Cách nào đào 'mỏ vàng' thị trường nội địa?

Có thể thấy trong khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, việc khai thác tối đa thị trường nội địa với sức mua gần 100 triệu dân đang diễn ra khá tốt. Song, quá trình này cần được đẩy mạnh để không chỉ vì dịch bệnh, nông sản nói riêng và hàng hóa Việt Nam nói chung mới có thể thu hút người dùng trong nước.

Từ chỗ lo rớt giá, ế ẩm đầu ra khi dịch COVID-19 xuất hiện, đến nay gần 100.000 tấn vải thiều đã được tiêu thụ, giá cả dao động từ 12.000 - 32.000 đồng/kg, trong đó thị trường trong nước chiếm 60%. Nhiều kênh tiêu thụ ở thị trường trong nước được mở ra để đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng này, diễn ra trên cả hình thức offline và online.

Nhiều 'ông lớn' bán lẻ chốt đơn

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, đến ngày 5/6/2021, các hệ thống phân phối, bán lẻ lớn trong nước đã đặt hàng nghìn tấn vải thiều, nông sản các loại. Cụ thể, từ ngày 25/5 - 29/5/2021, Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) mỗi ngày thu mua khoảng 300 tấn, tổng thu mua khoảng 600 tấn vải thiều. Từ ngày 29/5 - 5/6/2021 thu mua khoảng 80 tấn vải thiều (2 container 32 tấn và 1 container 16 tấn).

Hàng Việt cần phải khai thác mạnh thị trường nội địa.

Hàng Việt cần phải khai thác mạnh thị trường nội địa.

Trong khi đó, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM - Saigon Co.op cho biết, đơn vị này đã làm việc với các HTX vải thiều ở Bắc Giang, nhập về hơn 95 tấn vải đưa vào kinh doanh toàn hệ thống cả nước. Kế hoạch thu mua tập trung khoảng 200 tấn vải, các đơn vị tự thu mua và tiêu thụ khoảng 100 tấn, đã có kế hoạch tăng sản lượng hơn nữa. Đơn vị này cũng đang nghiên cứu, tìm kiếm phương án mua, xuất khẩu vải thiều sang Singapore.

Trong tháng 5/2021, tập đoàn Central Retail Việt Nam (Hệ thống Big C) đã thu mua là 107 tấn vải thiều (Bắc Giang 52 tấn; Hải Dương 55 tấn), dự kiến trong tháng 6 thu mua 350 tấn vải thiều; đối với các mặt hàng nông sản khác như dưa hấu, thu mua khoảng 150 tấn của Bắc Giang. Ngoài ra, trong tháng 6 dự kiến thu mua nông sản từ Hải Dương khoảng 140 tấn các mặt hàng (cà rốt, dưa hấu, vải...).

Tương tự, VinCommerce cũng đã làm việc với các HTX lớn ở Lục Ngạn thu mua và xuất hàng đi tất cả các hệ thống Vinmart và Vinmart+ trên 64 tỉnh thành. Từ 25/5/2021 đến nay, mỗi ngày tiêu thụ 7-10 tấn và cam kết tiêu thụ vải thiều đến hết mùa...

Cùng với đó, các hệ thống chợ đầu mối cũng không kém cạnh trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản nội địa. Đơn cử, chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) đã tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản; Chợ đầu mối Thủ Đức, từ đầu mùa vải thiều, lượng tiêu thụ từ tỉnh Bắc Giang đạt 2.575 tấn, từ Hải Dương đạt 1.919 tấn. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay lượng nông sản của tỉnh Bắc Giang tiêu thụ là 3.951 tấn; Hải Dương là 21.081 tấn.

Dịch COVID-19 xảy đến, nhiều sáng kiến, hợp tác trong tiêu thụ nông sản cũng đã được tổ chức như chuyện nông dân trồng vải thiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang) đã trực tiếp livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Kết quả trong buổi livestream kéo dài 40 phút, bà con nông dân huyện Lục Ngạn, đã bán hết 8 tấn vải thiều.

Mới đây, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT), Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) và Grab Việt Nam cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện chương trình “Hỗ trợ chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp”. Trước mắt, Chương trình đặt mục tiêu thúc đẩy hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua các nền tảng số nói chung đối với các địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, địa phương nằm trong vùng giãn cách, phong tỏa xã hội, trong đó có thử nghiệm trên nền tảng của Grab...

