Cần có thảo nguyên xanh

Đàn trâu Lâm Thuận, xã Hàm Phú (Hàm Thuận Bắc) đang bị người dân xã Thuận Minh lân cận ví như quân Nguyên, 'tấn công' phá hoại mùa màng của họ. Người dân nơi đây đang mong chờ có một thảo nguyên xanh, để chăn thả đảm bảo sản xuất, phát triển kinh tế bền vững khi dịch Covid-19 vốn đã khó khăn.

Trâu Lâm Thuận đã tăng về số đàn.

Trâu Lâm Thuận đã tăng về số đàn.

“Của hồi môn”

Khi lớn lên tôi đã thấy con trâu kéo cày và trong sách, báo thơ ca: “Ai bảo chăn trâu là khổ. Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao...”, trong bài thơ Quê hương của nhà thơ Giang Nam. Hình ảnh đẹp đó ăn sâu tâm trí mỗi học sinh khi thấy trâu lại nhớ về ký ức. Một lần trong chuyến đi cơ sở, thấy đàn trâu ở xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc, tôi dừng lại chụp hình và được nghe câu chuyện về trâu. Thôn Lâm Thuận có 260 hộ/1.130 nhân khẩu. “Ở đây nhà ai cũng nuôi trâu”, chị Thông Thị Tuyền đẩy chiếc xe bốc mùi nồng nặc, lên tiếng khi tôi hỏi.

Nhìn chị Tuyền tay dính đầy phân trâu, tôi cảm nhận nỗi nhọc nhằn của người nông dân. Dù gom phân khó nhọc nhưng Tuyền dừng lại, dẫn tôi về gặp cha mình, người đang sở hữu đàn trâu khá nhiều của thôn. Dọc đường gặp nhiều khúc cua, xe công nông, máy cày, máy kéo vướng víu, tôi cố kéo ga luồn lách đuổi theo Tuyền. Ông Thông Bảy (70 tuổi), cha của Tuyền tiếp tôi trên chiếc bàn tròn inox chậm rãi nói: Trâu gắn liền với người dân trong thôn từ thời ông bà đến nay. Cứ dựng vợ gả chồng là cho mỗi đứa một con trâu cái, giống như của hồi môn vậy, ít hay nhiều tùy thuộc vào điều kiện gia đình. Quan niệm của ông bà nếu cho tiền thì con cái sẽ không giữ được bằng cho trâu – “cần câu cơm bền vững”. Với gia đình ông có 5 đứa con, đứa nào ông cũng cho một cặp trâu, trong đó có Tuyền.

Đổi đời

Vợ chồng Tuyền chăm chỉ làm ăn, từ cặp trâu cha mẹ cho, đến nay nhân lên thành 6 con. Ngoài chăn nuôi trâu của nhà, chồng Tuyền còn chăn luôn trâu của bố vợ. Ông Bảy khua tay nói vẻ đầy trách nhiệm với con cái: “Phân trâu tôi cho nó hết, mỗi năm tôi trả tiền chăn thuê 1 triệu đồng/con. Tiền bán phân trâu, rồi chăn thuê, canh tác lúa... thu nhập cũng khá, cuộc sống vợ chồng nó ổn định. Dịch Covid-19 khiến nghề nào cũng ảnh hưởng, với nghề nông canh tác lúa nước, chăn nuôi trâu, bò là tương đối ổn”.

Từ nhà ông Bảy, tôi đi qua nhiều hẻm lớn, nhỏ, “ổ voi, ổ gà” trật trẹo bánh xe, nhìn đâu cũng thấy màu xanh của lúa. Ở thôn khác nông dân phá lúa trồng thanh long, nhưng thôn Lâm Thuận vẫn còn nguyên vẹn tập tục canh tác lúa nước với “con trâu đi trước cái cày theo sau”, chỉ khác bây giờ cơ giới hóa nông nghiệp đã thay thế bằng “trâu sắt”. Con trâu trở nên nhàn hạ hơn, không còn phải cày, kéo vất vả như trước kia. Khi không còn hữu ích trong nông nghiệp người ta chuyển sang nuôi trâu lấy thịt phục vụ nhu cầu cho con người. Thịt trâu đang là món ăn đặc sản ở một số vùng miền như miền Tây. Vậy nên giá trâu nay tăng ngang ngửa với thịt bò. Đàn trâu của Lâm Thuận đã lên đến hơn 1.100 con. Hộ nuôi nhiều nhất là 50 con, ít nhất vài con. Ông Thông Quảng, người thứ 3 tôi gặp cười khà khà nói: “Ở thôn này trung bình mỗi hộ nuôi 20 – 30 con. Nhà mình khoảng 50 con, mỗi năm đẻ khoảng 16 con nghé. Số trâu này gầy dựng từ cặp trâu cái của cha mẹ cho và mua thêm về nuôi”.

