Cái kết không có hậu của những kẻ cho vay lãi nặng

Vì hoàn cảnh bức thiết, nhiều người sẵn sàng tìm đến 'tín dụng đen' để có tiền giải quyết công việc, dù biết phải trả lãi suất cao. Còn các đối tượng hoạt động 'tín dụng đen' thì triệt để lợi dụng sự bí bách về kinh tế của một bộ phận người dân cho vay tiền với lãi suất 'cắt cổ'. Việc phải trả lãi suất quá cao, lãi mẹ đẻ lãi con khiến người vay khó lòng trả được tiền gốc lẫn lãi. Để đòi nợ, các đối tượng hoạt động 'tín dụng đen' dùng các thủ đoạn đe dọa, hành hung, cưỡng đoạt tài sản để 'siết nợ' gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, gây mất ANTT trên địa bàn.

Đối tượng L.V.T lúc bị cơ quan Công an bắt giữ về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Đối tượng L.V.T lúc bị cơ quan Công an bắt giữ về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Hoạt động cho vay có tính lãi suất trong giao dịch dân sự được xác định là “cho vay lãi nặng” khi cho vay tiền với mức lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại Khoản 1, Điều 468, Bộ luật Dân sự (lãi suất, mức lãi suất vay tiền theo thỏa thuận không vượt quá 20%/năm). Do vậy, thời gian qua lực lượng chức năng ở các địa phương thường xuyên tuyên truyền cho người dân về phương thức, thủ đoạn và hệ lụy khi dính dáng đến “tín dụng đen”. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người dân vì hoàn cảnh riêng mà vẫn “nhắm mắt làm liều” hoặc vì cả tin mà sa bẫy của các đối tượng cho vay nặng lãi.

Mới đây, 2 đối tượng ở tỉnh Đắk Nông có hành vi lợi dụng khó khăn về kinh tế của một số người dân để cho vay tiền với lãi suất “cắt cổ” đã bị TAND tỉnh này đưa ra xét xử về tội danh “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Trường hợp thứ nhất là L.V.T (1975, trú P. Nghĩa Phú, TX Gia Nghĩa, Đắk Nông). Năm 2018, L.V.T được cấp giấy chứng nhận hộ đăng ký kinh doanh với ngành nghề: “Dịch vụ cầm đồ, mua bán xe máy cũ, sửa chữa xe máy, nhà nghỉ, nhà trọ” hoạt động tại TP Gia Nghĩa. Trong quá trình kinh doanh dịch vụ cầm đồ, T. còn làm dịch vụ “tín dụng đen”, cho vay dưới hình thức ngắn hạn (thu lãi và gốc cùng lúc) và dài hạn (thu lãi theo tuần hoặc tháng, sau đó thu gốc).

Theo điều tra của cơ quan Công an, T. cho 8 cá nhân trên địa bàn tỉnh vay 21 lần, với số tiền trên 5,3 tỷ đồng, thu lãi hơn 311 triệu đồng. Trong đó, số tiền lãi hợp pháp gần 56 triệu đồng, thu lợi bất chính số tiền hơn 255 triệu đồng, tổng số tiền T. sử dụng để cho vay là 976,5 triệu đồng.

Qua xét xử, TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên phạt bị cáo T. 250 triệu đồng; đồng thời, truy thu số tiền bị cáo T. dùng để cho vay và số tiền lãi tương ứng mức cao nhất trong quy định của Bộ luật Dân sự mà T. đã thu của người vay. T. còn phải trả lại số tiền thu lợi bất chính là 255,805 triệu đồng cho 8 cá nhân mà bị cáo đã cho vay tiền và thu lợi bất chính trước đó.

Tương tự, mới đây bị cáo P.T.L (1960, trú H. Krông Nô, Đắk Nông) bị TAND huyện Krông Nô tuyên phạt 250 triệu đồng về tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Theo cáo trạng, L. đã sử dụng số tiền 323 triệu đồng cho 31 người dân trên địa bàn huyện vay với lãi suất từ 3.000 - 10.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, thu lãi số tiền hơn 365 triệu đồng. Mức lãi suất ngày tương đương từ 109,5%- 365%/năm, vượt quá từ 5,5 - 18,2 lần lãi suất tối đa (20%/năm) theo quy định. HĐXX TAND huyện Krông Nô còn tuyên buộc bị cáo L. phải nộp số tiền 323 triệu đồng sử dụng vào mục đích phạm tội cùng số tiền lãi tương ứng mức lãi suất cao nhất theo quy định mà bị cáo đã thu của 31 người vay là gần 66 triệu đồng để sung công quỹ Nhà nước và trả lại số tiền hơn 306 triệu đồng thu lợi bất chính cho những người vay.

Các bản án là bài học đắt giá cho các đối tượng cũng là lời cảnh tỉnh cho mỗi người đừng vì tham tiền, lợi dụng sự khó khăn của người khác để cho vay lãi nặng. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, người dân cần tỉnh táo, cẩn trọng khi vay tiền, không nên “nhắm mắt làm liều” vay nợ với mức lãi suất quá cao so với lãi suất của ngân hàng để tránh bị sập bẫy của các đối tượng cho vay lãi nặng.

Đ.N

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/cai-ket-khong-co-hau-cua-nhung-ke-cho-vay-lai-nang-post269374.html