Cảm thương nam thanh niên nghèo đạp xe từ tâm dịch về quê

Trưa ngày 30/7, trong số hàng nghìn người dân từ các tỉnh vùng dịch phía Nam 'thông chốt' tại Chốt kiểm soát dịch xã Đắk Ru (Đắk R'lấp) có một thanh niên đạp xe qua chốt. Đó là anh Trương Ngọc Phúc (SN 2001) ở huyện Krông Năng (Đắk Lắk) đạp xe qua chốt đúng lúc trời mưa to, toàn thân ướt sũng.

Gặp lực lượng liên ngành tại chốt, Phúc trình bày từ tối qua đến giờ không có gì ăn. Sau khi được sắp xếp ngồi một chỗ riêng tại căn lều dã chiến, Phúc được lực lượng thanh niên tình nguyện phát cho một phần ăn cùng với nước uống.

Sau khi được ăn uống, Phúc dường như đã lại sức sau một chặng đường dài đạp xe và đói khát, Phúc tâm sự: “Nhà em ở huyện Krông Năng, học xong lớp 11, gia đình khó khăn quá, em đi học nghề thợ điện. Sau khi có tay nghề, em về TP. Hồ Chí Minh xin việc làm tại quận 7. Thời gian qua, do dịch bệnh, chủ tiệm đóng cửa nên em không có việc làm. Gần 1 tháng qua, thành phố thực hiện Chỉ thị 16, em chỉ ở quanh quẩn trong nhà trọ. Do hết tiền nên em quyết định về quê nhà, vì không có xe máy nên tự đạp xe về”.

 Nam thanh niên 20 tuổi Trương Ngọc Phúc với hành trình gian nan một mình đạp xe vượt 400 km về nhà

Nam thanh niên 20 tuổi Trương Ngọc Phúc với hành trình gian nan một mình đạp xe vượt 400 km về nhà

Được biết, từ sáng 29/7 sau khi test nhanh có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, Phúc đã thực hiện chuyến hành trình đầy gian nan của mình. Theo Phúc kể, để tiện di chuyển em chỉ đem theo mấy bộ quần áo, một chai nước uống và giấy tờ tùy thân, ngoài ra không có gì. Từ trung tâm quận 7, TP. Hồ Chí Minh, Phúc lầm lũi đạp xe một mình vì ai cũng đi xe máy. Đến tối 29/7, khi qua địa bàn tỉnh Bình Phước, mệt quá, em tìm một quán hàng bỏ trống nằm ngủ. Đến mờ sáng 30/7, Phúc tiếp tục hành trình về quê nhà và hơn 13 giờ thì đạp xe đến địa bàn tỉnh Đắk Nông.

"Tại Chốt kiểm soát dịch xã Đắk Ru, Phúc trình phiếu xét nghiệm âm tính và đề nghị được giúp đỡ. Sau khi nghe Phúc trình bày hoàn cảnh, ngoài việc phát một suất ăn, lực lượng thanh niên tình nguyện còn giúp Phúc 200.000 đồng để làm lộ phí. Tuy nhiên, Phúc chỉ nhận 100.000 đồng, số tiền còn lại chia sẻ với người cùng cảnh ngộ", anh Đỗ Văn Trung, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đắk Ru cho biết.

Tâm sự với chúng tôi, Phúc thật thà: “Gia đình em rất khó khăn, bố bị bệnh còn mẹ thì tuổi đã cao, yếu nhưng cũng phải đi làm thuê để lo cho bố. Sau khi xuống TP. Hồ Chí Minh làm thuê, thời gian đầu công việc thuận tiện, tháng nào em cũng gửi tiền về giúp đỡ bố mẹ. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây việc làm gián đoạn, thậm chí không có việc, tiền tiết kiệm cạn dần nên em quyết định về quê”.

Chia sẻ khó khăn với chàng thanh niên nghèo, sau khi giúp đỡ về tinh thần, vật chất, lực lượng cảnh sát giao thông tại chốt đã đón một chiếc xe bán tải cho Phúc đi nhờ đến cầu 14 (Cư Jút).

Được biết, Phúc không phải là trường hợp duy nhất đi xe đạp vượt hàng trăm km về nhà. Trước đó, lực lượng liên ngành tại chốt đã giúp đỡ 2 trường hợp là chị em ruột Trần Thị Huyền (SN 2003) và Trần Văn Đủ (SN 2004) chở nhau bằng chiếc xe đạp cũ từ TP. Đồng Xoài (Bình Phước) về huyện Ea H’leo (Đắk Lắk). Khi đạp xe đến chốt kiểm soát dịch tại cầu Đắk R’tíh, TP. Gia Nghĩa, 2 chị em đã được lực lượng liên ngành ở đây giúp đỡ và đón xe cho đi nhờ về tới Cư Jút.

Trước đó, người dân trên địa bàn huyện Cư Jút đã giúp đỡ 2 trường hợp là anh em ruột Trần Đức Chiến (SN 1996) và Trần Đức Toản (SN 2000) đạp xe từ Bình Dương về nhà ở huyện Ea H’leo (Đắk Lắk). Không chỉ được giúp đỡ đồ ăn, nước uống, 2 em còn được chủ cửa hàng xe máy Phúc tại thị trấn Ea T’ling (Cư Jút) tặng một chiếc xe máy cũ để làm phương tiện về nhà.

Những ngày qua, hàng nghìn người dân từ các tỉnh có dịch phía Nam đã qua địa bàn tỉnh Đắk Nông để về nhà tránh dịch và nhiều hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, trên hành trình về quê của bao người, nhiều nhà hảo tâm đã cảm thông, sẵn sàng chia sẻ với những người gặp khó khăn, hoạn nạn.

Bài, ảnh: Hoàng Thanh

658

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/xa-hoi/cam-thuong-nam-thanh-nien-ngheo-dap-xe-tu-tam-dich-ve-que-88060.html