Cần bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ

Chiều 27/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; Việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì điều hành Tổ thảo luận số 3.

Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì điều hành Tổ thảo luận số 3.

Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì điều hành Tổ thảo luận số 3, gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Ngãi.

Trước đó, Quốc hội đã làm việc tại Hội trường để nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Đây là Nghị quyết mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 theo quy trình tại một kỳ họp. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/10/2023.

Nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ về: Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc, dự án giao thông đường bộ đi qua nhiều địa phương; cơ chế, chính sách đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.

Nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm là các Dự án: Có đề xuất bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải và/hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đã xác định hoặc dự kiến được nguồn vốn đầu tư để có thể triển khai thực hiện dự án; trường hợp sử dụng vốn ngân sách địa phương phải có cam kết bố trí vốn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trước khi cấp có thẩm quyền quyết định danh mục dự án được áp dụng chính sách thí điểm. Có địa điểm, thời gian thực hiện rõ ràng, cụ thể và phải thuộc một trong các nhóm chính sách đang đề xuất thí điểm của Nghị quyết này.

Về việc điều chỉnh một số nội dung của Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Theo Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các nội dung điều chỉnh, gồm: (1) Điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư; (2) Điều chỉnh giảm diện tích thu hồi đất; (3) Bổ sung bố trí tái định cư các hộ dân thuộc 02 tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn không làm tăng tổng mức đầu tư, không tăng diện tích đất thu hồi của Dự án. Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho kéo dài thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024. Đồng thời, tổng mức đầu tư Dự án kiến nghị điều chỉnh là trên 19.207,5 tỷ đồng; lũy kế giải ngân đến thời điểm hiện nay là trên 16.697 tỷ đồng. Nhu cầu vốn để tiếp tục thực hiện, hoàn thành Dự án là trên 2.510 tỷ đồng (trong đó bao gồm hơn 1.543,6 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2021 và hơn 966,7 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2020). Do đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân số vốn hơn 2.510 tỷ đồng đến hết năm 2024.

Trong Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Ủy ban Kinh tế nêu rõ việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 trước khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án là cần thiết nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Dự án, nhất là đối với việc điều chỉnh về thời gian thực hiện Dự án. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần làm rõ số kinh phí chưa giải ngân hết của năm 2020, 2021 đã được chuyển nguồn hay chưa, có đủ điều kiện để báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài phần vốn này đến hết năm 2024 hay không.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu thảo luận.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu thảo luận.

Cơ bản các đại biểu có ý kiến nhất trí với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 cùng các nội dung trong dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Tham gia thảo luận, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn đồng tình với sự cần thiết ban hành các nghị quyết trên. Đối với việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14, đại biểu Ngân nhất trí với Báo cáo của Chính phủ về các nội dung đề xuất và thẩm quyền quyết định điều chỉnh là của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên đại biểu đề nghị nội dung bổ sung bố trí tái định cư các hộ dân thuộc 02 tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn, Chính phủ cần rà soát kỹ và có giải pháp phù hợp khi kéo dài thời gian thực hiện dự án Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến hết năm 2024. Còn về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đại biểu cơ bản đồng ý với các Dự án do Chính phủ trình, tuy nhiên đề nghị khi Nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua phải đính kèm các phụ lục Danh mục các dự án mà trong Báo cáo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu rất rõ sự cấp thiết của việc thực hiện các dự án này; để giải quyết các bức xúc trong giao thông đường bộ, các địa phương sẵn sàng bỏ thêm một phần kinh phí để thực hiện.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đồng tình cao với ý kiến các đại biểu về sự cần thiết của việc ban hành 02 nghị quyết trên, nhất là đối Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, qua đó để giải tỏa những “điểm nghẽn” trong thực tiễn triển khai các dự án, công trình giao thông trên địa bàn; giúp đẩy nhanh tiến độ, thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn; giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết; đảm bảo sự điều hành, chỉ đạo linh hoạt.

Đồng chí đề nghị bổ sung thêm nội dung liên quan đến phân cấp, phân quyền chuyển đổi đất rừng, đất trồng lúa khi thực hiện các dự án đầu tư. Đánh giá cao giá trị nhân văn của Nghị quyết với quy định cho phép dùng ngân sách của địa phương này để chia sẻ, giúp địa phương khác khi thực hiện các dự án giao thông, qua đó giúp đồng bộ được cấp độ đường, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước; đề nghị Nghị quyết ban hành phải kèm theo danh mục dự án cụ thể.

Bên cạnh đó, đồng chí phản ánh thực trạng một số công trình dự án quốc lộ đi qua các địa phương còn tồn đọng đền bù GPMB, nhưng Bộ trả lời dự án đã kết thúc, không bố trí được nguồn để chi trả, dồn gánh nặng xử lý những việc này cho địa phương. Đồng chí mong muốn 02 nghị quyết này sớm được Quốc hội thông qua để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, giữ vững niềm tin của cử tri và Nhân dân ở những nơi dự án đi qua./.

Ái Vân (VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Bắc Kạn)

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/can-bo-sung-mot-so-co-che-chinh-sach-dac-thu-ve-dau-tu-xay-dung-cong-trinh-giao-thong-duong-bo-post57275.html