Cần chặn đứng vấn nạn 'bác sĩ' giả

Trong khi rất nhiều người bệnh đang hoang mang với nạn thuốc chữa bệnh giả, thì gần đây, họ lại phải đối mặt với vấn nạn... 'bác sĩ' giả.

Sẽ như thế nào khi những người bệnh đang đau đớn với hy vọng được chữa lành đã gặp phải những kẻ bất nhân đội lốt thầy thuốc. Mất tiền đã đành, nhưng mất niềm tin vào kỷ cương xã hội mới là điều đáng lo ngại nhất. Sự việc hết sức nghiêm trọng này vừa xảy ra ở thành phố được mệnh danh là “đáng sống” nhất của cả nước - TP Đà Nẵng.

Thông tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố cho biết, cơ quan này vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 7 đối tượng là quản lý nhân sự và nhân viên tại Phòng khám Đa khoa quốc tế Đà Nẵng ở địa chỉ 180 đường Trần Phú về hành vi “Lừa dối khách hàng”. Thủ đoạn của các đối tượng là thành lập Phòng khám Đa khoa quốc tế Đà Nẵng với pháp nhân là Công ty CP Bệnh viện Đa khoa quốc tế Đà Nẵng, sau đó tuyển dụng nhóm “bác sĩ” giả để thực hiện các thủ thuật y tế liên quan đến các bệnh về nam khoa, phụ khoa. Phòng khám chỉ đạo nhân viên đưa thông tin không đúng về từng khâu thủ thuật để kích giá các gói dịch vụ cao hơn rất nhiều so với thực tế. Trong quá trình thực hiện thủ thuật, nhân viên ở đây thường tìm cách gây đau đớn hoặc gây hoang mang để khách hàng chuyển sang gói dịch vụ với giá tiền cao nhất, thậm chí lên đến 30 triệu đồng. Bước đầu cơ quan điều tra xác định công ty đã thu lợi bất chính 376 triệu đồng của 17 khách hàng.

Vụ việc này làm nhớ lại tình trạng giả mạo từng xảy ra ở tỉnh Thanh Hóa.

Cách đây 5 tháng Công an tỉnh phối hợp với Sở Y tế làm rõ nhiều chiêu trò lừa dối bệnh nhân tại một số cơ sở khám, chữa bệnh trá hình. Trong đó, cơ sở Incheon Healthcare ở địa chỉ 15 đường Nguyễn Cẩn, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa cũ dù không được cấp phép hoạt động ngành nghề liên quan đến việc khám, chữa bệnh, nhưng tại thời điểm kiểm tra phát hiện có 5 bệnh nhân đang được khám, tư vấn điều trị bệnh xương khớp và viêm xoang. Cơ sở được giao cho Nguyễn Xuân Cường - là cử nhân văn hóa, nhưng tự nhận là bác sĩ công tác tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội để quản lý và khám cho bệnh nhân. Ngoài ra, còn có 2 người khác không phải là bác sĩ nhưng tự xưng là thạc sĩ, bác sĩ công tác tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội. Trong 6 nhân viên kỹ thuật thực hiện điều trị cho bệnh nhân phần đa không có chuyên môn y tế. Tương tự, tại cơ sở EMC Healthcare địa chỉ tại 04 đường Bùi Khắc Nhất, phường Đông Hương cũ cũng có hoạt động khám, chữa bệnh trái với giấy phép đăng ký kinh doanh. Tại đây, 3 nhân viên chỉ có trình độ học vấn lớp 12 và cử nhân điều dưỡng, nhưng tự xưng là bác sĩ công tác ở bệnh viện lớn tại Hà Nội để câu kéo khách.

Tình trạng “bác sĩ” giả hiện xuất hiện nhiều ở các tỉnh, thành trong cả nước, khiến nhiều bệnh viện đã phải phát đi thông điệp khuyến nghị người dân cảnh giác.

Sau những vụ việc liên tiếp này đòi hỏi cơ quan quản lý y dược và chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn, không thể để người bệnh trở thành “miếng mồi” béo bở của những kẻ vô nhân tính. Bởi, khi “bác sĩ” giả vẫn còn thì rất khó để người bệnh thoát được “ma trận” mà đối tượng bày ra. Niềm tin vào cơ quan quản lý cũng có nguy cơ lao dốc.

Thái Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/can-chan-dung-van-nan-bac-si-gia-256221.htm