Cần có phương án xử lý tình trạng các chợ hoạt động không hiệu quả. Bài 1: Nghịch lý chợ mới bỏ hoang, tiểu thương bán chợ tạm

Trong những năm qua, mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh là nơi cung cấp hàng hóa thiết yếu, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng trong tiêu thụ sản phẩm, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy vậy, thực tế vẫn nảy sinh nhiều bất cập trong quản lý phát triển, kinh doanh, khai thác chợ cần được ngành chức năng chấn chỉnh kịp thời, trong đó bức xúc nhất hiện nay là tình trạng đầu tư tiền tỉ để xây dựng chợ nhưng nhiều năm vẫn chưa đưa vào hoạt động hoặc hoạt động, khai thác không hiệu quả.

 Công trình chợ Mai Xá sau hơn 2 năm hoàn thành vẫn chưa đưa vào sử dụng - Ảnh: L.T

Công trình chợ Mai Xá sau hơn 2 năm hoàn thành vẫn chưa đưa vào sử dụng - Ảnh: L.T

Chợ 3 lần đấu giá... vẫn “ế”

Đó là tình cảnh chợ Mai Xá - một công trình rộng rãi, thoáng mát nằm cạnh trục đường xuyên Á, ở vào vị trí trung tâm của xã Gio Mai (huyện Gio Linh). Chợ này hoàn thành từ cuối năm 2019, đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động được vì qua 3 lần chính quyền tổ chức đấu giá nhưng chỉ có 5/60 lô quầy được đấu giá thành.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, chợ Mai Xá được đầu tư xây dựng năm 2017 theo dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) với tổng kinh phí đầu tư 3,9 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 2 tỉ đồng, ngân sách huyện 500 triệu đồng, vốn từ nguồn NTM của xã 500 triệu đồng, còn lại là nguồn vốn từ đấu giá lô quầy và người dân đóng góp. Tuy nhiên, vì việc đấu giá lô quầy không thành công nên hiện công trình còn đang nợ đơn vị thi công 500 triệu đồng và một số hạng mục phụ trợ của chợ như hệ thống phòng cháy chữa cháy, phòng bảo vệ, mái che một số vị trí trong chợ… chưa có kinh phí để thực hiện.

Trên thực tế, chợ Mai Xá được xây dựng lại đúng trên vị trí chợ cũ (thời điểm xây dựng chợ mới người dân được chính quyền địa phương đồng ý cho di dời vào vị trí chợ tạm hiện nay ở Trung tâm học tập cộng đồng thôn Mai Xá để buôn bán). Chợ mới được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Nền chợ được tôn cao bằng mặt đường xuyên Á nên chấm dứt cảnh ngập lụt vào mùa mưa như chợ cũ trước đây. Chủ trương xây dựng chợ mới trước đó cũng được người dân đồng thuận cao. Tuy nhiên, khi chợ hoàn thành, chính quyền địa phương tổ chức đấu giá lô quầy để đưa vào sử dụng thì người dân lại không tham gia với lý do tiểu thương ở chợ chủ yếu già cả, buôn bán mặt hàng nhỏ lẻ, lượng hàng hóa tiêu thụ không lớn, thời gian họp chợ ngắn (khoảng từ 6 giờ 30 phút đến 9 giờ sáng hằng ngày) nên mức thu nhập từ chợ thấp, không đủ điều kiện trả kinh phí đấu giá 1 lần cho 10 năm hoạt động (giao động mức từ 14 - 20 triệu đồng/lô quầy). Tiểu thương đề nghị chính quyền giảm tiền đấu giá lô quầy và cho nộp tiền thuê theo tháng, quý hoặc năm.

