Cán bộ sẵn sàng, thủ tục thông suốt
Từ ngày 1-7, 34 tỉnh, thành phố trên cả nước chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp xã, sau thời gian chạy thử nghiệm. Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng trong tiến trình cải cách nền hành chính. Phóng viên Báo SGGP đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước để ghi nhận hoạt động này.
Hà Nội, Đà Nẵng: Chuyên nghiệp, tận tình
Ngày 1-7, tại phường Đống Đa, điểm tiếp nhận thủ tục hành chính (TTHC) đặt tại số 61 Hoàng Cầu (trụ sở quận Đống Đa cũ) khang trang, hiện đại, đã đón nhiều lượt người dân từ sáng sớm.

Anh A Đình Phước (bên phải) đến Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Tu Mơ Rông để giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: HỮU PHÚC
Ông Nguyễn Xuân Sinh (đường Nguyễn Lương Bằng) chỉ mất 30 phút để hoàn thành chứng thực giấy tờ đất đai, dù ban đầu hơi bỡ ngỡ do thay đổi địa bàn. “Các cán bộ ở đây hướng dẫn kỹ, thao tác nhanh và thân thiện”, ông Sinh chia sẻ. Ông Nguyễn Ngọc Việt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Đống Đa, cho biết, trong ngày đầu, dù biên chế chính thức chỉ 5 người nhưng phường đã huy động thêm cán bộ từ các bộ phận khác để đảm bảo giải quyết hồ sơ thông suốt, không để người dân chờ lâu.
Tại phường Bạch Mai, điểm tiếp nhận TTHC dù đặt chung với Trung tâm hành chính công TP Hà Nội (chi nhánh 4), nhưng do được sắp xếp hợp lý, chia rõ từng khu vực chức năng (như tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục, trả kết quả, tư vấn hỗ trợ…) nên dù có khá đông người dân tới làm TTHC vẫn không có sự lộn xộn, mọi công việc diễn ra trôi chảy. Đến trưa cùng ngày, đã có hơn 100 lượt người đến làm các TTHC, nhiều nhất là chứng thực, tư pháp, tài nguyên - môi trường.
Tại phường Hoàn Kiếm, trong sáng 1-7, số người dân tới làm TTHC tại điểm phục vụ hành chính công của phường khá đông nhưng không phải chờ đợi lâu. Lãnh đạo phường Hoàn Kiếm thông tin, địa phương đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, cùng với đội ngũ cán bộ, công chức của bộ phận được tập huấn kỹ càng nên người dân nhanh chóng được giải quyết các TTHC. Bà Nguyễn Thị Thành (một người dân ở phố Hàng Gai) nhận xét: “Dù là phường mới nhưng cán bộ làm việc rất chuyên nghiệp. Đông người nhưng tôi không phải chờ lâu, mọi thứ rõ ràng, dễ hiểu”. Với tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương và nỗ lực phục vụ dân, trong ngày đầu tiên thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp ở Hà Nội đã để lại nhiều tín hiệu tích cực, mở ra hy vọng cho một nền hành chính công minh bạch, hiệu quả và gần dân hơn.
Ngày 1-7, TP Đà Nẵng chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sau sắp xếp. Tại 3 xã Hòa Vang, Hòa Tiến và Bà Nà đã triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ người dân tra cứu thủ tục hành chính thông qua mã QR. Chỉ cần quét mã, người dân có thể gõ câu hỏi hoặc sử dụng giọng nói để được AI hướng dẫn chi tiết hồ sơ và quy trình thực hiện, góp phần rút ngắn thời gian xử lý. Theo ông Bùi Hồng Trung, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Vang, AI tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu như thủ tục đất đai, bảo hiểm, hộ khẩu, chính sách xã hội... và được đưa vào vận hành thử từ trước để người dân kịp làm quen. “Chúng tôi đang từng bước huấn luyện AI bằng dữ liệu thực tế. Công cụ này chỉ phát huy hiệu quả khi được người dân tương tác thường xuyên, đặt câu hỏi, góp ý, từ đó giúp hệ thống hoàn thiện dần”, ông Trung chia sẻ.
Vùng cao, vùng sâu: Thủ tục nhanh gọn, thuận lợi
Sáng ngày 1-7, xã Tu Mơ Rông (tỉnh Quảng Ngãi) chính thức vận hành chính quyền cấp xã mới. Xã có hơn 1.300 hộ dân, đồng bào Xơ Đăng chiếm khoảng 95%. Ngay từ sáng, đông đảo người dân đã đến trụ sở Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Tu Mơ Rông để thực hiện các thủ tục công chứng giấy tờ, bằng cấp và giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế.
Trụ sở Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Tu Mơ Rông đặt tại gian phòng rộng, với nhiều phòng làm việc, có máy chọn số thứ tự, bảo đảm quy trình tiếp dân được thực hiện trật tự, nhanh chóng. Không khí làm việc trong ngày đầu diễn ra khẩn trương. Cán bộ, công chức đón tiếp và hướng dẫn người dân chu đáo. Anh A Đình Phước (trú tại xã Tu Mơ Rông) có mặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công từ giữa buổi sáng. Sau khi lấy số thứ tự và ngồi chờ, anh được một cán bộ chủ động đến thăm hỏi nội dung làm việc. Khi anh Phước trình bày mong muốn công chứng hồ sơ, giấy tờ, bằng cấp để xin việc, người cán bộ này niềm nở hướng dẫn anh di chuyển đến đúng quầy chuyên trách, đồng thời hỗ trợ kiểm tra, sắp xếp hồ sơ nhanh chóng.
