Các trường nghề hướng tới 'tuyển sinh là tuyển dụng'

Nhằm tạo sức hút tuyển sinh cũng như nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động liên kết hợp tác với doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu lao động của thị trường, mở rộng ngành nghề đào tạo theo hướng gắn tuyển sinh với tuyển dụng… Qua đó, khẳng định uy tín trong công tác đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Trường cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Vĩnh Phúc nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới “tuyển sinh là tuyển dụng”. Ảnh: Kim Ly

Trường cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Vĩnh Phúc nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới “tuyển sinh là tuyển dụng”. Ảnh: Kim Ly

Theo chương trình đào tạo tại Trường cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Vĩnh Phúc, từ năm thứ 2, ngoài thực hành tại trường, nhà trường đã tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên (HSSV) đi thực tập, trải nghiệm tại doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động hỗ trợ xe đưa đón, chỗ ở và trả lương cho HSSV khi tham gia thực tập. Qua đó, giúp HSSV có năng lực, kỹ năng thực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo, có ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp...

Em Trần Xuân Trường, sinh viên K13A, Khoa Điện - Điện tử, cho biết: “Từ năm thứ 2, nhà trường đã tạo điều kiện cho em tham gia thực tập và làm việc tại Công ty TNHH Sam Sung Electronics Việt Nam tại Thái Nguyên. Khi tham gia thực tập thực tế tại công ty đã giúp em tiếp cận với trang thiết bị hiện đại, tích lũy nhiều kinh nghiệm và tự tin hơn khi ra trường, đi làm.

Công ty hỗ trợ chỗ ở và trả lương theo tháng phụ thuộc vào năng suất, chất lượng hiệu quả làm việc; qua đó, giúp em hình thành kỹ năng thực hành nghề, có ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp... Đây cũng là cơ hội việc làm khi chúng em phát huy tốt khả năng và “nhận việc” từ khi còn đi học hoặc sau khi tốt nghiệp”.

Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Đạt cho biết: Nhằm thu hút HSSV, nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đang hướng tới chủ trương “tuyển sinh là tuyển dụng”; chủ động liên kết, ký kết hợp tác đào tạo với gần 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm nâng tầm chất lượng đào tạo, hỗ trợ người học tìm cơ hội việc làm có thu nhập tốt và tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp ra trường.

Đồng thời, nhà trường cam kết đảm bảo 100% sinh viên ra trường có việc làm với thu nhập 5 -15 triệu đồng/người/tháng. Có thể thấy, nhờ sự liên kết hợp tác này đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, khẳng định vị thế, uy tín của nhà trường".

Với mục tiêu phấn đấu “tuyển sinh là tuyển dụng”, Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với 50 doanh nghiệp và ký thỏa thuận cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp.

Nhà trường cũng đã thiết lập quan hệ với các đối tác nước ngoài đến từ các quốc gia như Đức, Pháp, Úc... nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong các lĩnh vực; đào tạo giáo viên; xây dựng chương trình giáo dục… Trung bình mỗi năm, nhà trường cung cấp gần 1.000 sinh viên đến thực tập và làm việc với các ngành nghề theo đúng nhu cầu của doanh nghiệp.

Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc Nguyễn Trung Thiện cho biết: "Theo chương trình đào tạo, sinh viên cao đẳng sẽ đi trải nghiệm và thực tập chia làm 2 đợt, mỗi đợt kéo dài 3 tháng tại doanh nghiệp nhằm vận dụng kiến thức đã học áp dụng vào quá trình làm việc thực tế.

Khi tham gia thực tập, trải nghiệm, sinh viên sẽ được doanh nghiệp áp dụng trả lương mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, nhà trường cam kết, 100% sinh viên hệ cao đẳng và hơn 90% học sinh hệ trung cấp có việc làm sau tốt nghiệp".

Để giúp HSSV "chắc nghề - vững nghiệp", Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo; xây dựng đội ngũ giảng viên, chương trình giáo trình bám sát với nhu cầu doanh nghiệp đang cần và xu thế phát triển của nền kinh tế; mời cán bộ doanh nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao tham gia vào các quá trình đào tạo của nhà trường như xây dựng chương trình, giáo trình, tham gia các hội đồng thi tốt nghiệp, giảng dạy cho sinh viên. Hằng năm, nhà trường cử giáo viên, giảng viên tham gia học tập thực tế tại các doanh nghiệp; trang bị các kỹ năng mềm cho HSSV.

Qua khảo sát, điều tra cho thấy, giai đoạn 2021-2025, nhu cầu tuyển dụng lao động có chuyên môn, kỹ thuật trong các doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành/nghề kỹ thuật điện, điện tử; kỹ thuật cơ khí...

Trước thực trạng đó, để cung ứng nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, ngày 12/11/2021, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”.

Đề án tập trung xây dựng các nhóm giải pháp nhằm đảm bảo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước đủ về số lượng; có cơ cấu lao động theo trình độ chuyên môn phù hợp; có khả năng làm chủ công việc, trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm; chủ động, sáng tạo trong công việc, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Theo đó, thời gian tới, các trường nghề chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của một số cơ sở đào tạo có các ngành nghề trọng điểm; đẩy mạnh các chương trình hợp tác, liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm hướng tới “tuyển sinh là tuyển dụng”. Qua đó, góp phần thu hút HSSV, nâng cao nguồn nhân lực, phục vụ công cuộc CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Minh Thu

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/75517/cac-truong-nghe-huong-toi-%E2%80%9Ctuyen-sinh-la-tuyen-dung%E2%80%9D.html