Các quốc gia đẩy mạnh phát triển và tiêm vắc xin ngừa Covid-19

Tính đến 6h ngày 6-2, toàn thế giới có 105.860.335 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.306.708 trường hợp tử vong và 77.449.851 bệnh nhân đã hồi phục.

Người dân ngồi chờ tại khu vực theo dõi sau khi đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Moderna tại một địa điểm tiêm chủng ở thành phố San Francisco (Mỹ) vào ngày 3-2. Ảnh: Bloomberg.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết sẽ đưa ra các khuyến nghị liên quan đến các sản phẩm vắc xin Covid-19 của hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) được sản xuất tại Ấn Độ và Hàn Quốc vào ngày 15-2 tới. Theo bà Mariangela Simao, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO, tổ chức này đã nhận được thông tin cần thiết từ Viện huyết thanh Ấn Độ vào ngày 15-1 và dữ liệu cuối cùng từ hãng dược SK BioScience của Hàn Quốc vào ngày 29-1 để đánh giá theo Danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) của WHO.

Bà M.Simao cũng kêu gọi các nhà sản xuất vắc xin có các sản phẩm tiềm năng đã hoàn thiện giai đoạn thử nghiệm 2b hoặc 3 nên tham gia vào EUL để các quốc gia ít kinh nghiệm hơn trong việc đánh giá vắc xin có thể dựa vào danh sách của WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin ngừa Covid-19.

Châu Mỹ

Ngày 5-2, Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết về dự thảo ngân sách, một bước thủ tục quan trọng cho phép đảng Dân chủ thúc đẩy việc thông qua gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD theo đề xuất của Tổng thống Joe Biden mà không cần sự ủng hộ của một số thành viên đảng Cộng hòa.

Sau cuộc họp tại Nhà Trắng hôm 5-2, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky cho biết, vào tuần tới, CDC sẽ đưa ra hướng dẫn về việc mở cửa lại trường học an toàn. Giám đốc CDC khẳng định: “Mục tiêu của chúng tôi là đưa trẻ em trở lại trường học”.

Cùng ngày, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Lầu Năm Góc đã thông qua việc triển khai 1.100 binh sĩ để hỗ trợ các nỗ lực tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19. Cố vấn cấp cao về dịch Covid-19 của Nhà Trắng Andy Slavitt cho biết, một phần lực lượng này sẽ bắt đầu được triển khai tới bang California trong vòng 10 ngày tới.

Châu Âu

Ngày 5-2, Chính phủ Anh thông báo, nước này đã đạt thỏa thuận với hãng dược phẩm CureVac (Đức) để hợp tác phát triển vắc xin ngừa biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 và đặt mua dự phòng 50 triệu liều. Hầu hết các loại vắc xin mà nước này phối hợp phát triển với CureVac có chung gốc với loại vắc xin ngừa Covid-19 mà hãng này đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối.

Trong khi đó, Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cho biết, nước này tin rằng dịch bệnh đang giảm dần khi tỷ lệ lây nhiễm (R) hiện nằm trong khoảng 0,7-1 (1 người lây nhiễm cho tối đa 1 người khác). Tỷ lệ này đồng nghĩa với việc số ca nhiễm mới tại Anh đang giảm 2-5% mỗi ngày.

Ngày 5-2, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn thông báo, gần 80% người cao tuổi tại các viện dưỡng lão ở nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin ngừa Covid-19. Người đứng đầu ngành Y tế Đức bày tỏ hy vọng, tất cả người dân trong nhóm ưu tiên sẽ được tiêm chủng vắc xin vào cuối quý I năm nay. Nước này cũng sẽ tiếp tục ký thêm hợp đồng với các nhà phát triển vắc xin nhằm thúc đẩy chương trình tiêm chủng.

Cùng ngày, ông Domenico Arcuri, Ủy viên đặc biệt về thực hiện các biện pháp y tế nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 của Chính phủ Italia nhận định, 7 triệu người dân nước này có thể được tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 vào cuối tháng 3 tới nếu nguồn cung được bảo đảm. Gần 250.000 liều vắc xin của hãng AstraZeneca sẽ được đưa đến Italia và được tiêm cho người dân từ tuần tới. Bên cạnh đó, nước này cũng tiêm vắc xin của hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức), và vắc xin của hãng Moderna (Mỹ) cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao như nhân viên y tế và người trên 80 tuổi.

Ngày 5-2, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, hãng dược Sinopharm (Trung Quốc) sẽ cung cấp cho nước này số lượng vắc xin đủ để tiêm chủng cho 250.000 người/tháng trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4. Trước đó, ông Gergely Gulyas, Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary cũng cho biết, Sinopharm sẽ bàn giao số liều vắc xin đủ để tiêm chủng cho 1,75 triệu người ở nước này vào tháng 5 tới.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo thông báo, các biện pháp phong tỏa tại nước này đã được gia hạn đến ngày 1-4 tới, song một số hạn chế sẽ được nới lỏng từ ngày 13-2. Ví dụ, các tiệm cắt tóc sẽ được phép mở cửa trở lại kèm theo các điều kiện nghiêm ngặt.

Thứ trưởng Bộ Bảo vệ dân sự Hy Lạp Nikos Hardalias cho biết, nước này sẽ thắt chặt các hạn chế để phòng dịch Covid-19 ở thủ đô Athens và thành phố lớn thứ hai là Thessaloniki. Các biện pháp nghiêm ngặt sẽ được thực hiện từ ngày 6-2 và kéo dài đến ngày 15-2 trong bối cảnh số ca nhiễm mới hằng ngày ở cả 2 nơi này đều có xu hướng tăng.

Châu Phi

Ngày 5-2, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cho biết, nước này đã bảo đảm có đủ vắc xin ngừa Covid-19 cho ít nhất 26 triệu dân. Quốc gia châu Phi này đặt mục tiêu tiêm chủng ngừa Covid-19 cho 40 triệu người, tương đương 2/3 dân số để tạo miễn dịch cộng đồng.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Minh Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/990576/cac-quoc-gia-day-manh-phat-trien-va-tiem-vac-xin-ngua-covid-19