Các nhân tố tác động đến hoạt động phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh

(Tiếp theo k trước)

*NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Gần 26 năm từ ngày tái lập (1-1-1997), Bình Phước đã có một bước tiến khá dài, thu được những thành tựu to lớn, trong đó có những thành tựu nổi bật của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đảng bộ các cấp đã có những phương thức lãnh đạo tổ chức vận hành nền kinh tế, là phương tiện điều tiết kinh tế lấy cơ chế thị trường làm cơ sở để phân bổ các nguồn lực kinh tế và điều tiết mối quan hệ giữa người với người chứ không đối lập với các chế độ xã hội. Quá trình điều tiết đã được xem là thành tựu chung của toàn xã hội.

Kinh tế thị trường (KTTT) tồn tại và phát triển ở nhiều phương thức sản xuất khác nhau, nó tồn tại khách quan trong xây dựng và phát triển nền kinh tế của tỉnh Bình Phước theo hướng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần; phát huy thế mạnh các thành phần kinh tế đặc thù của từng địa phương nhưng chung quan điểm thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, xác định cơ chế vận hành của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa chung của cả nước ta là “cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước” bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác.

Ưu tiên các mặt hàng thế mạnh địa phương

Trước những thách thức chung, Tỉnh ủy đã xác định nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa đó là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là bước chuyển quan trọng từ nhận thức KTTT như một công cụ, một cơ chế quản lý sang coi KTTT như một chỉnh thể, là cơ sở kinh tế của sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, doanh nghiệp (DN), các khu công nghiệp, khu kinh tế đóng trên địa bàn tỉnh phải vừa tuân theo quy luật của KTTT, vừa dựa trên cơ sở và chịu sự chi phối bởi các nguyên tắc lãnh đạo chung của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong quá trình sản xuất, DN, các khu công nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh phải ưu tiên các mặt hàng thế mạnh của địa phương và của “thị trường”, được sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật của các địa phương nhằm nâng cao đời sống nhân dân. Còn tính “định hướng xã hội chủ nghĩa” được thể hiện trên cả 3 mặt của quan hệ sản xuất: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối, nhằm mục đích cuối cùng là “dân giàu, nước mạnh, tiên tiến, hiện đại” trong xã hội do dân làm chủ, nhân ái, có văn hóa, có kỷ cương, xóa bỏ áp bức bất công, tạo điều kiện cho mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Trong những năm qua, Tỉnh ủy luôn quan tâm ưu tiên phát triển nền kinh tế với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế nhằm giải phóng mọi tiềm năng để phát triển trong mọi thành phần kinh tế, trong mỗi cá nhân và mọi địa phương của tỉnh. Tuy nhiên để giữ vai trò chủ đạo, đảng bộ các cấp phải giữ vững vai trò lãnh đạo; chính quyền các cấp và cơ quan tham mưu phải nắm được các vị trí then chốt của nền kinh tế bằng trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến, hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao chứ không phải dựa vào bao cấp, cơ chế xin - cho hay độc quyền kinh doanh. Mặt khác, phát triển kinh tế phải được dựa vào nền tảng của sở hữu toàn dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi và từng chính sách phát triển. Tăng trưởng kinh tế phải được gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với phát triển xã hội, văn hóa, giáo dục và đào tạo, giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người.

Chính quyền các cấp phải quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội vừa đảm bảo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế chung của tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 và thể hiện rõ định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế tỉnh theo các chủ trương của Tỉnh ủy, hạn chế những tác động tiêu cực của KTTT. Đồng thời phát huy vai trò làm chủ xã hội của nhân dân, bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh qua từng giai đoạn…

Khắc phục triệt để các “rào cản”

Những năm qua, bên cạnh các thành tựu to lớn đạt được trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhìn chung nền kinh tế của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn thấp so với tiềm năng; tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng, vào các ngành công nghệ thấp, tiêu hao vật chất cao, sử dụng nhiều tài nguyên, vốn và lao động. Năng suất lao động còn thấp so với nhiều địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ. Nguồn lực của tỉnh và các địa phương trong tỉnh chưa được sử dụng có hiệu quả cao, tài nguyên, đất đai và các nguồn vốn của Nhà nước còn bị lãng phí, thất thoát, nhiều nguồn lực trong dân chưa được phát huy. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm. Trong công nghiệp, các sản phẩm có hàm lượng tri thức cao còn ít. Trong nông nghiệp, sản xuất chưa gắn kết chặt chẽ với thị trường. Nội dung công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn còn thiếu cụ thể, tỷ trọng lao động qua đào tạo còn thấp, lao động thiếu việc làm và không việc làm ở một số địa phương còn nhiều…

Bên cạnh đó, nhiều chính sách và giải pháp ở một số địa phương chưa đủ mạnh để huy động, sử dụng được tốt nhất các nguồn lực, cả nội lực và ngoại lực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như của tỉnh. Cùng với đó là công tác cải cách hành chính ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn chậm và kém hiệu quả; công tác tổ chức, cán bộ tuy đã có đổi mới nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác quy hoạch các dự án vừa và nhỏ ở một số địa phương còn nhiều bất hợp lý dẫn đến quy hoạch “treo” khá phổ biến, gây lãng phí nghiêm trọng…

Đảng bộ các cấp từ tỉnh đến cơ sở cần thống nhất nhận thức về nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế vừa tuân theo quy luật của KTTT vừa chịu sự chi phối bởi các quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội và các yếu tố đảm bảo tính định hướng xã hội chủ nghĩa… Quy định rõ, cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của DN và các thành phần kinh tế đối với xã hội. Tạo cơ chế, chính sách về phân bổ nguồn lực, phân phối và phân phối lại theo hướng đảm bảo tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Các nguồn lực xã hội được phân bổ theo cơ chế thị trường và chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người lao động và DN, tạo động lực cho người lao động.

