Cần có kế hoạch căn cơ, lâu dài ứng phó với động đất

Trên địa bàn Sơn La vừa xảy ra liên tiếp 16 trận động đất gây thiệt hại tới nhiều công trình, trụ sở, nhà dân. Ngay tại thủ đô Hà Nội, dù cách xa tâm chấn nhưng người dân vẫn cảm nhận được sự rung lắc. Chia sẻ với phóng viên Báo Biên phòng, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, khả năng động đất tại tỉnh Sơn La còn diễn biến phức tạp, do đó cần có kế hoặc căn cơ, lâu dài ứng phó với động đất.

Ông Nguyễn Xuân Anh. Ảnh: Bích Nguyên

Ông Nguyễn Xuân Anh. Ảnh: Bích Nguyên

- Thưa ông, ông có thể cho biết rõ hơn về độ lớn của những trận động đất vừa xảy ra tại Sơn La. Trong lịch sử, đã từng xảy ra những trận động đất như vậy tại địa phương này chưa?

- 16 trận động đất xảy ra tại Sơn La có độ lớn từ 2,6 - 5,3. Trận động đất đầu tiên xảy ra hồi 12 giờ 15’ ngày 27-7, tọa độ: 20.83N-104.65E, cách đập Hòa Bình 75km, các đập Sơn La 95km, độ sâu: khoảng 14km, độ lớn: M=5.3, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. Từ trận thứ 2 đến trận 16 có cường độ nhỏ không gây tác động lớn. Riêng trận đầu tiên với độ lớn M= 5,3 – cường độ trung bình đã gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng rung lắc đến Hà Nội.

Thông thường các trận động đất lớn xảy ra sau đó sẽ có những dư chấn, như trận động đất ở Sơn La ngày 27-7, sau đó có gần 20 dư chấn. Trong thời gian tới sẽ còn xảy ra các dư chấn. Điều đó là bình thường. Dư chấn bao giờ cũng là những trận động đất nhỏ hơn và sẽ tắt dần. Trên các đới đứt gãy khác trong lịch sử đã từng có những trận động đất tương đối mạnh, cụ thể là trận động đất ở Điện Biên là 6,8 độ.

- Có thể đưa ra cảnh báo trước khi các trận động đất xảy ra khoảng bao lâu thưa ông?

- Hiện tại, chỉ có thể cảnh báo được khu vực có thể xảy ra động đất, còn thời gian xảy ra thì rất khó. Ngay cả Nhật Bản và các nước tiên tiến họ cũng không thể dự báo được thời gian xảy ra động đất. Thực tế, ở nhiều nước như Nhật Bản đã xảy ra những trận động đất gây thiệt hại rất lớn, tức là thời gian xảy ra động đất không thể dự báo được. Công nghệ mới nhất chỉ có thể dự báo động đất trước khi xảy ra được từ vài giây đến mấy chục giây, tức là khi xảy ra động đất có sóng đi trước, sóng đi sau, sóng hủy diệt thường đi sau thì họ dự báo được khoảng vài giây. Với vài giây đó, ở Nhật Bản, họ dùng để dừng hoạt động của hệ thống tàu điện ngầm, các công trình kỹ thuật – những điều này rất quan trọng, hoặc cảnh báo cho người dân trước vài giây như vậy có thể người dân sẽ chủ động phòng tránh, chui xuống bàn ẩn nấp…

- Hiện nay, Viện Vật lý địa cầu có khuyến cáo gì cho người dân về việc phòng chống động đất?