Điều này cho thấy, trong khó khăn việc khai thác mạnh thị trường nội địa đã được đẩy mạnh. Song làm thế nào để câu chuyện này không dừng lại ở mặt hàng nông sản, cũng như trở thành các kênh tiêu thụ hiệu quả cho hàng hóa Việt Nam đang là vấn đề được đặt ra. Bởi, thực tế nhiều mặt hàng trong nước hiện nay vẫn đang lép vế so với hàng ngoại. Đơn cử như mặt hàng quần áo thời trang, dù mỗi năm xuất khẩu gần 40 tỷ USD nhưng tận dụng thị trường trong nước lại rất... khiêm tốn.

Cung - cầu cần gặp nhau

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, việc tiếp cận thị trường trong nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến hệ thống phân phối, kế hoạch marketing, mẫu mã... Trong khi, làm hàng xuất khẩu thì các DN không cần phải lo lắng những vấn đề này.

Quan trọng hơn, đại diện DN dệt may phản ánh sản phẩm may mặc trải qua nhiều khâu từ sợi, dệt... mỗi khâu đều phải nộp thuế giá trị gia tăng. Vì vậy, DN dệt may mong muốn Nhà nước có thể giảm hoặc miễn thuế cho DN khi dùng vải may để phục vụ thị trường nội địa.

Đáng chú ý, đâu đó chúng ta vẫn nghe thấy nhiều phản ánh rằng hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng, xuất khẩu ra nước ngoài song vẫn khó vào siêu thị Việt. Nguyên nhân vẫn là do sự kết nối cung - cầu còn lỏng lẻo, người sản xuất và phân phối chưa tìm được tiếng nói chung.

Bà Nguyễn Thị Đông, Chủ tịch HĐQT công ty CP Hoa Lan - chuyên sản xuất các sản phẩm hóa mỹ phẩm thiên nhiên, chia sẻ sản phẩm được XK ra nước ngoài, đầy đủ giấy tờ truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận chất lượng quốc tế... Tuy vậy, để vào được siêu thị ở Việt Nam, công ty sẽ phải hoàn thiện thêm các giấy tờ, thủ tục khác, chưa kể chế độ thanh toán chậm của siêu thị khiến DN gặp nhiều khó khăn.

Bởi vậy, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ để tạo ra sự kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và phân phối hàng hóa. Làm sao để hàng Việt Nam không phải tốn những chi phí, chiết khấu cao vô lý, phải đi vào siêu thị bằng "cửa sau".

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, muốn kích cầu thị trường nội địa cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia, bao gồm các vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh, đi đôi với các trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, hạ tầng giao thông, các dịch vụ logistics... Ngoài ra, cần sớm thiết lập hệ thống các chợ đầu mối nhằm đảm bảo cho hàng hóa sản xuất ra được giao dịch một cách công khai, minh bạch trên thị trường, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, DN cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu của hàng hóa, thương hiệu bán lẻ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh, tiến tới hình thành các tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn, đủ sức dẫn dắt thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh với các DN nước ngoài ngay ở thị trường nội địa.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng Việt Nam cần có một gói kích thích kinh tế, phục hồi tăng trưởng. Điều này cũng sẽ kích cầu tiêu dùng trong nước, người dân có tiền để gia tăng chi tiêu, mua sắm.

Ông Hoàng Anh Tuấn

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

Những sản phẩm được mùa (như Xoài, Nhãn của Sơn La, Hưng Yên…) cần tính đến phương án trong tình hình dịch bệnh thế này, dự kiến tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu ra sao, làm sao để cung cầu phải gặp nhau. Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các DN từ xuất khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ và các chợ đầu mối tập trung đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, trong đó có quả vải thiều (vì tuần tới đây sẽ là thời điểm quả vải thiều vào chính vụ thu hoạch). Đặc biệt đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước, tập trung vào thị trường phía Nam, các chợ đầu mối phía Nam.

Ông Vũ Tiến Lộc

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Trong bối cảnh DN gặp khó về thị trường tiêu thụ, việc đẩy mạnh "Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sẽ là hành động thiết thực hậu thuẫn cho DN Việt. Để tận dụng cơ hội, bên cạnh sự hỗ trợ và đồng hành của các cơ quan quản lý thì các DN cần phải có sản phẩm chất lượng, giá cạnh tranh, dịch vụ bán hàng tốt để đưa vào hệ thống phân phối.

Bà Vũ Thị Hậu

Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam

Người sản xuất giỏi về chuyên môn nhưng chưa chắc giỏi về kinh doanh - một lỗ hổng lớn mà nhà sản xuất cần phải cải thiện. Việc sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng là rất cần thiết, nhưng việc tạo ra bao bì, tem nhãn thu hút người tiêu dùng cũng quan trọng không kém. Tuy nhiên, đây là điểm yếu của các HTX, doanh nghiệp trong việc đưa sản phẩm ra thị trường.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/cach-nao-dao-mo-vang-thi-truong-noi-dia-1079013.html