Cam Lộ chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và Cục Kiểm lâm, thời điểm từ tháng 5 đến tháng 7/2020 nhiệt độ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 1-2 độ C, khiến nguy cơ cháy rừng xảy ra là rất cao. Hiện nay, một số địa phương trong đó có tỉnh Quảng Trị đang trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng, hầu hết những diện tích rừng có nguy cơ cháy thường xuyên ở cấp IV, cấp V, cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Nhằm chủ động hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, ngay từ đầu mùa khô năm 2020, huyện Cam Lộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng, đảm bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng và cháy lớn.

 Tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng ở Cam Lộ. Ảnh: TH

Tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng ở Cam Lộ. Ảnh: TH

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cam Lộ Hoàng Ngọc Tiến cho biết, huyện Cam Lộ có hơn 20.000 ha rừng, trong đó diện tích rừng trồng chiếm hơn 18.000 ha và gần 2.000 ha rừng tự nhiên. Để chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu UBND huyện, Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững (BCĐ 886) huyện Cam Lộ xây dựng phương án PCCCR, trong đó xác định rõ 3 vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng và tập trung kiểm tra, rà soát các phương án, kế hoạch PCCCR với phương châm “4 tại chỗ”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng thời lượng dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng, PCCCR trong cộng đồng. Nhờ đó, từ đầu mùa khô năm 2020 đến nay trên địa bàn huyện Cam Lộ chưa xảy ra cháy rừng.

Qua kinh nghiệm thực tiễn chỉ đạo, thực hiện công tác PCCCR cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy rừng, như diễn biến thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài làm cho thảm thực bì khô, chỉ cần sử dụng lửa sơ suất là dễ dẫn đến cháy rừng. Bên cạnh đó, một số chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân thường xử lý thực bì sau khai thác bằng phương pháp đốt, không đăng ký hoặc có đăng ký nhưng việc chấp hành các quy trình kỹ thuật thiếu nghiêm túc, chưa lường trước hết các nguy cơ có thể tác động làm cho ngọn lửa bùng phát vượt ngoài tầm kiểm soát, dẫn đến cháy lan vào rừng. Việc quản lý lưu lượng người ra vào rừng, khai thác rừng của các cấp chính quyền chưa tốt; trong khi đó lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng quá mỏng, ý thức bảo vệ rừng của một bộ phận người dân còn hạn chế, xem trách nhiệm bảo vệ rừng và PCCCR là của ngành kiểm lâm, do đó công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, hệ thống đường giao thông lâm nghiệp, đường ranh cản lửa ở một số diện tích rừng chưa có hoặc xuống cấp, nên việc huy động cơ giới tham gia chữa cháy rừng gặp khó khăn.

Trước tình hình nắng nóng, khô hạn kéo dài dễ xảy ra cháy rừng, Ban chỉ đạo 886 huyện Cam Lộ đã tập trung kiểm tra, rà soát kỹ các phương án, kế hoạch PCCCR ở các cấp và từng chủ rừng; xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao nhằm bố trí nguồn lực ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Cùng với tăng cường thời lượng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền qua hệ thống loa FM, tuyên truyền lưu động, Hạt Kiểm lâm huyện còn hướng dẫn các chủ rừng thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm tại địa chỉ website: http://kiemlam.org. vn. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, đảm bảo lực lượng ứng trực 24/24 giờ và đôn đốc các chủ rừng duy trì việc trực theo dõi kịp thời phát hiện sớm những điểm cháy để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng khi cần thiết. Chỉ đạo các chủ rừng chủ động luỗng phát xử lý thực bì, đốt có kiểm soát trước mùa khô, làm giảm vật liệu cháy ở các khu rừng dễ xảy ra cháy và có điều kiện xử lý; làm mới, tu sửa đường ranh cản lửa, các công trình PCCCR ở các diện tích có nguy cơ xảy ra cháy cao. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR, bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ”. Kiện toàn lại các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, trong đó lấy lực lượng công an xã, dân quân tự vệ làm nòng cốt để tổ chức chữa cháy rừng có hiệu quả. Đối với các chủ rừng lớn như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9, Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ... căn cứ đặc điểm tình hình của đơn vị, chủ động xây dựng phương án, bố trí lực lượng, phương tiện, dụng cụ cần thiết để sẵn sàng chữa cháy; thường xuyên tuần tra, canh gác phát hiện và chủ động PCCCR thuộc lâm phần quản lý, đồng thời phối hợp kịp thời với chính quyền địa phương tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.

Xác định công tác quản lý các nguồn phát sinh lửa trong rừng có ý nghĩa quan trọng để chủ động PCCCR, trong 6 tháng mùa khô năm 2020 các thành viên BCĐ 886 huyện tổ chức 21 đợt kiểm tra công tác bảo vệ rừng, PCCCR cơ sở; giao Hạt Kiểm lâm tổ chức trực PCCCR đồng thời thường xuyên theo dõi các điểm cháy từ vệ tinh trong trang web của Cục Kiểm lâm để kiểm tra, huy động kịp thời lực lượng chữa cháy rừng các cấp. “Hạt kiểm lâm huyện cũng đã hướng dẫn các hộ gia đình có rừng trồng xây dựng phương án PCCCR trong năm 2020 và các năm tiếp theo; có kế hoạch cho phép người dân đăng ký khai thác rừng đảm bảo hợp lý, trước khi khai thác chủ rừng phải có cam kết về PCCCR.

Quán triệt người dân khi xử lý thức bì để trồng rừng phải báo cáo trước cho UBND xã, kiểm lâm địa bàn và phải có lực lượng canh phòng chặt chẽ, không xử lý thực bì vào thời điểm có nguy cơ cao về cháy rừng (cấp III đến cấp V). Các chủ rừng lớn trên địa bàn tổ chức bố trí người trực trên các chòi canh để đảm bảo phát hiện sớm các đám cháy và tổ chức bảo vệ tuần tra canh gác trực PCCCR 24/24 giờ vào thời gian cao điểm dễ xảy ra cháy rừng”, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cam Lộ Hoàng Ngọc Tiến cho biết thêm.

Thanh Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=149535