Cán cân thương mại của các cường quốc kinh tế lớn nhất châu Âu dần hồi phục

Cán cân thương mại của các cường quốc kinh tế lớn nhất châu Âu như Italy, Đức và Pháp đang dần phục hồi.

Cảng Hamburg, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Cảng Hamburg, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang web tin tức chuyên về các chính sách của Liên minh châu Âu (EU) Euractiv, sau một năm 2022 tồi tệ, cán cân thương mại của các cường quốc kinh tế lớn nhất châu Âu như Italy, Đức và Pháp đang dần phục hồi. Một xu hướng có thể được giải thích là do giá năng lượng cũng như hàng nhập khẩu của Trung Quốc đang suy giảm.

Chỉ một năm trước, ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Ukraine và trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện các hạn chế nhằm kiểm soát dịch COVID-19, cán cân thương mại của các nước châu Âu ở mức thấp nhất mọi thời đại. Theo số liệu của Eurostat, thâm hụt thương mại của Khu vực sử dụng đồng euro vào tháng 8/2022 cao kỷ lục 50,9 tỷ euro (55,4 tỷ USD).

Tuy nhiên, theo số liệu được công bố trong tuần qua, cán cân thương mại của Italy, Đức và Pháp trong nửa đầu năm 2023 đã cho thấy một sự phục hồi thực sự.

Theo công bố của ISTAT, Văn phòng thống kê quốc gia Italy vào ngày 11/8, nước này đã đạt được thặng dư thương mại 7,718 tỷ euro trong tháng 6, so với mức thâm hụt 2,512 tỷ euro một năm trước. Từ tháng 5 đến tháng 6, xuất khẩu của Italy tăng 0,4%, trong khi nhập khẩu giảm 3,3%.

Một xu hướng tương tự cũng diễn ra ở Đức. Ngày 11/8, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức công bố số liệu thống kê cho thất xuất khẩu của nước này trong nửa đầu năm 2023 tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 797,8 tỷ euro, trong khi nhập khẩu giảm 4,3%. Đức đạt thặng dư thương mại 98,7 tỷ euro trong nửa đầu năm 2023, tăng gấp đôi so với nửa đầu năm 2022.

Trong khi cán cân thương mại của Đức năm 2022 xuống đến mức thấp nhất khi ghi nhận mức thâm hụt thương mại vào tháng 5/2022 lần đầu tiên sau 14 năm do giá năng lượng tăng cao.

Đối với Pháp, thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này giảm 29,7 tỷ euro trong sáu tháng qua, từ 39,3 tỷ euro xuống 9,6 tỷ euro, chủ yếu là nhờ hóa đơn năng lượng giảm, khiến hàng hóa rẻ hơn.

Khác với Đức và Italy, Pháp vẫn phải đối mặt với thâm hụt thương mại nhưng đang có xu hướng giảm dần. Nhập khẩu hàng hóa giảm 9,4% so với nửa cuối năm 2022, trong khi xuất khẩu giảm rất nhẹ là 0,8%. Mức thâm hụt thương mại giảm từ 89 tỷ euro xuống 54 tỷ euro.

Cán cân thương mại của các nước châu Âu phục hồi một phần nhờ giá năng lượng giảm cũng như việc nền kinh tế Trung Quốc sau đại dịch phục hồi chậm.

Theo Cơ quan hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của nước này giảm mạnh trong những tháng gần đây, với mức giảm 14,5%. Xuất khẩu của Trung Quốc vào các nền kinh tế lớn nhất châu Âu giảm.

Trong sáu tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Trung Quốc sang Đức giảm 16,8%, trong khi xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc giảm 8,4%. Tương tự, xuất khẩu của Trung Quốc sang Italy giảm 19,9%, trong khi xuất khẩu của Italy sang Trung Quốc tăng 45,6%. Xuất khẩu của Pháp sang Trung Quốc tăng 7,3% trong quý vừa qua, chủ yếu nhờ lĩnh vực hàng không.

Nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề do nhu cầu toàn cầu chậm lại, giá năng lượng tăng, lạm phát cao và lãi suất tăng do xung đột ở Ukraine./.

Duy Tùng (P/v TTXVN tại Brussels)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/can-can-thuong-mai-cua-cac-cuong-quoc-kinh-te-lon-nhat-chau-au-dan-hoi-phuc/303429.html