăng ký đề tài, chủ nhiệm đề tài, hướng dẫn sau đại học... Đó cũng là động lực để các ứng viên phấn đấu. Nhưng nó cũng tạo hệ quả khi có những người vì mục tiêu cá nhân tìm mọi cách được phong mà không tính đến đóng góp thực chất của mình cho khoa học, cho xã hội. Do đó, các nhà khoa học phải nhận thức đúng, điều chỉnh, làm chủ được mình.

PV: Vậy có nên xóa bỏ các đãi ngộ đối với các GS, PGS không, thưa ông?

Ông Phạm Tất Thắng: Đội ngũ các nhà khoa học chân chính là những người tạo ra nhiều giá trị cho xã hội, hơn thế là động lực quan trọng để xã hội phát triển. Xã hội phải có trách nhiệm trân trọng và tạo những điều kiện cần thiết để các nhà khoa học cống hiến.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

TOÀN LINH (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/cac-nha-khoa-hoc-can-de-cao-tinh-liem-chinh-642857