Các thiên đường du lịch mất nhóm khách nhiều tiền nhất

Sự biến mất của thị trường du khách Trung Quốc khiến các điểm du lịch nổi tiếng ở châu Á chưa thể phục hồi trở lại như thời điểm năm 2019.

 Trong khi một số quốc gia châu Âu đã sớm khôi phục ngành du lịch vào mùa hè qua, khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn chưa thể làm được. Ảnh: AFP.

Trong khi một số quốc gia châu Âu đã sớm khôi phục ngành du lịch vào mùa hè qua, khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn chưa thể làm được. Ảnh: AFP.

Gia đình Mari Kishigawa đã kinh doanh du lịch trong nhiều thập kỷ tại quốc gia Palau xa xôi ở Thái Bình Dương. Trên quần đảo xa xôi, Mari điều hành khu nghỉ dưỡng Carp Island Resort, nằm cách trung tâm thương mại Koror của Palau 30 km đi thuyền, theo The Guardian.

Nhưng gần đây, bà Mari đang đánh giá lại của mô hình kinh doanh này.

“Nếu có đủ khả năng tài chính, tôi sẽ chuyển sang cho thuê nhà thay vì kinh doanh liên quan đến du lịch”, người phụ nữ cho biết.

Đại dịch Covid-19 và lạm phát đã khiến công việc kinh doanh của bà bị ảnh hưởng nặng nề. Ngay cả khi biên giới đã được mở cửa trở lại, khu nghỉ dưỡng vẫn gặp khó trong việc tiếp cận khách hàng.

 Du lịch Thái Lan đã hồi sinh, nhưng chưa bằng 1/4 lượng khách năm 2019. Ảnh: Bloomberg.

Du lịch Thái Lan đã hồi sinh, nhưng chưa bằng 1/4 lượng khách năm 2019. Ảnh: Bloomberg.

“Resort của chúng tôi dùng máy phát điện. Do đó, dù không có khách, tôi vẫn cần tiền mua dầu diesel và đưa tàu ra đảo hàng tuần để mua sắm thực phẩm, dầu nhớt, xăng”, bà nói.

Trước năm 2020, Palau đón trung bình 118.000 du khách mỗi năm. Ngành du lịch đóng góp chính cho nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, năm nay, họ chỉ đón ít hơn 10.000 người tới đảo quốc, theo Bộ Tài chính Palau.

Đây là tình trạng chung trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi các chính phủ đang gặp thách thức lớn trong việc xoay chuyển tình trạng số lượng khách du lịch sụt giảm nghiêm trọng do dịch bệnh gây ra.

Có nhiều hy vọng rằng ngành du lịch sẽ sống lại trong mùa lễ hội. Thế nhưng, những lo ngại về chi phí sinh hoạt cùng với chính sách Zero Covid-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc đang đe dọa làm hỏng tiến độ phục hồi, The Guardian nhận định.

Hồi phục chậm chạp

Trong khi những điểm nóng du lịch châu Âu, như Pháp và Hy Lạp, thu hút số lượng du lịch lớn suốt mùa hè, lượng khách quốc tế và tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn còn kém xa so với mức trước đại dịch.

Ngành du lịch ở một số quốc gia, vốn bị cản trở bởi các quy định Covid-19 suốt 2 năm qua, chỉ mới được dỡ bỏ vài tháng gần đây.

 Nhật Bản mới mở cửa biên giới lại khoảng một tháng. Ảnh: Pexels.

Nhật Bản mới mở cửa biên giới lại khoảng một tháng. Ảnh: Pexels.

Sau khi khôi phục du lịch miễn thị thực cho hàng chục quốc gia vào tháng 10, chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu sẽ thu 5.000 tỷ yen (34,5 tỷ USD)/năm từ việc chi tiêu của du khách.

Tuy nhiên, các nhà phân tích dự đoán rằng chi tiêu của khách quốc tế sẽ chỉ đạt 2,1 nghìn tỷ yen (14 tỷ USD) vào năm 2023 và sẽ không vượt quá mức trước Covid-19 trước năm 2025.

Ngay cả ở những nước dỡ bỏ các hạn chế Covid-19 từ sớm, số lượng du khách vẫn thấp hơn nhiều so với trước đây.