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Gio Mai Hoàng Thanh Lương cho hay, UBND xã đã tổ chức nhiều lần họp dân và nhận thấy những lý do người dân đưa ra là có cơ sở. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của thiên tai năm 2020 và dịch bệnh trong suốt thời gian qua cũng khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Vì thế, xã đã có đề xuất UBND huyện Gio Linh phương án điều chỉnh giảm 46% mức giá bình quân so với giá khởi điểm ban đầu cho từng lô quầy; đồng thời cho tiểu thương nộp tiền đấu giá lô quầy 2 lần để đỡ áp lực (lần 1 nộp sau khi trúng đấu giá, lần 2 sau 1 năm kể từ ngày nộp tiền lần 1). Cũng theo tính toán của ông Lương, với phương án trên, số tiền người dân tham gia đấu giá được thu vào khoảng 475 triệu đồng, gần đủ để trả nợ cho nhà thầu thi công, còn những hạng mục phụ trợ của chợ chưa thực hiện được thì khi hộ tiểu thương đi vào hoạt động, địa phương sẽ tiếp tục vận động thực hiện sau.

Với kiến nghị trên của xã, UBND huyện Gio Linh đã thành lập Tổ khảo sát thực tế hiện trạng chợ Mai Xá để giải quyết vướng mắc. Tổ khảo sát đưa ra 2 phương án: “Giảm thời gian cho thuê lô quầy còn lại 5 năm hoặc giảm thời gian cho thuê lô quầy còn lại 5 năm và giảm giá 10% theo giá cho thuê đã được phê duyệt để tổ chức đấu giá lại”. Tuy nhiên, xét thực tế, UBND xã Gio Mai thấy cả hai phương án trên khó khả thi để thuyết phục, vận động người dân tiếp tục tham gia đấu giá lô quầy của chợ nên đề nghị UBND huyện Gio Linh tổ chức đối thoại trực tiếp với tiểu thương, từ đó có phương án chỉ đạo để đưa chợ Mai Xá vào hoạt động, tránh lãng phí.

Chợ chỉ có... 1 tiểu thương

Thực trạng này đang diễn ra ở chợ Trung tâm xã Triệu Đông (cũ), trước thuộc xã Triệu Đông, sau sáp nhập là xã Triệu Thành (huyện Triệu Phong). Chợ này được hoàn thiện năm 2018 với mức đầu tư 3,3 tỉ đồng với quy mô 33 lô ki ốt và quầy. Năm 2019, sau 3 lần UBND xã Triệu Đông phối hợp Công ty Đấu giá Hợp Danh Miền Trung tổ chức đấu giá, có 20/33 lô quầy được đấu giá thành công, thời gian sử dụng 5 năm, thu tiền hằng năm. Tuy nhiên hiện nay, chợ này chỉ có 1 tiểu thương buôn bán.

Bà Hoàng Thị Hường, Đội 7, thôn Nại Cửu, xã Triệu Thành cho biết, “Tháng 4/2019, tôi tham gia đấu giá 1 ki ốt ở chợ Trung tâm xã Triệu Đông (cũ) với giá 40 triệu đồng, thời gian sử dụng 5 năm. Những tưởng chợ mới sẽ tấp nập người mua bán nhưng không ngờ đến nay vẫn chỉ mình tôi bán. Trong khi đó, những tiểu thương khác dựng lều bạt bày bán ở khu vực phía ngoài đường, cách chợ chỉ vài bước chân nên người dân cứ thấy tiện đường, tấp xe vào lề mua hàng chứ chẳng có ai vào chợ cả. Trước tình cảnh này, thời gian gần đây tôi cũng phải sắm xe đẩy để sắp hàng đưa ra ngoài đường bán, còn ki ốt chỉ để làm kho cất hàng hóa”.