Sau hợp nhất 3 địa phương TPHCM - Bình Dương - Bà Rịa - Vũng Tàu, xã Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương cũ) là xã vùng sâu, vùng xa của TPHCM vì cách xa trung tâm khoảng 83km. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của xã Dầu Tiếng, 15 cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công đã bắt tay ngay vào việc để tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên tất cả các lĩnh vực một cách nhịp nhàng. Xã còn bố trí 4 tình nguyện viên là đoàn viên thanh niên ở bộ phận tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ hướng dẫn người dân, đặc biệt là người cao tuổi có những hạn chế về công nghệ thông tin, khi thực hiện các thao tác qua môi trường số.
Ngày 1-7, xã Đất Mũi (tỉnh Cà Mau) chính thức vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đất Mũi xã là cực Nam của Tổ quốc, có địa danh nổi tiếng là Mũi Cà Mau với một số công trình như: mốc tọa độ quốc gia GPS 0001, biểu tượng cột cờ Hà Nội tại Cà Mau, biểu tượng điểm cuối đường Hồ Chí Minh... Trong ngày đầu tiên thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, nhiều người đã đến trụ sở xã để làm các thủ tục hành chính. Không khí làm việc diễn ra nghiêm túc, nề nếp, cán bộ niềm nở, nhiệt tình. Ông Cao Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi cho biết, qua kiểm tra, ngày đầu làm việc, các cơ quan của UBND và Trung tâm Phục vụ hành chính công xã hoạt động thông suốt, ổn định, đồng thời nhận được sự phản hồi tích cực của người dân.
Vận hành đặc khu hành chính
An Giang là tỉnh duy nhất ở ĐBSCL vận hành mô hình chính quyền đặc khu từ ngày 1-7, với 3 đặc khu Phú Quốc, Thổ Châu và Kiên Hải. Tỉnh An Giang (mới) sau khi hợp nhất 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang sẽ còn 85 xã, 14 phường và 3 đặc khu. Đặc khu Kiên Hải được thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã đảo An Sơn, Nam Du, Lại Sơn và Hòn Tre của huyện Kiên Hải cũ. Đặc khu Thổ Châu được thành lập trên nguyên trạng xã đảo Thổ Châu. Đặc khu Phú Quốc được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường Dương Đông, An Thới và các xã Dương Tơ, Hàm Ninh, Cửa Dương, Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm; hay nói cách khác là toàn bộ diện tích của TP Phú Quốc trước đây.
Hội nghị lần thứ nhất, Ban Thường vụ Đảng ủy Đặc khu Bạch Long Vĩ, sáng ngày 1-7. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Đặc khu Phú Quốc cũng là đơn vị hành chính có diện tích lớn nhất tỉnh An Giang, với hơn 575km2. Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 1-7, người dân, doanh nghiệp đã tranh thủ đến Trung tâm Phục vụ hành chính công để làm giấy tờ trong không khí phấn khởi: “Nghe nói từ ngày 1-7 giải quyết thủ tục đất đai có nhiều điểm thay đổi tích cực nên từ sáng sớm tôi đã đến để lấy số đăng ký nộp hồ sơ. Cán bộ niềm nở, nhiệt tình, hướng dẫn tôi từng chi tiết để điền thông tin cho chính xác và tiếp nhận hồ sơ nhanh chóng. Tôi thật sự rất hài lòng và hy vọng trong những ngày tới, việc này luôn được duy trì, đảm bảo quyền lợi cho người dân”, bà Ngô Thị Nhâm (ở ấp Đường Bào) bày tỏ.
Ông Trần Minh Khoa, Chủ tịch UBND đặc khu Phú Quốc, thông tin, địa phương sẽ áp dụng số hóa và khoa học công nghệ vào quản lý vừa để giảm bớt chi phí vừa giúp người dân và doanh nghiệp rút ngắn thời gian làm thủ tục, giấy tờ, kinh doanh hoặc đầu tư trên đảo Phú Quốc.
Cũng từ ngày 1-7, huyện đảo Bạch Long Vĩ và Cát Hải chính thức trở thành 2 đặc khu của TP Hải Phòng với nhiều chính sách ưu đãi đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc khu Cát Hải được thành lập trên cơ sở chuyển nguyên trạng huyện Cát Hải (10 xã, 2 thị trấn), có diện tích tự nhiên gần 287km2, quy mô dân số hơn 71.000 người.
Tương tự, Đặc khu Bạch Long Vĩ được thành lập trên cơ sở chuyển nguyên trạng huyện đảo Bạch Long Vĩ với diện tích tự nhiên hơn 3km2, quy mô dân số gần 700 người. Trụ sở làm việc của đặc khu Bạch Long Vĩ được đặt tại trụ sở huyện Bạch Long Vĩ hiện nay. Sáng 1-7, Đảng bộ Đặc khu Bạch Long Vĩ đã tổ chức Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng bộ Đặc khu Bạch Long Vĩ. Với đặc thù diện tích nhỏ, không có đơn vị hành chính cấp xã nên việc chuyển đổi mô hình thành đặc khu khá thuận lợi. Hiện nay, hệ thống điện - đường - trường - trạm được đầu tư ngày càng khang trang, các thiết chế văn hóa xã hội được hoàn thiện và nâng cấp, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/can-bo-san-sang-thu-tuc-thong-suot-post802077.html