Cách bắt lịch độc đáo của người dân Mũi Cà Mau
Con lịch bề ngoài gần giống con lươn nhưng chúng thường sống ở hang vùng nước lợ, nơi bãi bồi cửa sông đổ ra biển. Người dân vùng bãi bồi Mũi Cà Mau bắt lịch bằng cách cắm câu, tôm hay cua là món ăn khoái khẩu của lịch, cách bắt độc đáo này ít tốn sức lại cho thu nhập cao.
Theo người dân ở Cà Mau, con lịch thuộc họ lươn thường sống ở môi trường nước mặn ven các con sông, kênh rạch. Đặc biệt ở vùng bãi bồi Mũi Cà Mau, con lịch lớn toàn thân có màu vàng đen và nhiều nhớt. Con lịch rất khó bắt, do tập tính sống trốn dưới bùn sâu, dưới rễ cây. Lịch có quanh năm, nhưng bắt dễ nhất là lúc nước ròng trơ bãi.

Bãi bồi, dưới chân rễ mắm, đước là môi trường lý tưởng lịch sinh sống. Ảnh: Nguyên Du
Dụng cụ của người dân đi bắt lịch phổ biến nhất là câu, vì câu là cách bắt được nhiều, lịch câu cũng sống được lâu ngày. Còn thụt hang chỉ người bắt lịch chuyên nghiệp mới dùng cách này. Ngoài ra, người dân cũng có thể quào, cách này bắt dính nhiều, nhưng lịch bị thương, dễ chết, giảm giá trị kinh tế.

Cách mắc mồi câu lịch. Ảnh: Nguyên Du
Để làm được câu cắm không hề đơn giản, người làm câu phải có kỹ thuật nhất định để lịch không xoắn đứt dây câu. Lưỡi câu, ngạnh câu phải được gia cố và mồi câu phải được cắt nhỏ vừa con lịch ăn. Chọn và xác định hang của lịch để cắm cũng là một việc đòi hỏi nhiều kinh nghiệm trong nghề.
Chị Lâm Thị Thân ở ấp Tân An, xã Tân Thuận, tỉnh Cà Mau, người có trên 20 năm làm nghề câu lịch, cho biết: Trước đây, ở miệt quê con lịch nhiều vô số, đi câu lịch chỉ làm mồi cho cua ăn hoặc để đổi món trong bữa cơm thường ngày. Còn hiện nay, nhờ giá cao nên mọi người đổ xô đi bắt lịch.

Chị Lâm Thị Thân người có hơn 20 năm sống bằng nghề câu lịch bán. Ảnh: Nguyên Du
Theo chia sẻ của chị Thân, ngoài những bãi bồi tự nhiên, trước đây ở những vuông tôm lâu năm không thuốc lịch, lịch làm hang trong vuông tôm, ảnh hưởng lớn đến số lượng tôm nuôi. Người cắm câu lịch có thể kiếm được hàng chục kg lịch. Mỗi người thường cắm từ 20 đến 30 cần câu. Cắm xong một lượt sẽ quay lại thăm câu. Lịch có đặc tính ở những nơi đất bùn, mềm khi ăn mồi câu lịch trốn sâu vào trong hang làm xoắn dây nếu không thăm kịp thời lịch sẽ làm đứt dây câu hoặc lịch sẽ chết rất khó bán. Nếu con lịch nào nuốt câu vào sâu bên trong không gỡ ra được người câu dùng kéo cắt dây câu. “Trước đây, con lịch nhiều vô số kể, một ngày câu có khi 5 - 7kg, nhưng giá bấp bênh nên thu nhập chẳng là bao. Nay số lượng lịch giảm nhiều, một ngày câu từ 1,5 - 2kg, thu nhập 200 - 250 ngàn đồng/ngày”, chi Thân cho hay.
Cũng theo người phụ nữ này, một số người dân nơi khác đến thu mua làm khô để dễ dàng bảo quản, vận chuyển đi xa tiêu thụ. “Khô có giá ba lần so với lịch tươi sống, còn lịch một nắng thì gần hai lần bởi cứ hơn 3 ký lô tươi mới cho thành phẩm 1 ký lô khô, còn lịch một nắng gần 2 ký nguyên liệu mới có 1 ký thành phẩm”.

Se lịch là phương thức hay được dân ở vùng bãi bồi Mũi Cà Mau chọn để thực hiện. Cách bắt lịch độc đáo này trực tiếp bắt lịch nhanh hơn cắm câu và thú vị hơn do tận mắt chững kiến lịch ăn mồi. Ảnh: Nguyên Du
Bên cạnh việc cắm câu, se lịch cũng là phương thức hay được dân ở vùng bãi bồi Mũi Cà Mau chọn để thực hiện. Bởi cách này trực tiếp bắt lịch nhanh hơn cắm câu và thú vị hơn do tận mắt chững kiến lịch ăn mồi. Cách se lịch cũng cần phải làm lưỡi câu và mồi như câu cắm nhưng đòi hỏi người se phải có nhiều kinh nghiệm biết chính xác hang nào có lịch để cho mồi câu vào nhử lịch ăn.

Lịch thương phẩm được thương lái đến tận nơi mua với giá giao động từ 150 - 200 ngàn/1kg. Ảnh: Nguyên Du
Ở vùng Mũi Cà Mau, con lịch là sinh kế nuôi sống nhiều gia đình qua bao thế hệ. Nhiều món ăn từ lịch được yêu thích như lịch xào sả ớt, lịch nấu canh chua, lịch um rau ngổ.
Không chỉ là “đặc sản” mà nó còn mang trong mình sứ mệnh du lịch mới lạ, độc đáo đó là “Trò chơi dân gian - Bịt mắt bắt lịch” thu hút nhiều du khách khi đến Khu du lịch Mũi Cà Mau.