Cán bộ không chuyên trách 'hậu' sáp nhập
Cán bộ không chuyên trách là những người gắn bó lâu năm với cơ sở, hiểu rõ địa bàn và nắm bắt tâm tư, đời sống người dân. Trong bối cảnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính, họ góp phần giúp chính quyền địa phương duy trì sự ổn định và kết nối. Kết thúc nhiệm vụ theo quy định không có nghĩa là vai trò của họ chấm dứt, mà có thể mở ra những cách thức tham gia mới, linh hoạt hơn...

Các hoạt động ở cơ sở luôn có sự hiện diện của cán bộ đoàn không chuyên trách.
Theo Công văn số 03/CV-BCĐ ngày 15/4/2025 của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đội ngũ người hoạt động không chuyên trách cấp xã sẽ kết thúc nhiệm vụ kể từ ngày 1/8/2025.
Tuy nhiên, sau quá trình khảo sát và lắng nghe từ cơ sở, Chính phủ đã có hướng dẫn mới theo Công văn số 12/CV-BCĐ ngày 20/6/2025, cho phép kéo dài thời gian sử dụng đến trước ngày 31/5/2026.
“Những năm qua, cán bộ không chuyên trách cấp xã có cống hiến rất lớn đối với địa phương. Tất cả mọi công việc xã triển khai đều liên quan và triệu tập đến đội ngũ này, từ việc đi xuống thôn, xóm tuyên truyền vận động các chủ trương, chính sách hay thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cán bộ không chuyên trách là người kết nối, nắm bắt tâm tư của người dân, giúp các chủ trương đi vào đời sống thực tế”, đồng chí Lâm Ngọc Quyến, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quang Thuận (nay thuộc xã Bạch Thông, tỉnh Thái Nguyên), chia sẻ.
Là Phó Bí thư Đoàn xã Quảng Bạch, chị Hoàng Thị Phượng (sinh năm 1998) bày tỏ: Đảm nhiệm vai trò Phó Bí thư Đoàn xã, thời gian qua, tôi đã cùng Ban Chấp hành tổ chức các hoạt động thanh niên, ra quân làm đường, tham gia tổ công nghệ số cộng đồng và các chương trình an sinh xã hội. Tới đây, khi kết thúc hoạt động của đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã, nếu địa phương cần, tôi sẵn sàng tham gia các hoạt động cộng đồng với tư cách một đoàn viên, một người trẻ trưởng thành từ phong trào.
Chúng tôi là những người đi từng nhà, đến từng bản, nắm bắt tâm tư, vận động người dân cùng làm. Có những khi phải đi bộ cả ngày trời mới tới được cụm dân cư cuối xã, thôn bản. Nhưng chưa khi nào chúng tôi nề hà, vì coi đó là trách nhiệm - chị Hoàng Thị Son, Phó Chủ tịch Hội Nông dân kiêm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cẩm Giàng.
Sau hợp nhất, toàn tỉnh có hơn 3.000 cán bộ không chuyên trách cấp xã, phần lớn đội ngũ này đều có trình độ chuyên môn phù hợp, kinh nghiệm thực tiễn và hiểu biết sâu sát địa bàn.
Đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã bao gồm cán bộ dân số, văn hóa - thể thao, công tác đoàn thể, người hoạt động bán chuyên trách ở thôn, bản… là “cánh tay nối dài” đắc lực của chính quyền xã.
Ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn rộng và dân cư phân tán như các xã miền núi của Thái Nguyên hiện nay, sự hiện diện của họ giúp duy trì các hoạt động quản lý nhà nước ở mức độ cơ sở nhất.
Hiện xã Bạch Thông có 13 cán bộ không chuyên trách, trong đó có 7 người tốt nghiệp đại học. “Nhiều đồng chí có năng lực, chuyên môn tốt, nếu được bố trí hợp lý sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả tại cộng đồng”, đồng chí Ma Thị Mận, Bí thư Đảng ủy xã Bạch Thông cho biết.

Những người đủ điều kiện có thể là nguồn kế cận phục vụ mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Không chỉ riêng xã Bạch Thông, tại nhiều xã, phường khác trên toàn tỉnh, đội ngũ cán bộ không chuyên trách đều là những người có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn. Với những người đáp ứng được yêu cầu về bằng cấp, chính quyền địa phương có thể cân nhắc đào tạo, bồi dưỡng để làm nguồn kế cận cho các vị trí chính quy trong tương lai.
Từ chỗ là người giữ chức vụ có định danh, đội ngũ cán bộ không chuyên trách có thể sẽ chuyển sang những hình thức tham gia xã hội khác linh hoạt hơn, đa dạng hơn. Sự chủ động ấy chính là cơ sở để chính quyền bố trí, sử dụng lại nguồn nhân lực này, tránh lãng phí và đồng thời khơi dậy nội lực địa phương.
Đồng chí Vũ Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thái Nguyên, cho rằng: Những người từng là cán bộ không chuyên trách, có kinh nghiệm, hiểu địa bàn và tâm huyết là nguồn lực rất quý trong bối cảnh hiện nay. Việc kết thúc hoạt động của cán bộ không chuyên trách là chủ trương đúng khi đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã được tăng cường và kiện toàn, nhưng đồng thời đặt ra yêu cầu phải bố trí lại nhân sự thôn, tổ dân phố một cách hợp lý.
Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp của Chính phủ ngày 20/6/2025 ban hành Công văn 12/CV-BCĐ về việc hướng dẫn một số nội dung đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Công văn nêu rõ, căn cứ Kết luận 163-KL/TW năm 2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, “nghiên cứu lộ trình kéo dài việc sử dụng người không chuyên trách phù hợp với thời điểm sắp xếp lại thôn, tổ dân phố (trước ngày 31/5/2026)", Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp của Chính phủ định hướng một số nội dung cụ thể.
Theo đó, Ban Chỉ đạo đề nghị các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của hệ thống chính trị ở cấp xã mới để sắp xếp tạm thời kéo dài việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đến trước ngày 31/5/2026. Trường hợp cần thiết, UBND cấp xã có thể sắp xếp, bố trí vào chức danh người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố...
Trong quá trình chuyển đổi tổ chức bộ máy hành chính, điều quan trọng không chỉ là tinh giản biên chế, mà còn là giữ được những người có tâm - có tầm. Dù không còn giữ chức danh trong hệ thống chính quyền, nhiều cán bộ không chuyên trách vẫn có thể tiếp tục gắn bó với thôn, bản bằng những cách riêng, lặng lẽ nhưng thiết thực - như họ đã từng suốt bao năm qua.