Các quan chức cao cấp tích cực phối hợp, chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC vào tháng 11

Từ ngày 9/8 đến ngày 3/9, đã diễn ra Hội nghị lần thứ ba các quan chức cao cấp Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và gần 40 cuộc đối thoại, hội nghị của các Ủy ban, Nhóm công tác liên quan đến nhiều lĩnh vực hợp tác APEC, theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của chủ nhà New Zealand.

Các quan chức cao cấp tích cực phối hợp, chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC vào tháng 11.

Các quan chức cao cấp tích cực phối hợp, chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC vào tháng 11.

Đây là một trong những đợt hội nghị quan chức cao cấp quan trọng nhất để chuẩn bị cho cho Hội nghị Cấp cao và Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 8-12/11/2021.

Tham dự Hội nghị có các Quan chức cao cấp của 21 nền kinh tế thành viên APEC, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC và Tổng Thư ký Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC).

Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị gồm đại diện các Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ…

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc, đa chiều tới mọi nền kinh tế thành viên APEC và khu vực, các thành viên nhất trí cần đẩy mạnh hợp tác, thể hiện sự tính chủ động, tích cực và năng lực thích ứng của Diễn đàn, khẳng định vai trò diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực của APEC.

Hội nghị cũng có ý nghĩa quan trọng nhằm thảo luận triển khai các ưu tiên của Năm APEC 2021, đặc biệt là xây dựng xây dựng Kế hoạch thực hiện Tầm nhìn Putrajaya 2040, thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu Covid-19, đổi mới sáng tạo và số hóa nền kinh tế, đẩy mạnh tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm để chuẩn bị cho những cú sốc có thể xảy đến trong tương lai.

Hội nghị thúc đẩy triển khai mạnh mẽ các chỉ đạo của Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC lần thứ 27 vào tháng 6/2021 về xem xét các giải pháp thương mại giúp giải quyết cuộc khủng hoảng trước mắt và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế trên toàn khu vực, như đảm bảo sản xuất, cung cấp và phân phối vaccine, hỗ trợ các nỗ lực chia sẻ vaccine trên toàn cầu, và giải quyết các rào cản đối với dòng chảy của hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, trong đó có vaccine và các thiết bị y tế.

Các thành viên nhất trí APEC cần có những đóng góp hiệu quả, thiết thực cho Hội nghị Bộ trưởng WTO sẽ diễn ra vào cuối năm nay, đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện Lộ trình APEC về kinh tế mạng, kinh tế số, Lộ trình La Serena về phụ nữ và tăng trưởng bao trùm nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, Hội nghị tập trung rà soát toàn bộ hoạt động, nhóm công tác của APEC, tích cực thảo luận các biện pháp cải cách nhằm tinh gọn cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của Diễn đàn trong giai đoạn phát triển mới.

Đoàn Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực tại hội nghị SOM 3 và các cuộc họp liên quan, với nhiều đề xuất thực chất nhằm hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Tầm nhìn APEC 2040, đóng góp thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, đề cao vai trò đi đầu của APEC và được các thành viên khác ủng hộ.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cac-quan-chuc-cao-cap-tich-cuc-phoi-hop-chuan-bi-cho-tuan-le-cap-cao-apec-vao-thang-11-157716.html