Các xã ven biển Lâm Đồng chủ động các phương án phòng chống bão số 3
Do ảnh hưởng bão số 3, vùng ven biển của tỉnh Lâm Đồng có gió mạnh, sóng lớn. Hầu hết tàu thuyền khai thác gần bờ đã neo đậu an toàn, chấp hành đẩy đủ các chỉ đạo, tuyên truyền của xã về các biện pháp phòng tránh. Riêng tàu thuyền đánh bắt xa bờ không di chuyển vào vùng biển phía Bắc nên ít chịu ảnh hưởng của bão.

Tàu thuyền neo đậu tại phường Phan Thiết
Ghi nhận tại vùng ven biển xã Phan Rí Cửa sáng 22/7, khi nghe tin bão số 3 và thực tế gió mạnh, sóng lớn trên biển, ngư dân địa phương đã neo đậu tàu thuyền, không ra biển khai thác hải sản như thường lệ. Bà Ngô Thị Hồng (xã Phan Rí Cửa) có ghe công suất 180 CV làm nghề lặn sò điệp, ốc, các loại hải sản hai mảnh vỏ tại đây cho biết: Để phòng tránh bão, gia đình đã neo đậu an toàn, tạm ngừng ra biển khai thác hải sản. Anh Nguyễn Lam Thành, ngư dân tại xã Phan Rí Cửa chia sẻ, mấy ngày nay gió lớn nên chủ ghe và các thuyền viên đã tạm thời neo bờ, không ra biển. Dù có khó khăn về thu nhập, nhưng anh Thành cho biết vẫn chấp hành đúng khuyến cáo để đảm bảo an toàn cho người, tài sản là trên hết.

Sóng lớn ven biển Lâm Đồng
Theo UBND xã Phan Rí Cửa (Lâm Đồng), để chủ động phòng chống bão số 3, địa phương đã khẩn trương đề nghị các ban ngành, đơn vị và ban điều hành (BĐH) các thôn thông tin kịp thời, đầy đủ đến người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiếu thiệt hại. Đồng thời, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, ven biển, khu vực trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Đối với các thôn thuộc khu vực ven sông, ven biển, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Bộ đội Biên phòng đóng trên địa bàn, thông tin kịp thời tình hình gió mạnh, mưa dông trên biển cho chủ các phương tiện và ngư dân; thường xuyên kiểm tra, theo dõi sát các khu vực bị sạt lở ven biển, nhất là các khu vực thôn Hà Thủy, làng nghề truyền thống, khu du lịch ven biển để chủ động sơ tán người, khách du lịch và tài sản đến nơi an toàn. Kiểm tra các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển để chủ động ứng phó, chẳng buộc an toàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; xử lý cây xanh ngã đồ, đồng thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Thuyền thúng của ngư dân xã Phan Rí cửa
Tại xã Tân Thành, Chủ tịch UBND xã Mai Thị Ngọc Ảnh đã có văn bản yêu cầu các phòng, ban, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão. Đồng thời, quản lý nghiêm ngặt hoạt động tàu thuyền ra khơi, tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn. Triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, phương tiện, tài sản đặc biệt đối với các điểm du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và các công trình trên biển, trên đảo, khu vực ven biển. Căn cứ tình hình cụ thể, chủ động quyết định việc cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch và di dời dân tại các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản ven bờ, trên biển, trên đảo để đảm bảo an toàn. Sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Tại xã Hòa Thắng, ông Lê Thanh Chung- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, đến thời điểm này, hơn 200 thuyền thúng, xuồng hoạt động khu vực biển Hòa Thắng đã neo bờ để phòng tránh ảnh hưởng của cơn bão số 3. Đồn Biên phòng Hòa Thắng phối hợp với UBND, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN xã Hòa Thắng quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi. Đồng thời, tổ chức kiểm đếm, theo dõi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện, thông báo cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh. Mặt khác, sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn kịp thời, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Nghiêm cấm các phương tiện ra khơi và đến bãi neo đậu an toàn…

Tàu thuyền neo đậu tại sông Cà Ty, phường Phan Thiết vào sáng 22/7
Tại phường Phan Thiết, UBND phường Trần Nguyên Lộc cho biết để ứng phó bão số 3, địa phương đã và đang quản lý nghiêm ngặt hoạt động tàu thuyền ra khơi, tổ chức kiểm đếm. Đồng thời thông báo cho các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh. Song song, triển khai công tác bảo đảm an toàn về người, phương tiện, tài sản, đặc biệt đối với các điểm du lịch, đánh bắt thủy, hải sản và các công trình khu vực ven biển…
Được biết, Lâm Đồng là 1 trong 3 ngư trường lớn của cả nước với tổng số tàu cá là 7.824 chiếc. Tỉnh đã thực hiện đăng ký 5.940 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên và cập nhật vào sổ đăng ký quốc gia, đạt 75,9%.
Theo ghi nhận của phóng viên, do ảnh hưởng của mưa bão, tàu thuyền ít ra biển khai thác hải sản. Do đó, giá bán các loại hải sản đã tăng nhẹ so với những ngày trước. Đơn cử như cá bớp bán chợ Phan Thiết khoảng từ 320.000 đồng/kg tăng lên 350.000 đồng/kg.