Các nước Đông Nam Á linh hoạt ứng phó với Covid-19

Tình hình dịch Covid-19 tại một số quốc gia ở Đông Nam Á thời gian gần đây tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca nhiễm mới và số ca tử vong gia tăng. Trước tình hình này, các quốc gia trong khu vực đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm ứng phó và đẩy lùi đại dịch.

Hạn chế lây lan vi rút SARS-CoV-2

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã ký ban hành các biện pháp mới nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch Covid-19 tại thủ đô Bangkok cùng các vùng phụ cận và 4 tỉnh ở miền Nam nước này. Theo quyết định, kể từ ngày 28/6, lệnh cấm phục vụ ăn uống tại nhà hàng, quán ăn được áp dụng ở thủ đô Bangkok và 5 tỉnh lân cận là Nonthaburi, Pathum Thani, Samut Prakan, Samut Sakhon và Nakhon Pathom.

Ngoài ra, các trung tâm mua sắm ở các địa phương này phải đóng cửa trước 9 giờ tối. Các công trường xây dựng phải đóng cửa và các khu nhà ở của công nhân sẽ bị phong tỏa để kiềm chế các ổ dịch. Thái Lan cũng đề ra lệnh cấm nghiêm ngặt đối với các bữa tiệc, lễ kỷ niệm và các hoạt động có sự tham gia của hơn 20 người...

 Tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Malaysia

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Malaysia

Trong khi đó, tại Malaysia, Thủ tướng Muhyiddin Yassin thông báo, Malaysia sẽ kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm hạn chế sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2. Mặc dù Thủ tướng Muhyiddin không nêu rõ lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ kéo dài đến bao giờ, nhưng ông cho biết biện pháp hạn chế sẽ không được nới lỏng cho tới khi số ca mắc Covid-19 tính theo ngày ở nước này giảm xuống dưới 4.000 ca. Mới đây, ông Azmin Ali, Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp quốc tế của Malaysia cảnh báo số ca nhiễm Covid-19 mới ở Malaysia không giảm và vẫn ở mức cao. Do đó, Chính phủ Malaysia cần phải tiếp tục đánh giá dựa trên tình hình thực tế.

Indonesia hiện là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á với hơn 2 triệu ca bệnh và 56.371 người chết. Số ca bệnh nước này đã tăng mạnh trong tuần qua. Ngày 24/6, với 20.574 ca mắc Covid-19, Indonesia lọt top đầu thế giới về số ca mắc hàng ngày. Theo Hiệp hội Bác sĩ cấp cứu Indonesia, ít nhất 949 nhân viên y tế Indonesia thiệt mạng vì Covid-19 từ tháng 3/2020 tới tháng 6/2021. Trong số này, 401 người là bác sĩ, 315 người là y tá, 150 nữ hộ sinh, 15 dược sĩ, 43 nha sĩ và 25 chuyên gia phòng thí nghiệm y tế.

Các chuyên gia nhận định, đây vẫn chưa phải là đỉnh dịch mới của Indonesia. Đỉnh dịch lần này sẽ rơi vào tháng 7 tới, vài tuần sau kỳ nghỉ lễ Eid Al-Fitri của người Hồi giáo. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính phủ Indonesia áp đặt biện pháp "Giới hạn hoạt động cộng đồng tầm vi mô" để đối phó với sự lây lan của vi rút mà không ảnh hưởng tới nền kinh tế vốn đang gặp suy thoái do đại dịch. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng bước đi này không hiệu quả trong việc ngăn chặn tốc độ lây truyền.

Tăng cường tiêm vắc xin

Tính đến cuối tháng 6, mới chỉ có 6% dân số Malaysia được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, trong khi một số trung tâm tiêm chủng không có đủ nguồn cung vắc xin do nhu cầu sử dụng cao. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo Malaysia kiêm Bộ trưởng Điều phối Chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa Covid-19 Khairy Jamaluddin cho rằng, tình hình sẽ khả quan hơn vào tháng 7 tới khi Malaysia tiếp nhận thêm nhiều nguồn cung cấp vắc xin.

Indonesia cũng đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng. Tổng thống Joko Widodo đặt mục tiêu tiêm chủng cho 7,5 triệu trong tổng số 10,5 triệu dân thủ đô vào cuối tháng 8 để đạt miễn dịch cộng đồng khu vực tâm dịch. Để đạt mục tiêu đầy tham vọng này, nhà lãnh đạo Indonesia đã đi khắp các trung tâm tiêm chủng ở Jakarta để thị sát, kêu gọi người dân tham gia tích cực vào chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 miễn phí của chính phủ.

Hoài Anh (t.h)

1,128

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/cac-nuoc-dong-nam-a-linh-hoat-ung-pho-voi-covid-19-87248.html