Cách nào để giáo viên tiếng Anh, Tin học không bỏ việc?

Dù liên tục tuyển dụng nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM vẫn không tuyển đủ giáo viên tiếng Anh, Tin học cho các trường tiểu học hệ công lập.

Học sinh trong một tiết học tại Trường tiểu học Hiệp Tân (quận Tân Phú, TPHCM). Ảnh: Nhàn Lê

Học sinh trong một tiết học tại Trường tiểu học Hiệp Tân (quận Tân Phú, TPHCM). Ảnh: Nhàn Lê

Giáo viên bỏ việc vì lương thấp

Từ nhiều năm nay, dù TPHCM tổ chức nhiều đợt tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, Tin học tại các trường tiểu học hệ công lập nhưng rất ít người ứng tuyển. Có thời điểm, Sở GD&ĐT TPHCM phải điều động giáo viên Tiếng Anh, Tin học đang dạy bậc trung học cơ sở chuyển xuống dạy tiểu học. Từ năm 2018 đến năm 2023, môn tiếng Anh có nhu cầu tuyển 1.129 nhân sự nhưng chỉ tuyển được 841 giáo viên.

Còn với môn Tin học, nhu cầu là 502 nhưng chỉ tuyển được 140 giáo viên. Các môn học mang tính đặc thù khác như Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật cũng không có ứng viên ứng tuyển. Ngoài việc khó tuyển dụng, giáo viên tiếng Anh và các môn học mang tính đặc thù khác tại các cơ sở giáo dục công lập ở TPHCM lại nghỉ việc rất nhiều. Từ năm học 2020 đến nay, có 614 giáo viên tiếng Anh, Tin học và các bộ môn khác của các cơ sở giáo dục công lập không còn công tác trong ngành giáo dục với lý do nghỉ hưu, nghỉ việc, bỏ việc, mất vì bệnh.

Sở GD&ĐT nhìn nhận nguyên nhân chính diễn ra tình trạng trên do thu nhập của giáo viên thấp hơn nhiều so với thị trường bên ngoài. Nếu mới ra trường, họ chỉ được trả hơn 3 triệu đồng một tháng. Từ đó, Sở đề xuất có chính sách thu hút với giáo viên Ngoại ngữ, Tin học, Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật ở các trường tiểu học công lập. Theo đề xuất này, giáo viên được tuyển dụng lần đầu ở các môn này sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng trong năm đầu. Trong đó, chi phí sinh hoạt, nhà ở là 25 triệu đồng, còn lại là phương tiện đi lại (5 triệu), hỗ trợ tự học 5 (triệu) và động viên (15 triệu). Trong hai năm tiếp theo, họ được hỗ trợ 40 triệu đồng mỗi năm, giảm còn 30 triệu đồng từ năm thứ ba trở đi.

Giảm áp lực để giáo viên gắn bó với nghề

Ông Dương Trần Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), cho hay nhiều trường tiểu học công lập tại TPHCM đang thiếu giáo viên. Trường tiểu học Lê Đức Thọ vẫn đang hợp đồng với một giáo viên tiếng Anh, một giáo viên Tin học để giảng dạy học sinh. Hai giáo viên này đều không tốt nghiệp ngành sư phạm mà học một ngành khác và có thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

“Để tuyển được giáo viên tốt nghiệp sư phạm ra dạy môn bộ môn là cực kỳ khó. Sinh viên khi ra trường có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp với mức lương cao hơn. Trong khi giáo viên các bộ môn gặp nhiều khó khăn, vất vả khi dạy tiểu học nhưng mức lương nhận lại chưa tương xứng”, ông Bình nói.

Theo vị hiệu trưởng này, đề xuất hỗ trợ tiền cho giáo viên của Sở GD&ĐT là hoàn toàn hợp lý, giúp giáo viên có thể bám trụ với nghề. Cụ thể,Thông tư của Bộ GD&ĐT quy định, các giáo viên tiếng Anh, Tin học và một số môn học đặc thù sẽ nhận nhiệm vụ 23 tiết/tuần. Với số lượng các tiết học bộ môn không nhiều, mỗi giáo viên được phân công từ 12 đến 23 lớp khác nhau.

“Dạy nhiều lớp đồng nghĩa giáo viên phải theo dõi, nhận xét, đánh giá hàng trăm học sinh mỗi tháng. Đây là khối lượng công việc vô cùng lớn. Tình trạng thiếu người cũng khiến họ phải gánh thêm công việc để đảm bảo chương trình cho học sinh”, ông Bình nói và đề xuất giáo viên các môn này nên được giảm định mức tiết dạy như những giáo viên làm công tác chủ nhiệm.

Cùng quan điểm, giáo viên Trần Quang Anh (một trong hai giáo viên đầu tiên tại TPHCM được tuyển thẳng từ nguồn sinh viên xuất sắc), cho hay chính sách của Sở GD&ĐT TPHCM sẽ giúp giải quyết được phần nào tình trạng thiếu giáo viên bộ môn ở bậc tiểu học công lập tại TPHCM.

Thực tế học tập tại Trường đại học Sư phạm TPHCM - cơ sở giáo dục đào tạo sư phạm trọng điểm Quốc gia, Quang Anh cho biết sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, nhất là sư phạm tiếng Anh thường có nguyện vọng vào dạy bậc THPT, bởi dạy học sinh tiểu học rất áp lực và mức lương cũng không tương xứng. Đây là 2 lý do chính khiến nhiều giáo viên trẻ lựa chọn dạy ở các trung tâm thay vì vào hệ thống giáo dục công lập.

Để thu hút thêm nhân lực ngành giáo viên, hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP Thủ Đức đề xuất phải tạo được môi trường làm việc năng động, cởi mở, khơi dậy tình yêu nghề, yêu trẻ của mỗi giáo viên. "Với những người có nhiều lựa chọn, môi trường lý tưởng sẽ giúp các bạn cảm thấy gắn bó, thay vì làm việc ở các nơi khác với mức lương cao hơn”, người này nói.

Triển khai lớp học số để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên

Để giúp những trường thiếu giáo viên đảm bảo được việc giảng dạy, Sở GD&ĐT TPHCM đã triển khai lớp học số tại Trường Tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) và Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ).

Theo ông Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An, do đặc thù về địa lý, nhiều năm liền, các vị trí tuyển dụng giáo viên thường xuyên bị bỏ trống, một số người mong muốn xin chuyển công tác về đất liền. Các môn Mỹ thuật, Âm nhạc chưa có giáo viên dạy chính. Khi triển khai mô hình lớp học số, học sinh các khối 4, 5 tại trường sẽ được học tiếng Anh và tin học với một giáo viên dạy qua màn hình và giáo viên trợ giảng. “Mô hình này cơ bản giải quyết trước mắt tình trạng thiếu nhân lực tại trường. Tuy học qua màn hình nhưng có trợ giảng hỗ trợ nên đa số học sinh đều hiểu bài và rất có hứng thú với lớp học”, ông Bình đánh giá.

Nhàn Lê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cach-nao-de-giao-vien-tieng-anh-tin-hoc-khong-bo-viec-post1644419.tpo