- Chúng ta có quy định của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống động đất. Chúng ta phải tuân thủ theo quy định đó. Trong quy định có rõ địa phương cần làm gì, người dân cần phải làm gì khi xảy ra động đất. Cụ thể, hiện nay đối với khu vực đang xảy ra hoạt động động đất, đặc biệt là khu vực Tây Bắc thì đầu tiên phải rà soát những công trình xây dựng. Những công trình kháng chấn yếu phải được gia cố và trong tương lai, đối với khu vực đó cũng phải rà soát công tác kháng chấn cho các công trình. Thứ hai là khi xảy ra động đất tại một số khu vực có hiện tượng đá lăn trên núi. Điều này cũng cần phải có cảnh báo cho người dân. Bên cạnh đó cần phải trang bị cho người dân kiến thức thông thường về phòng chống động đất.

Hiện nay, tại Mộc Châu (Sơn La) vẫn có thể có những dư chấn, chúng ta cần tiếp tục theo dõi. Ở khu vực này, tôi vẫn nói là trong lịch sử có những trận động đất mạnh. Chính vì vậy, trong tương lai hoàn toàn có thể xảy ra những trận động đất như vậy. Và thực tế, trên đới đứt gãy Sơn La, Sông Mã đã có những trận động đất mạnh 6,7 độ richter; 6,8 độ richter trong lịch sử. Những trận động đất đó hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến khu vực, các công trình, nhà dân trong khu vực và thành phố quanh đó cần phải đánh giá rủi ro và có giải pháp phù hợp, công trình kháng chấn đảm bảo tiêu chuẩn. Vì vậy, chúng ta cần phải có một kế hoạch lâu dài, căn cơ để giải quyết những vấn đề nhằm giảm thiểu những thiệt hại do động đất đến mức thấp nhất.

- Ông đánh giá như thế nào về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa công bố sẽ thuê Tư vấn độc lập đánh giá về tác động của động đất đối với các hồ chứa ở khu vực Tây Bắc này?

- Tôi cho rằng việc đó là rất cần thiết. Thông thường các hồ đập lớn người ta đã phải nghiên cứu và đánh giá các hoạt động động đất từ trước khi tích nước và sau khi tích nước. Còn các công trình thủy điện nhỏ cũng cần đặc biệt quan tâm hơn tới việc kháng chấn. Tất nhiên là cần phải rà soát lại các công trình vì tình hình hoạt động động đất cũng như biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, có sự tương tác giữa biến đổi khí hậu, lũ lụt… có thể gây ra đa thiên tai không thể lường trước được nên là cần có sự nghiên cứu để giải quyết những vấn đề như vậy.

Hồ thủy điện Hòa Bình được thiết kế đảm bảo an toàn trong cả những trận động đất lớn hơn nhiều trận động đất vừa xảy ra tại Mộc Châu. Ảnh: Bích Nguyên

Hồ thủy điện Hòa Bình được thiết kế đảm bảo an toàn trong cả những trận động đất lớn hơn nhiều trận động đất vừa xảy ra tại Mộc Châu. Ảnh: Bích Nguyên

- Xin ông cho biết thời gian vừa qua, Viện Vật lý địa cầu đã phối hợp với Tập đoàn điện lực như thế nào để quan trắc động đất ở khu vực Tây Bắc – nơi có rất nhiều hồ chứa?

- Đối với các hồ thủy điện tại Sơn La, Lai Châu, chúng tôi có các trạm quan trắc địa phương. Để có thể quan trắc hoạt động động đất ở khu vực đó và với hoạt động quan trắc số liệu quan trắc rất cần thiết cho EVN để vận hành hồ đập an toàn. Cho đến nay, các công trình đó đều hoạt động tốt. Tuy nhiên tôi vẫn cho rằng cần phải rà soát lại tất cả các công trình hồ chứa, đặc biệt là hồ thủy lợi nhỏ.

Hiện, trên khu vực Tây Bắc chúng tôi có khoảng 30 trạm quan trắc động đất. Số lượng trạm quan trắc hiện tại đủ khả năng để đánh giá hoạt động động đất quanh hồ đập thủy điện ở khu vực này.

Xin trân trọng cảm ơn ông

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/can-co-ke-hoach-can-co-lau-dai-ung-pho-voi-dong-dat-post431405.html