Cách Mỹ thực hiện chiến dịch đột kích tiêu diệt trùm khủng bố IS

Để tấn công vào hang ổ của Thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, giới chức Mỹ đã lên kế hoạch kỹ lưỡng.

Thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi, một trong những mục tiêu bị truy nã gắt gao nhất thế giới, đã bị tiêu diệt trong chiến dịch đột kích do đặc nhiệm Mỹ thực hiện gần đây tại Syria. Để tấn công vào hang ổ của tên này, giới chức Mỹ đã lên kế hoạch kỹ lưỡng.

Theo The Washington Post, tháng 12-2021, giới chức Mỹ đã nắm được vị trí của thủ lĩnh IS al-Qurashi tại một tòa nhà 3 tầng ở làng Atmeh, tỉnh Idlib, phía tây bắc Syria. Các quan chức của Lầu Năm Góc đã trình lên Tổng thống Mỹ Joe Biden các phương án tiếp cận và bắt sống al-Qurashi.

Chiến dịch vây bắt al-Qurashi rất phức tạp bởi có nhiều trẻ em sinh sống tại khu vực tên này ẩn náu. Gia đình sống ở tầng một không biết rằng họ đang ở cùng tòa nhà với trùm khủng bố khét tiếng. Al-Qurashi hiếm khi rời khỏi nhà, trừ những lúc cầu nguyện hoặc tắm nắng trên sân thượng.

 Tầng 3 tòa nhà ở làng Atmeh, tỉnh Idlib (Syria) tan hoang sau khi trùm khủng bố IS al-Qurashi nổ bom tự sát. Ảnh: AP

Tầng 3 tòa nhà ở làng Atmeh, tỉnh Idlib (Syria) tan hoang sau khi trùm khủng bố IS al-Qurashi nổ bom tự sát. Ảnh: AP

Tên này sử dụng người đưa tin để truyền đạt mệnh lệnh cho cấp dưới. Việc trú ẩn ở tòa nhà có dân thường sinh sống được cho là một lựa chọn có tính toán của trùm khủng bố IS. Xung quanh al-Qurashi có nhiều phụ nữ và trẻ em. Tổng thống Biden cho rằng, hắn muốn quân đội Mỹ chùn tay trước rủi ro gây thương vong cho dân thường vô tội.

Trong nhiều tuần, nhà lãnh đạo Biden và các chỉ huy quân đội Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc trao đổi để quyết định về thời gian và cách thức vây bắt thủ lĩnh IS. Tới ngày 1-2 vừa qua, phương án cuối cùng được đưa ra. Sau cuộc thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley, Tổng thống Biden đã cho phép triển khai chiến dịch chống khủng bố quy mô lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình.

Do tính chất phức tạp của tình hình, ông Biden quyết định chỉ đạo đặc nhiệm Mỹ tiến hành đột kích, thay vì không kích để giảm thương vong cho dân thường. Một ngày sau, các chỉ huy quân đội Mỹ kết luận điều kiện tác chiến đã chín muồi và quyết định thực hiện chiến dịch vào ban đêm.

Tối 2-2, Tổng thống Biden, Phó tổng thống Kamala Harris và các cố vấn cấp cao tập trung tại Phòng Tình huống ở Nhà Trắng để theo dõi chiến dịch.

Trước khi triển khai chiến dịch, lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã trải qua hàng chục cuộc diễn tập. Các đặc nhiệm mất khoảng hai giờ để di chuyển từ nơi xuất phát tới khu vực tấn công mục tiêu. Khi đến nơi, đặc nhiệm Mỹ dùng loa phóng thanh, yêu cầu dân thường sơ tán khỏi hiện trường.

Căng thẳng được giải tỏa khi gia đình sống ở tầng một đồng ý rời khỏi tòa nhà. 10 dân thường đã được sơ tán, trong đó có 8 trẻ em. Không lâu sau khi đặc nhiệm Mỹ phát đi cảnh báo, al-Qurashi nổ bom tự sát trên tầng 3 của tòa nhà, khiến cả gia đình hắn thiệt mạng.

Trong báo cáo ban đầu, đặc nhiệm Mỹ thông báo đã tiêu diệt đúng mục tiêu thông qua nhận diện gương mặt và dấu vân tay. Tuy nhiên, phải đến sáng 3-2, kết quả xác nhận bằng phân tích ADN mới được gửi đến Nhà Trắng để Tổng thống Biden công bố thông tin chính thức với thế giới.

Nhà lãnh đạo Biden cho biết, ông đã ra lệnh tiến hành chiến dịch nhằm bảo vệ người dân Mỹ cùng các đồng minh và biến thế giới trở thành một nơi an toàn hơn. Theo ông Biden, chiến dịch này là bằng chứng về khả năng của Mỹ nhằm loại trừ các mối đe dọa khủng bố ở bất cứ đâu trên thế giới.

Trong chiến dịch này, quân đội Mỹ không có thương vong. Mặc dù mục tiêu của chiến dịch là bắt sống trùm khủng bố IS al-Qurashi, song kịch bản tên này cho nổ bom tự sát đã nằm trong các dự đoán của đội ngũ hoạch định chiến lược.

Thủ lĩnh IS tiền nhiệm Abu Bakr al-Baghdadi cũng đã chọn cách nổ bom tự sát khi bị đặc nhiệm Mỹ đột kích vào năm 2019. Trước khi tiến hành cuộc đột kích, Lầu Năm Góc đã yêu cầu kỹ sư đánh giá về khả năng vụ nổ phá sập tòa nhà. Các kỹ sư tính toán và kết luận vụ nổ sẽ chỉ phá hủy tầng trên cùng của tòa nhà.

Việc trùm khủng bố IS al-Qurashi bị tiêu diệt trong chiến dịch đột kích của đặc nhiệm Mỹ được đánh giá là đòn giáng mạnh, đánh tan nhuệ khí của IS trong bối cảnh tổ chức khủng bố này hoạt động ngày càng mạnh mẽ ở khu vực Trung Đông.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/cach-my-thuc-hien-chien-dich-dot-kich-tieu-diet-trum-khung-bo-is-685549