Cần có chế tài mạnh đối với người nghiện tránh các 'thảm họa'

Dẫn lại lời Bộ trưởng Tô Lâm nói rằng 'ma túy là nguồn gốc, nguyên nhân của các loại tội phạm khác', Đại tá Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho rằng, cần có chế tài mạnh hơn với người nghiện để hạn chế các loại tội phạm khác.

50-60% tội phạm xã hội liên quan đến ma túy

Những ngày vừa qua, dư luận bàng hoàng trước sự việc nữ sinh viên Trần Thúy Hiền (18 tuổi, ở xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín), sinh viên năm thứ nhất Học viện Ngân hàng, bị 2 tên nghiện giết, cướp điện thoại và xe đạp điện để lấy tiền mua ma túy nhằm thỏa mãn cơn nghiện của mình.

Theo Công an thành phố Hà Nội, đây là vụ án giết người, cướp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, với tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các đối tượng thể hiện tính chất côn đồ, coi thường pháp luật, cần xử lý nghiêm để răn đe cho toàn xã hội.

Đại tá Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội (người ở giữa) cho rằng cần có chế tài mạnh đối với người nghiện (Ảnh: Hữu Minh)

Đại tá Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội (người ở giữa) cho rằng cần có chế tài mạnh đối với người nghiện (Ảnh: Hữu Minh)

Nói về công tác quản lý người nghiện ma túy, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội thông tin, hiện nay, có khoảng 50-60% tội phạm xã hội, tội phạm hình sự liên quan đến ma túy. Từ trước đến nay, tất cả các đối tượng nghiện đều có trong danh sách hồ sơ quản lý của các cơ quan chức năng và các đối tượng Trung và Quân (hai đối tượng liên quan đến vụ giết nữ sinh Học viện Ngân hàng) cũng vậy.

Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, ngoài vấn đề lập hồ sơ theo dõi, kiểm tra, răn đe bằng mọi cách, vẫn cần có chế tài mạnh hơn liên quan đến tội phạm ma túy. Bởi, nếu người nghiện giảm đi thì chắc chắn tội phạm, tệ nạn xã hội sẽ giảm.

Dẫn lại lời Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: “Tội phạm ma túy là nguồn gốc, nguyên nhân của các loại tội phạm khác”, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng dẫn chứng từ vụ việc nữ sinh Học viện Ngân hàng bị sát hại, và cho rằng ngoài việc quản lý, lập hồ sơ, răn đe... cần phải có thêm những chế tài mạnh hơn để xử lý triệt để, cương quyết đối với nhóm đối tượng nghiện ma túy.

Theo đại tá Tùng, ở thời điểm hiện tại, Chính phủ, Bộ Công an đang nỗ lực đề nghị Quốc hội các chế tài, biện pháp và phương pháp quyết liệt hơn đối với nhóm đối tượng này để hạn chế thấp nhất việc gây ra “thảm họa” cho xã hội.

Xem xét cơ chế quản lý

Nói về vụ án nữ sinh Học viện Ngân hàng bị sát hại, Trung tá Đào Trung Hiếu (Thạc sĩ, Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) nhận định, hành vi của các đối tượng đồng thời xâm hại 2 khách thể được luật hình sự bảo vệ, gồm quyền được sống (quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe) và quyền sở hữu.

Hành vi giết người man rợ, ác tính cao, thể hiện sự ích kỷ cao độ, coi thường tính mạng người khác. Hành vi bị thúc đẩy bởi động cơ thỏa mãn nhu cầu vật chất, ở đây là nhu cầu có tiền mua ma túy sử dụng.

