Cách nào hạn chế rủi ro khi xuất khẩu?

Vụ việc các container hạt điều xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam nghi bị lừa đảo tại Italy vẫn chưa có kết luận. Tuy nhiên, từ vụ việc này cho thấy nhiều lỗ hổng trong giao dịch thương mại quốc tế cần được khắc phục.

Vừa qua, 5 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu 100 container hạt điều sang Italy. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc với đối tác nhập khẩu, họ phát hiện nhiều dấu hiệu bị lừa đảo. Doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận được tiền, trong khi đó, 36 container bị mất các bộ chứng từ gốc và có nguy cơ bị mất trắng.

Sản xuất, chế biến hạt điều tại Bình Phước. Ảnh: TTXVN

Sản xuất, chế biến hạt điều tại Bình Phước. Ảnh: TTXVN

Liên quan đến vụ việc các DN Việt Nam mất quyền kiểm soát của 36 container hạt điều xuất sang Italy, Bộ Công Thương đã nhanh chóng chỉ đạo hỗ trợ, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các DN để giải quyết vụ việc một cách hiệu quả nhất. Cụ thể, ngay khi nắm bắt thông tin về vụ việc, bộ đã chỉ đạo Tham tán Thương mại tại Italy trực tiếp đến các cảng Genova, Napoli là những nơi mà các lô hàng được đưa đến, làm việc với đơn vị quản lý cảng, hãng tàu, ngân hàng, chính quyền địa phương, đề nghị tạm thời chưa tiến hành giao hàng để có thời gian làm rõ vụ việc. Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Italy cũng đã hỗ trợ các DN tiếp cận luật sư tại Italy để tư vấn, tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết giúp DN Việt Nam kiểm soát các lô hàng. Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã có công thư gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Italy đề nghị quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan của Việt Nam nhằm nhanh chóng giải quyết vụ việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các DN Việt Nam cũng như hình ảnh và uy tín của các DN Italy... Hiện nay, các container được cơ quan cảnh sát Italy ra lệnh phong tỏa, không cho bất kỳ ai ra cảng lấy hàng, để DN Việt Nam củng cố chứng cứ nắm lại quyền sở hữu chúng.

Thực tế cho thấy, trong hoạt động thương mại quốc tế vẫn xảy ra những rủi ro, trong đó có hoạt động lừa đảo. Liên quan tới vụ việc các DN Việt Nam mất quyền kiểm soát 36 bộ chứng từ gốc của các lô hàng, có nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân là do phương thức thanh toán. Trong vụ việc nghi lừa đảo này, các DN Việt Nam đã sử dụng phương thức thanh toán “Trả tiền nhận chứng từ (D/P)”. Theo quy trình thanh toán D/P, DN điều của Việt Nam sau khi làm thủ tục xuất khẩu sẽ gửi bộ chứng từ cho hãng vận chuyển. Chứng từ sau đó chuyển đến cho ngân hàng của người bán tại Việt Nam. Ngân hàng Việt Nam có trách nhiệm chuyển phát nhanh bộ chứng từ này cho ngân hàng của nhà nhập khẩu ở Italy. Nhà nhập khẩu sẽ tiến hành thanh toán cho ngân hàng nhập khẩu và nhận bộ chứng từ. Với bộ chứng từ này, người mua có thể nhận hàng tại cảng và ngân hàng nhập khẩu tiến hành chuyển giao tiền cho ngân hàng phía Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề xảy ra khi bộ chứng từ gốc từ Việt Nam chuyển qua Italy đã "không cánh mà bay".

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong thương mại quốc tế, có nhiều phương thức thanh toán khác nhau. Ngoài phương thức D/P, còn có phương thức “Điện chuyển tiền (T/T)”. Theo đó, ngân hàng người mua chuyển tiền cho ngân hàng người bán khi được người mua yêu cầu, hiểu đơn giản giống như việc chuyển khoản giữa hai cá nhân với nhau. Trong khi đó, hình thức “Thư tín dụng (L/C)”, ngân hàng người mua phát hành L/C, với các nội dung chi tiết tương ứng với các điều khoản trong hợp đồng như một văn bản cam kết trả tiền cho bên bán. Khi ngân hàng nhận được bộ chứng từ do người bán gửi đến và kiểm tra bộ chứng từ đó phù hợp với quy định trong L/C thì ngân hàng sẽ trả tiền cho người bán. Để bảo đảm việc thanh toán thì ngân hàng thường yêu cầu người mua phải ký quỹ trước một số tiền nào đó, thậm chí là 100% giá trị của hợp đồng. Ông Trần Thanh Hải cũng cho rằng, trong một giao dịch, việc lựa chọn phương thức thanh toán nào phụ thuộc vào thế mạnh đàm phán thuộc về ai. Khi thị trường là của người mua thì họ sẽ đưa ra phương thức thanh toán tiện nhất cho họ. Nếu thị trường thuộc về người bán thì người bán mới có thể áp đặt được phương thức có lợi cho mình.

Ghi nhận từ một số DN xuất nhập khẩu cho thấy, trong thương mại quốc tế, L/C vẫn là phương thức thanh toán được đánh giá ít rủi ro nhất, song đây lại không phải là phương thức thanh toán phổ biến nhất trong thương mại nông sản. Bởi thực hiện thanh toán theo phương thức L/C, người mua sẽ bị đọng vốn ở ngân hàng. Theo một doanh nhân đang có container hạt điều bị mắc tại Italy, các DN nông sản chủ yếu sử dụng phương thức T/T; D/P và CAD (là phương thức giao chứng từ trả tiền). Đây là những phương thức có nhiều rủi ro hơn nhưng là một phương thức thanh toán phổ biến trong thương mại quốc tế.

Để hạn chế rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, từ vụ việc này, Bộ Công Thương khuyến cáo các DN khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cần kiểm tra, xác thực kỹ đối tác qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các nước. Các DN nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, các nghĩa vụ của mỗi bên, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường... Các DN cũng lưu ý các biện pháp phòng ngừa và quản trị rủi ro, trong đó có việc mua bảo hiểm đầy đủ và chủ động thuê tàu, kiểm soát các khâu trong chuỗi logistics.

MINH ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/cach-nao-han-che-rui-ro-khi-xuat-khau-690671