Thái Lan bắt đầu mở cửa biên giới trở lại vào tháng 11/2021, với hy vọng thu hút 15 triệu khách du lịch quốc tế vào năm 2022. Tuy nhiên, trên thực tế, lượng du khách đến xứ Chùa vàng trong năm nay dự kiến chỉ đạt gần 10 triệu lượt, so với mức gần 40 triệu của năm 2019.

Bali (Indonesia) cũng rơi vào cảnh tương tự. Dù là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng toàn cầu, “hòn đảo thiên đường” chỉ ghi nhận 276.000 du khách quốc tế trong tháng 8, so với mức 606.000 người hồi tháng 8/2019.

 Du lịch Pháp trở lại mạnh mẽ vào mùa hè năm nay. Ảnh: Benoit Tessier/Reuters.

Du lịch Pháp trở lại mạnh mẽ vào mùa hè năm nay. Ảnh: Benoit Tessier/Reuters.

Những số liệu trên trái ngược với một số điểm đến ở châu Âu, nơi chứng kiến sự bùng nổ du lịch trong suốt mùa hè qua. Vào tháng 7 và tháng 8, tỷ lệ lấp đầy tại các khách sạn ở Pháp thậm chí cao hơn mức được ghi nhận trong khoảng thời gian năm 2019.

Lượng du khách hàng tháng đến Australia vẫn thấp hơn khoảng 1 triệu lượt so với mức cao nhất trước đại dịch, một phần do những hạn chế đi lại nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, Margy Osmond, Giám đốc điều hành của Diễn đàn Du lịch và Giao thông Australia (TTF), đang mong đợi một năm 2023 bận rộn hơn khi thời tiết ở phía nam bán cầu dần ấm lên.

“Một yếu tố quan trọng khác của sự phục hồi du lịch là du khách Trung Quốc, vốn là nguồn chính cho nhiều điểm du lịch ở khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Australia nói riêng. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, chúng tôi cần tiếp tục tận dụng các thị trường khác, như Ấn Độ, để lấp đầy khoảng trống đó”, bà nói.

Sự biến mất của nhóm khách giàu có

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng nhất đối với ngành du lịch toàn cầu. Khách du lịch nước này đã chi khoảng 260 tỷ USD trong năm 2019, vượt xa tất cả người quốc tịch khác.

Theo Nihat Ercan, người đứng đầu bộ phận kinh doanh đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại công ty cố vấn JLL Hotels & Hospitality, Trung Quốc là nguồn du lịch số 1 ở châu Á đối với một số thành phố lớn.

Sự vắng mặt lâu dài của nhóm du khách này đồng nghĩa doanh thu du lịch khó có thể sớm trở lại mức trước đại dịch, New York Times đưa tin.

 Nhóm khách Trung Quốc tham quan Palau vào năm 2015. Ảnh: AFP.

Nhóm khách Trung Quốc tham quan Palau vào năm 2015. Ảnh: AFP.

Palau nằm trong số những nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi du khách Trung Quốc “biến mất”. Năm 2019, nhóm này chiếm khoảng 1/3 tổng du khách đặt chân đến đảo quốc. Năm nay, chỉ có 57 công dân Trung Quốc nhập cảnh tại nước này.

Gần đây, các quan chức y tế Trung Quốc tuyên bố sẽ “kiên quyết” tuân thủ chính sách Zero Covid-19, đồng nghĩa rằng việc đi lại quốc tế gần như không thể xảy ra.

“Thị trường Trung Quốc không còn tồn tại nữa rồi”, Ron Leidich, người sáng lập và quản lý của công ty điều hành tour du lịch chèo thuyền kayak Paddling Palau, thẳng thừng đánh giá.

Thay vào đó, ông trông chờ vào những thị trường khác, như Nhật Bản hoặc Đài Loan. Mặt khác, dù Covid-19 gây tổn hại cho ngành du lịch địa phương, nó trả lại mang cho thiên nhiên nơi đây sự bình yên.

“Tôi đã ở đây ngót 30 năm và chưa từng thấy một Palau đẹp rực rỡ đến thế. Nhưng với tư cách là một nhà điều hành tour du lịch, nó khiến tôi có động lực làm việc để mang du khách tới đây”, ông nói.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-thien-duong-du-lich-mat-nhom-khach-nhieu-tien-nhat-post1377497.html