Lực lượng chức năng rà soát 6km sông Nhuệ truy tìm dấu vết, tung tích nữ sinh mất tích (ảnh: Lao Động)

Lực lượng chức năng rà soát 6km sông Nhuệ truy tìm dấu vết, tung tích nữ sinh mất tích (ảnh: Lao Động)

Với mục đích chiếm đoạt được tài sản, đồng thời bị thúc đẩy bởi nỗi lo sợ nếu để nạn nhân sống hành vi phạm tội sẽ bị tố giác, đối tượng đã quyết tâm tước đoạt sinh mạng nạn nhân một cách man rợ, bỏ ngoài tai lời khẩn cầu xin tha mạng của nữ sinh.

Theo chuyên gia Đào Trung Hiếu, các đối tượng là người nghiện ma túy, đặc điểm tâm lý cá nhân chứa đựng sẵn những lệch lạc, lệch chuẩn, tiêu cực, như sự ích kỷ, độc ác, hành động theo bản năng hướng đến việc thỏa mãn các nhu cầu vật chất thô thiển.

Khi gặp phải tình huống thuận lợi (nạn nhân có tài sản, dễ tấn công, khống chế vì có một mình, trong điều kiện trời tối, vắng vẻ..), đã tác động trực tiếp đến người đã có sẵn trong nhân cách những đặc điểm tiêu cực, hình thành nên ý định phạm tội.

Trung tá Hiếu cho hay, vụ án tiếp tục đặt ra câu hỏi cần phải làm gì để ngăn chặn, phòng ngừa người nghiện ma túy gây án tại cộng đồng. Trước đây, tại Bộ Luật hình sự 1985, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị xử lý hình sự theo điều 199 - tội "Sử dụng trái phép chất ma túy". Xử lý hình sự với hành vi này có tác dụng răn đe tốt.

Từ năm 2009, Bộ Luật hình sự mới đã bỏ tội này. Từ đó, người nghiện được coi là người bệnh. Những biện pháp quản lý người nghiện, xử lý vi phạm... đều có những bất cập, hạn chế.

Trung tá Hiếu cho rằng, cộng đồng đang sống trong nỗi lo âu, người nghiện được thả rông đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra những hậu quả, thiệt hại nặng nề cho xã hội. Cần phải có một cơ chế quản lý hiệu quả, mang tính răn đe, trừng trị, giáo dục.

Trước đó, sáng 29/10, Công an thành phố Hà Nội cho biết đơn vị đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Xuân Trung (35 tuổi) và Nguyễn Văn Quân (37 tuổi, cùng ở huyện Thường Tín, Hà Nội) về tội Giết người, Cướp tài sản. Hai người này được xác định liên quan vụ sát hại nữ sinh Học viên Ngân hàng Trần Thúy Hiền (18 tuổi, ở cùng quê) để cướp tài sản. Theo điều tra, tối 23/10, sau khi trộm tài sản, Trung và Quân thấy Hiền nghe điện thoại ở bờ sông Nhuệ, đoạn qua xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín. Nảy sinh ý định cướp tài sản, Quân đứng cảnh giới, còn Trung đẩy nữ sinh xuống bờ sông. Mặc cho cô gái van xin, Trung dìm nạn nhân xuống nước đến khi bất tỉnh.

Sau khi gây án, Trung đem xe đạp điện và điện thoại của Hiền đi bán được 3,3 triệu đồng rồi chia cho đồng phạm. Qua điều tra, chiều 26/10, nhà chức trách tìm thấy cặp sách của Hiền ở khu vực chùa Yên Phú thuộc xã Văn Phú, huyện Thường Tín. Cùng ngày, cảnh sát triệu tập một số người liên quan. Sáng 27/10, công an bắt giữ Nguyễn Xuân Trung và đưa bị can này đến nơi gây án. Sau khi rà soát, cơ quan chức năng đã tìm thấy thi thể của nữ sinh 18 tuổi trên sông Nhuệ. Cùng ngày, Nguyễn Văn Quân bị bắt giữ khi lẩn trốn ở xã Hạ Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội.

K.Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/can-co-che-tai-manh-doi-voi-nguoi-nghien-tranh-cac-tham-hoa-115005.html