Cạm bẫy hủy hoại Công Trí

Vụ việc nhà thiết kế Công Trí bị bắt vì liên quan đến ma túy đặc biệt gây chấn động dư luận. Nhiều người tiếc cho tài năng của làng thời trang Việt đang ở đỉnh cao. Tuy nhiên, vụ việc cũng đặt ra câu hỏi về vai trò của xã hội và truyền thông trong việc tạo ra những thần tượng. Chúng ta có đang tôn vinh thành công trong showbiz mà quên đi yếu tố trách nhiệm và đạo đức không?

Nhà thiết kế Nguyễn Công Trí được xem là "anh cả" của làng thời trang Việt. Công Trí là người đã mang lại nhiều thành tựu cho thời trang Việt Nam trên bản đồ thế giới. Từ Beyoncé, Katy Perry, Rosé (BLACKPINK) đến các ngôi sao hạng A của showbiz Việt đều khoác lên mình bộ đồ của nhà thiết kế đình đám.

Có sự nghiệp đỉnh cao và được truyền thông ca ngợi, Công Trí khá kín tiếng về đời tư và từng được xem là hình mẫu "sạch" trong làng thời trang và giải trí. Vụ việc Công Trí bị bắt vì liên quan đến ma túy đặc biệt gây chấn động dư luận.

Để giảm thiểu những cạm bẫy và áp lực của sự nổi tiếng, cả nghệ sĩ và ngành giải trí đều phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình. Dù thành công đến đâu, không ai được phép đặt mình trên pháp luật và đạo đức xã hội.

Khi người nổi tiếng mất đi khả năng nhìn nhận thực tế

Khi một người nổi tiếng đạt được mức độ nổi tiếng nhất định, có một số yếu tố tâm lý tự nhiên có thể dẫn đến tự mãn. Hiện tượng này được các nhà tâm lý học gọi là "bong bóng xã hội" - khi bạn được bao quanh bởi những người luôn ca ngợi và đồng ý với bạn, và truyền thông cũng tung hô, bạn có thể mất đi khả năng nhìn nhận thực tế một cách khách quan.

Mỗi ngày, họ được fan hâm mộ yêu mến, được truyền thông ca ngợi, và được những người xung quanh nói rằng mọi quyết định của họ đều tuyệt vời. Trong môi trường như vậy, việc duy trì nhận thức về đạo đức và trách nhiệm xã hội, hành vi pháp luật của mình trở nên cực kỳ khó khăn. Nó tạo một "cảm giác bất khả xâm phạm" - người thành công bắt đầu tin rằng các quy tắc xã hội hay pháp luật thông thường không áp dụng cho họ, hay họ thường xem nhẹ các yếu tố này trong hành xử hằng ngày.

 Công Trí sụp đổ khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp.

Công Trí sụp đổ khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp.

Bề ngoài, trước công chúng, họ thường có cuộc sống và sinh hoạt rất chỉn chu, nhưng trong thực tế cuộc sống cá nhân họ có thể hành xử hoàn toàn trái ngược. Điều này được gọi là cognitive dissonance (sự mâu thuẫn giữa niềm tin và hành động xảy ra khi một người có đặc quyền và quyền lực). Họ thường tìm cách hợp lý hóa những hành vi không phù hợp với các giá trị mà họ công khai ủng hộ hay thể hiện bên ngoài.

Vụ việc của nhà thiết kế Công Trí cho thấy tầm quan trọng của việc có các cơ chế kiểm soát và cân bằng xung quanh những người nổi tiếng. Khi một người đạt được thành công đáng kể, họ cần có những người xung quanh sẵn sàng nói "không" và nhắc nhở họ về trách nhiệm xã hội, không chỉ là những cá nhân bình thường, mà còn là những hình mẫu có khả năng lan tỏa năng lượng tích cực nhất, và thường cũng dễ dàng bị giám sát nhất về việc tuân thủ các quy định pháp luật.

Điều này cũng đặt ra câu hỏi về vai trò của xã hội và truyền thông trong việc tạo ra những thần tượng. Chúng ta có đang tôn vinh thành công trong showbiz mà quên đi yếu tố trách nhiệm và đạo đức không? Chúng ta có đang tạo ra một văn hóa mà trong đó danh tiếng và tiền bạc quan trọng hơn xem xét hành vi và lối sống?

Cạm bẫy hủy hoại sự nghiệp

Cũng cần thận trọng trong việc đưa ra phán đoán hay phán xét cực đoan. Danh tiếng và thành công là những mục tiêu hấp dẫn, nhưng chúng không phải là con đường trực tiếp dẫn đến hạnh phúc, hay dẫn tới các hành vi lệch chuẩn. Ngược lại, chúng thường đi kèm với những áp lực và cạm bẫy tâm lý nặng nề, stress từ công việc, hoặc các vấn đề cá nhân mà công chúng không biết đến.

