Cán bộ đi trước, làng nước theo sau

ĐBP - Là cán bộ khuyến nông, khuyến lâm của xã Chà Tở (huyện Nậm Pồ), anh Khoàng Văn Hiện luôn đặt mục tiêu phải định hướng cho người nông dân quê mình tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) để nâng cao năng suất cây trồng. Ðể làm được điều đó, anh Hiện đã luôn đi đầu trong việc áp dụng KHKT và đưa giống mới vào canh tác trên chính diện tích của gia đình mình. Chỉ sau một vài vụ, anh đã được người dân Chà Tở và cả các xã lân cận nhìn nhận như một 'nhà khoa học' trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp…

Anh Khoàng Văn Hiện kiểm tra quá trình sinh trưởng trên diện tích lúa trồng thử nghiệm.

Xuất thân trong gia đình nông dân tại bản Nà Én, xã Chà Tở nên công việc đồng áng vốn không xa lạ đối với Khoàng Văn Hiện. Cả tuổi thơ gắn bó với đồng ruộng anh đã nhận ra rằng người dân quê mình bao năm nay canh tác theo nếp cũ nên năng suất thấp, cuộc sống của nhiều nhà còn bữa đói, bữa no. Do vậy, năm 2010, anh đã quyết tâm theo học lớp trung cấp trồng trọt tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên. Năm 2013, khi huyện Nậm Pồ chia tách, thành lập. Với tấm bằng chuyên ngành và những kiến thức được trang bị, anh đã nộp hồ sơ xin vào làm cán bộ khuyến nông, khuyến lâm xã Chà Tở. Từ đó đã mở ra cho anh một cơ hội để theo đuổi ước mơ, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo bằng chính tiềm năng và lợi thế của quê hương...

Trò chuyện với chúng tôi, anh Hiện cho biết: Việc đưa giống mới và áp dụng KHKT vào canh tác ban đầu tưởng là dễ, thế nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Người dân ở đây từ xưa đến nay vẫn canh tác chủ yếu theo thói quen cũ, do vậy năng suất, sản lượng cây trồng thấp, bên cạnh đó lại còn phải chống chọi với nhiều sâu bệnh. Khi mới nhận nhiệm vụ làm cán bộ khuyến nông, khuyến lâm tôi đã dành nhiều thời gian để tuyên truyền, vận động bà con nông dân làm theo hướng dẫn kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn. Tuy vậy, lúc đầu bà con vẫn chưa tin vì chưa được “tai nghe, mắt thấy”. Từ đó tôi xác định bản thân mình, gia đình mình phải làm trước để có kết quả và có sự so sánh, như vậy người dân mới tin. Ðến nay, đa số người dân đã biết áp dụng KHKT, thay thế giống cũ bằng các giống mới cho năng suất cao và tập quán canh tác cũng đã thay đổi theo hướng tích cực.

Là người trực tiếp với cơ sở nên mọi vấn đề phát sinh trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng anh luôn là người phát hiện sớm để đưa ra giải pháp và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân xử lý. Anh Hiện là người luôn đi đầu trong việc thử nghiệm các giống lúa mới nên cũng là người phải chấp nhận rủi ro nếu như giống mới đó không phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu. Tuy vậy, trước khi đưa giống mới vào canh tác, anh đều nghiên cứu kỹ đặc tính của cây giống và tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn để hạn chế thấp nhất rủi ro. Anh Hiện cho rằng: Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay thì câu nói “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” thứ tự không còn phù hợp nữa. Bởi vì có đủ nước, đủ phân và cần cù chịu khó chăm sóc nhưng nếu giống không năng suất, không phù hợp thì cũng không thể đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, năm 2019 Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cung cấp giống lúa thuần chất lượng cao ADI 168 để bà con nông dân gieo trồng đại trà thì trước đó anh Khoàng Văn Hiện đã là người trồng thử nghiệm và cho năng suất vượt trội. Trong vụ đông xuân năm nay, gia đình anh tiếp tục tiên phong gieo trồng thử nghiệm giống lúa Hana 112.

Nói về hiệu quả trong việc áp dụng KHKT và đưa giống mới vào sản xuất, ông Tao Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Chà Tở cho biết: Những năm gần đây, đời sống của người dân đã được nâng lên đáng kể. Bên cạnh các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước thì việc thay đổi nhận thức, thói quen trong sản xuất nông nghiệp của người dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn xã từ gần 70% đã giảm xuống còn 49,81%. Trong thành công chung ấy, có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ khuyến nông Khoàng Văn Hiện.

Văn Thành Chương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/177142/can-bo-di-truoc-lang-nuoc-theo-sau