Cần có chế tài xử lý các đơn vị chậm giải ngân nguồn vốn ngân sách

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư trong năm của tỉnh trong nhiều năm thường đạt ở mức trung bình của cả nước, song cũng không thuộc nhóm các tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao. Một số dự án lớn được giao kế hoạch vốn trong năm còn diễn ra tình trạng giải ngân chậm. Đặc biệt là các dự án có vốn năm 2018 kéo dài sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn T.Ư hỗ trợ; nguồn vốn vay ODA được chuyển nguồn vốn từ năm 2018 sang 2019, song tỷ lệ giải ngân vẫn đạt rất thấp.

Đồng chí Lê Hoài Thanh, Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh cho biết: Đến thời điểm hiện tại, lượng hồ sơ từ chủ đầu tư, Ban quản lý dự án gửi đến KBNN vẫn chậm. Một số dự án tình trạng dư nợ quá hạn còn cao (ngân sách địa phương nợ quá hạn 140/582 tỷ đồng, bằng 24,2% tổng dư nợ). Một số chủ đầu tư, Ban quản lý chưa chấp hành nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo và trả lời văn bản, dẫn đến việc tổng hợp số liệu, tình hình giải ngân chưa đầy đủ để KBNN báo cáo, tham mưu cho các cấp lãnh đạo. Vấn đề này đã được các đoàn Kiểm toán Nhà nước nhắc nhở nhiều lần.

Hiện nay, một số hồ sơ dự án đang được KBNN Hòa Bình kiểm soát, thanh toán, còn nhiều dự án đã hết tiến độ thực hiện thi công được phê duyệt, vướng mắc nhiều trong công tác đền bù, GPMB (một số dự án đã hết hạn hợp đồng, hết thời gian thu hồi tạm ứng nhưng chưa có mặt bằng thi công).

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, theo đồng chí Lê Hoài Thanh, dự án giải ngân chậm tập trung nhiều ở các dự án khởi công mới. Số liệu thanh toán cho dự án khởi công mới tại thời điểm này mới dừng lại thanh toán các nhiệm vụ khảo sát, lập dự án và khảo sát thiết kế, chưa thực hiện giải ngân được phần xây lắp, đây là khối lượng rất lớn.

Theo báo cáo của các chủ đầu tư, Ban quản lý còn vướng mắc nhiều ở khâu thiết kế thi công công trình. Và đặc biệt là bất cập trong công tác GPMB. Do vậy, chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng và địa phương nơi thực hiện dự án, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong công tác GPMB, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà thầu tổ chức thi công. Tránh tình trạng các nhà thầu đã trúng thầu, đã có kế hoạch giải phóng mặt bằng nhưng chưa có mặt bằng thi công thực tế, khi tạm ứng vốn về không thực hiện thi công được, dẫn đến tình trạng nợ quá hạn làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, không giải ngân tiếp được vốn đầu tư công đã được giao. Do vậy, kéo theo việc giải ngân cũng chậm.

Thứ hai, các cơ quan có thẩm quyền sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư như khâu thiết kế bản vẽ thi công, khâu điều chỉnh thiết kế - dự toán và các thủ tục đầu tư khác, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, Ban quản lý triển khai thực hiện dự án một cách nhanh nhất.

Thứ ba, cần có chế tài xử lý đối với các công trình, dự án khối lượng lớn song không giải ngân, có thể trình cấp thẩm quyền xem xét, kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn, điều chuyển nguồn vốn đó sang dự án, công trình khác đã có khối lượng, tỷ lệ giải ngân cao, đủ điều kiện để giải ngân hết kế hoạch vốn được giao trong năm. Đối với một số dự án chậm giải ngân, cần tiếp tục tham mưu các phương án, biện pháp, đảm bảo công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công hoàn thành trong năm kế hoạch. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán khi có khối lượng hoàn thành, tránh tình trạng dồn hồ sơ thanh toán vào cuối năm nhiều, gây áp lực cho KBNN. Bên cạnh đó, cần có cơ chế gắn trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, giúp việc và người đứng đầu trong việc giải ngân vốn đầu tư công.

L.C

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/134795/can-co-che-tai-xu-ly-cac-don-vi-cham-giai-ngan-nguon-von-ngan-sach.htm