Nâng cao hiệu quả hoạt động, sắp xếp lại, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh để phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền KTTT, theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, cùng có lợi và phát triển cộng đồng. Thực hiện nghiêm túc, nhất quán một mặt bằng pháp lý kinh doanh không phân biệt hình thức sở hữu, thành phần kinh tế đảm bảo đồng bộ các yếu tố thị trường và phát triển đồng bộ các loại thị trường, bảo đảm có cạnh tranh và kiểm soát độc quyền trong kinh doanh… Thực hiện chính sách khuyến khích làm giàu đi đôi với tích cực thực hiện giảm nghèo, đặc biệt ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc và các căn cứ cách mạng trước đây. Phát huy vai trò lãnh đạo của đảng bộ các cấp, vai trò quản lý của Nhà nước, của chính quyền các cấp và sự tham gia của các tổ chức quần chúng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội; phát huy vai trò, tạo điều kiện để các tổ chức và nhân dân tham gia tích cực, có hiệu quả vào quá trình hoạch định, thực thi, giám sát thực hiện luật pháp, các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của tỉnh.

Để khắc phục triệt để các rào cản tác động đến hoạt động phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm của DN trên địa bàn tỉnh giai đoạn hiện nay, đảng bộ các cấp từ tỉnh đến cơ sở phải tích cực lãnh đạo chính quyền các cấp tập trung định hướng cho DN làm tốt một số nhiệm vụ sau:

Khuyến khích và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các DN thâm nhập thị trường làm tăng khả năng bán sản phẩm trong các thị trường hiện tại của DN. Hỗ trợ các DN tiến hành khai thác thị trường nhằm tăng mức và tần số của thị trường hiện tại, tìm kiếm khách hàng mới cho sản phẩm của mình. Để làm được như vậy, DN có thể sử dụng 4 tham số cơ bản, gồm: sản phẩm, giá cả, phân phối và xúc tiến bán hàng.

Hỗ trợ DN đẩy mạnh phát triển thị trường, đưa các sản phẩm hiện tại đã được sản xuất ổn định, bền vững trên địa bàn tỉnh trong những năm vừa qua vào các thị trường mới; tạo mọi điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho DN tiến hành các biện pháp marketing để thực hiện chiến lược tiếp cận và mở rộng thị trường, bao gồm cả nghiên cứu thị trường, dự báo thị trường, xác định thị trường tiềm năng, xác định khả năng bán của doanh nghiệp và hệ thống phân phối mới. DN phải coi khách hàng là trung tâm, là mục tiêu kinh doanh để có chất lượng tốt, phục vụ tận tình, dịch vụ mua bán thuận lợi hướng vào khách hàng và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.

Định hướng cho DN, khu công nghiệp phát triển sản phẩm, mạnh dạn đưa những sản phẩm mới vào bán trong các thị trường hiện tại mà DN hoạt động. Đây là biện pháp cơ bản mà DN nên áp dụng trong quá trình kinh doanh cần có các điều kiện để phát triển sản phẩm như điều kiện kỹ thuật, tài chính để nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Với chiến lược này, các địa phương, chính quyền các cấp cần có kế hoạch hỗ trợ DN để họ tận dụng tốt những thời cơ tiếp cận thị trường.

Đảng bộ các cấp lãnh đạo chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện khuyến khích DN đưa ra sản phẩm mới lạ vào bán trong các thị trường mới hay kinh doanh trong các lĩnh vực truyền thống có lợi thế của địa phương. Khi các DN thâm nhập vào thị trường mới sẽ gặp rất nhiều rủi ro thì chính quyền các cấp phải có các chính sách hỗ trợ. Mặt khác, DN phải xác định được đâu là đối thủ cạnh tranh trực tiếp và đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn để đưa ra chiến lược liên doanh liên kết, biện pháp dung hòa, biện pháp khử bỏ, phương pháp né tránh…

DN cần củng cố sự vững chắc, niềm tin của cán bộ trong DN mình để có thể vươn xa hơn trên thị trường. Các biện pháp DN có thể áp dụng như phát triển nguồn nhân lực, tạo uy tín trên thị trường, cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, quan hệ công chúng…; nghiên cứu phát triển thị trường xuất phát từ việc xác định các mục tiêu về thị trường DN, tìm hiểu thêm về nhu cầu, những thay đổi mới trên thị trường để DN kịp thời đáp ứng những sản phẩm, chiến lược kinh doanh của đối thủ cạnh tranh, qua đó nhận ra vị trí và thị phần cần chiếm lĩnh hay phát triển.

(còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/139331/cac-nhan-to-tac-dong-den-hoat-dong-phat-trien-thi-truong-tieu-thu-san-pham-tren-dia-ban-tinh