Nguyên nhân chợ này không đi vào hoạt động được là do trên địa bàn này đang tồn tại 2 chợ tạm tự phát. Trong đó, chợ tạm thôn Bích La Đông có gần 100 hộ tiểu thương buôn bán, chợ tạm thôn Nại Cửu (ngay trước mặt chợ Trung tâm xã Triệu Đông (cũ)) có hơn 30 hộ tiểu thương. Ý tưởng xây dựng chợ Trung tâm xã Triệu Đông (cũ) là sau khi hoàn thành sẽ chuyển toàn bộ tiểu thương 2 chợ tạm trên vào đây buôn bán. Tuy nhiên, khi đấu giá đưa vào hoạt động thì chủ yếu chỉ có tiểu thương chợ tạm thôn Nại Cửu tham gia, còn hầu hết tiểu thương chợ tạm Bích La Đông không tham gia, muốn buôn bán ở chợ cũ vì quen khách, bên cạnh đó tiền chợ rẻ (chỉ 2.000 - 5.000 đồng/ngày và trả ngay trong ngày). Lấy lý do tiểu thương chợ Bích La Đông không lên chợ mới, tiểu thương chợ tạm thôn Nại Cửu cũng không vào chợ mới mà dựng lều bạt ngay phía trước chợ mới để buôn bán.

Bà Lê Thị Hồng, Đội 7, thôn Bích La Đông cũng đã đấu trúng một lô giữa đình của chợ Trung tâm xã Triệu Đông (cũ) để bán trái cây với giá 12 triệu đồng/5 năm. Tuy nhiên, bà không vào chợ mới bán vì cho rằng tiểu thương chợ tạm Bích La Đông bán ở ngoài thì người dân tiện đường, dễ ghé mua đồ còn chợ mới bây giờ không có ai vào buôn bán, trong khi khu vực mặt tiền toàn ki ốt vây quanh, bán giữa đình sẽ bị che khuất, người dân không thấy thì sẽ không ghé mua nên bày bán ở ngoài cho tiện.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Thành Lê Cảnh Bồi cho hay, chợ Trung tâm xã Triệu Đông (cũ) là công trình xây dựng và đưa vào hoạt động trước thời điểm sáp nhập hai xã Triệu Đông và Triệu Thành nhưng đến nay vẫn dang dở. Thời gian tới, xã sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn để đưa chợ đi vào hoạt động và giải tỏa các chợ tạm trên địa bàn này. Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã chỉ đạo các chi bộ Bích La Đông và Nại Cửu phối hợp các hội đoàn thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng đồng thời tuyên truyền, vận động tiểu thương 2 chợ tạm trên địa bàn chấp hành việc giải tỏa chợ cũ để di chuyển vào hoạt động ở chợ mới. UBND xã cũng đã làm việc với các hộ đã đấu trúng lô quầy ở chợ mới mà không chịu vào chợ buôn bán, nếu có nhu cầu buôn bán ở chợ mới thì tiếp tục đóng tiền để kinh doanh, hộ nào không đóng tiền xem như không có nhu cầu, UBND xã sẽ tiến hành thu hồi lô quầy đã đấu trúng mà không kinh doanh theo hợp đồng trước đây (có thể tổ chức đấu giá lô quầy lại nếu có nhiều hộ không tiếp tục kinh doanh). Còn nếu số lượng tiểu thương đăng ký tham gia buôn bán đông, trong đình chợ không còn chỗ thì UBND xã sẽ quy hoạch các lô buôn bán khu vực phía hai bên đình. Xã quyết tâm đưa chợ vào hoạt động trong tháng 12/2021.

Trước thực trạng trên, các địa phương đều có xây dựng các phương án, kế hoạch đưa các công trình chợ đã đầu tư xây dựng đi vào hoạt động tuy nhiên do chính quyền các cấp chưa thật sự quyết liệt để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Tình trạng ngay cạnh những chợ mới được đầu tư xây dựng khang trang nhưng nhiều năm liền không đưa vào hoạt động là những chợ tạm, chợ xép nhếch nhác, mất trật tự an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường không chỉ diễn ra ở vùng nông thôn mà ngay cả vùng đô thị trung tâm như thành phố Đông Hà.

Bài 2: Loay hoay bài toán chợ đêm

Lâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=159785&title=can-co-phuong-an-xu-ly-tinh-trang-cac-cho-hoat-dong-khong-hieu-qua-bai-1-nghich-ly-cho-moi-bo-hoang-tieu-thuong-ban-cho-tam