Khi một cá nhân trở thành người nổi tiếng, đồng nghĩa với việc chấp nhận sự mất mát đáng kể về quyền riêng tư. Sự giám sát liên tục từ người hâm mộ và giới truyền thông khiến họ khó có thể thực hiện các hoạt động đơn giản. Điều đó cũng đã biến cuộc sống riêng tư hay sinh hoạt hàng ngày trở thành show diễn công cộng, với áp lực về hình ảnh hoàn hảo theo cách mà họ không hề mong muốn. Việc liên tục bị quan sát, phê bình, giữ hình ảnh khiến não bộ ở trạng thái cảnh giác cao độ, hoạt động quá tải dẫn đến kiệt sức về tinh thần.

 Chất cấm hủy hoại sự nghiệp nghệ sĩ.

Chất cấm hủy hoại sự nghiệp nghệ sĩ.

Ngoài ra, thành công cũng càng tạo thêm áp lực với người nổi tiếng khi họ không thể tự do ngừng lại. Áp lực này không chỉ đến từ công việc mà còn từ sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành giải trí, sáng tạo. Điều này buộc người nổi tiếng phải liên tục đổi mới, cống hiến không ngừng nghỉ để không bị "thụt lùi". Sự sợ hãi bị lãng quên thúc đẩy họ hoạt động với cường độ vượt quá giới hạn thể chất và tinh thần.

Điều đáng buồn là dù luôn được đám đông vây quanh và ngưỡng mộ, nhiều người nổi tiếng lại cảm thấy vô cùng cô đơn. Họ gặp khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ cá nhân chân thật và nghiêm túc, thường xuyên nghi ngờ liệu người khác đến với mình vì con người thật hay chỉ vì danh tiếng và vẻ ngoài. Điều đó khiến họ bị "cô lập xã hội". Sự thành công đã tạo ra khoảng cách giữa những người nổi tiếng và thế giới xung quanh của mình.

Điều này là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề tâm lý ở người nổi tiếng như chứng trầm cảm, lo âu hay rối loạn tâm thần dẫn đến việc lạm dụng các chất kích thích, gây nghiện hay thuốc an thần.

Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ lạm dụng chất kích thích trong ngành giải trí cao hơn nhiều ngành nghề khác, và có rất nhiều người trong ngành giải trí bị các ảnh hưởng tiêu cực từ chất kích thích, thuốc an thần ở các nước trên thế giới. Cạm bẫy nguy hiểm từ việc lạm dụng chất kích thích và các hành vi lệch chuẩn, dẫn đến hậu quả pháp lý nặng nề và hủy hoại sự nghiệp là hệ quả đã xảy ra và có thể đoán trước được đối với nhiều người nổi tiếng.

Trách nhiệm của ai?

Sự việc của nhà thiết kế Nguyễn Công Trí không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân anh mà còn có những tác động rộng lớn hơn. Một mặt, nó phá vỡ niềm tin của công chúng vào những người nổi tiếng nói chung. Mặt khác, nó cho thấy thành công không phải lúc nào cũng mang lại hạnh phúc trọn vẹn. Đối với người nổi tiếng, nó còn là con dao hai lưỡi, đẩy họ vào vòng xoáy của áp lực và hệ lụy tâm lý nghiêm trọng. Người nổi tiếng cũng cần học cách bảo vệ bản thân, đặt ra giới hạn và tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần.

 Sự việc của nhà thiết kế Nguyễn Công Trí để lại những tác động lớn.

Sự việc của nhà thiết kế Nguyễn Công Trí để lại những tác động lớn.

Để giảm thiểu những cạm bẫy và áp lực của sự nổi tiếng, cả người nổi tiếng và ngành giải trí đều phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình. Không có ai, dù thành công đến đâu, cũng không được đặt mình trên pháp luật và đạo đức xã hội.

Quan trọng hơn, nó nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc xây dựng các hệ thống hỗ trợ và kiểm soát xung quanh những người có ảnh hưởng lớn. Thay vì chỉ tôn vinh thành công, chúng ta cần tôn vinh cả tính chính trực và trách nhiệm xã hội, và tuân thủ pháp luật.

PGS.TS Nguyễn Văn Thăng Long (Phó chủ nhiệm bộ môn Truyền thông chuyên nghiệp - Đại học RMIT Việt Nam)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cam-bay-huy-hoai-cong-tri-post1763510.tpo