Camera hành trình: bắt buộc hay khuyến khích?

Điều 33, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (bản ngày 31.8.2023) quy định về các điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, xe cơ giới tham gia giao thông 'phải đáp ứng' ba điều kiện; một trong số đó là: 'có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình' (điểm c, Khoản 1).

Xét từ góc độ pháp lý, khi đưa vào thực thi, quy định này được hiểu là xe cơ giới khi tham gia giao thông “bắt buộc” phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình; chứ không phải là “khuyến khích”. Đồng thời, không chỉ ô tô kinh doanh vận tải mà ô tô cá nhân cũng phải lắp đặt các thiết bị này.

Với xe kinh doanh vận tải, bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, là cần thiết. Việc này ngoài việc phục vụ công tác quản lý nhà nước (giám sát về tốc độ, hành trình phương tiện, thời gian lái xe), còn phục vụ cho việc quản trị của doanh nghiệp và nâng cao ý thức tự giác cho lái xe.

Với xe ô tô cá nhân, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cũng mang lại nhiều lợi ích cho chủ xe, nhất là khi xảy ra tai nạn, va chạm. Vì vậy, hiện nay chưa có quy định bắt buộc nhưng nhiều chủ xe đã chủ động lắp camera hành trình. Tuy nhiên, có nên bắt buộc xe ô tô cá nhân phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình hay không thì cần cân nhắc trên nhiều khía cạnh.

Thứ nhất là khía cạnh kinh tế. Cả nước hiện có khoảng 4 triệu xe ô tô cá nhân. Giá camera hành trình; camera giám sát lái xe trên thị trường dao động vài trăm nghìn đồng tới vài triệu đồng một chiếc, tùy vào tính năng và chất lượng hay các công nghệ nâng cao… Như vậy, nếu “bắt buộc” phải lắp các thiết bị này, chi phí cho 4 triệu xe lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Trường hợp phải chia sẻ dữ liệu hành trình tới cơ quan quản lý, chủ xe phải tốn thêm phí lưu trữ dữ liệu.

Thứ hai là hiệu quả quản lý. Nếu quy định này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động của loại hình xe ghép, xe đi chung, xe trung chuyển “núp bóng” xe cá nhân, không đăng ký kinh doanh vận tải nên cơ quan chức năng khó quản lý, kiểm tra, xử phạt thì có công bằng không nếu đặt gánh nặng lên chủ xe ô tô cá nhân? Khi các xe đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, muốn quản lý được thì phải chia sẻ dữ liệu cho cơ quan quản lý nhà nước. Vậy quyền riêng tư của hàng triệu chủ xe xử lý như thế nào? Hình ảnh, dữ liệu đó được bảo vệ ra sao?

Cuối cùng, thu thập nhiều dữ liệu cũng mang lại rủi ro và chi phí cho chính cơ quan nhà nước. Bởi lẽ, thu thập xong phải lưu trữ, bảo vệ. Nếu cơ quan nhà nước thu thập và bảo vệ không tốt, để xảy ra mất mát dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư của người dân thì cơ quan đó cũng sẽ phải chịu trách nhiệm. Ngân sách chi cho việc thu thập, lưu trữ, bảo vệ dữ liệu ra sao cũng cần được tính toán cụ thể khi đánh giá tác động của quy định.

Đề xuất xe ô tô cá nhân “bắt buộc” có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình… tác động lớn đến người dân không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà cả ở góc độ quyền riêng tư; đồng thời tác động đến cả cơ quan quản lý và ngân sách nhà nước. Vì thế, cơ quan soạn thảo cần làm rõ mục tiêu của đề xuất này, cũng như việc quản lý, hình thành, tích hợp dữ liệu thu thập. Nếu tinh thần của cơ quan soạn thảo là “khuyến khích” chứ không “bắt buộc” thì tinh thần này cần được thể hiện rõ ràng trong dự thảo Luật, thay vì câu chữ vẫn còn quá rộng như quy định như dự thảo ngày 31.8 nêu trên.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/camera-hanh-trinh-bat-buoc-hay-khuyen-khich--i344621/