Với giá trâu hiện nay như ông Bảy nói khi tôi mới gặp: “1 con nghé gần 20 triệu đồng/con, trâu mộng to khỏe khoảng 40 triệu đồng/con. Người ta cứ đến gạ tôi bán miết, tôi không bán”. Vậy mới biết ông Quảng là nông dân có điều kiện kinh tế khá trong thôn, nuôi 3 con ăn học, trong đó có 1 người đang học năm cuối Đại học Y dược TP.HCM. Những hộ khác, ngoài chăn nuôi trâu của nhà mình còn nhận chăn thuê cho cả trâu bên ngoài địa phương mỗi con 1 triệu đồng/năm và bán phân trâu, chưa kể canh tác lúa, hoa màu, cho cuộc sống tốt. Nói về cuộc sống của người dân Lâm Thuận, ông Lê Ngọc Bình – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Phú cho hay: “Đặc thù của thôn Lâm Thuận là có truyền thống nuôi trâu. Những năm gần đây, người dân trong thôn đầu tư nuôi trâu vì trâu dễ nuôi ít bệnh, bán được giá, mang lại thu nhập khá cho gia đình. Tuy vậy, có những lo ngại, nuôi trâu cần có đồng cỏ, ao, hồ để chăn thả, nhưng không có thì chúng phá hoại mùa màng. Cách đây hơn 10 năm, Hàm Phú cũng như xã Thuận Minh lân cận có nhiều đất rừng hoang hóa, chăn thả trâu thoải mái không lo phá hoại hoa màu. Nhưng những năm sau này, người dân khai hoang thu hẹp diện tích đất hoang hóa khiến không còn chỗ chăn thả trâu, sinh nhiều hệ lụy”.

Cần thảo nguyên xanh

Những tưởng câu chuyện về trâu kết thúc với con trâu cái - “của hồi môn” sinh sản cho thu nhập cao. Nhưng đó chỉ là mặt phải của vấn đề, bởi cái gì cũng có tính 2 mặt. Nuôi trâu cần có thảo nguyên xanh - nơi chăn thả, bởi trâu không phải như bò mà nuôi nhốt trong chuồng, trâu cần có đồng cỏ và nước để sống. Nếu không có sẽ sinh ra nhiều hệ lụy, mất an ninh trật tự liên quan phá hoại hoa màu. Tôi đi về phía bìa rừng giáp ranh xã Hàm Phú và Thuận Minh tìm nạn nhân bị trâu phá hoại hoa màu. Nhìn đâu cũng thấy đất sản xuất của nông dân, ông Nguyễn Khắc Hưng – Bí thư chi bộ thôn Ku Kê tiếp chúng tôi trong căn nhà tuềnh toàng bốn bên là đồng ruộng. Mở đầu cuộc nói chuyện, ông Hưng không ngần ngại đáp: “Trâu phá ngày, phá đêm chịu không nổi. Ở đây nhà ai cũng canh tác lúa, hoa màu phải lo canh giữ, nếu không trâu phá sạch. Bắt trâu, đề nghị chủ bồi thường thì bọn chúng tổ chức cho người tới đánh, giải vây lấy lại trâu. Chuyện va chạm giữa người nuôi trâu Lâm Thuận và người trồng trọt xảy ra thường xuyên. Chúng tôi kiến nghị với UBND xã nhiều năm qua nhưng chưa có phản hồi”.

Được biết, UBND xã Thuận Minh đã có văn bản gửi đến UBND xã Hàm Phú yêu cầu hộ nuôi quản lý đàn trâu, không để phá hoại hoa màu. Sự việc sau đó cũng đã phản ánh đến UBND huyện Hàm Thuận Bắc. Tại các cuộc họp hàng năm của huyện không ít lần đề cập vấn đề này, trong một lần vì quá bức xúc, cán bộ xã Thuận Minh đã ví trâu của Hàm Phú như một đoàn quân Nguyên “tấn công” phá hoại mùa màng của Hàm Minh trong cuộc họp. Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Minh Đào Duy Khánh cho biết: “Vấn nạn này xảy ra trong nhiều năm qua, dù kiến nghị nhiều với các cấp, ngành. Khổ nhất là thời điểm chuyển giao giữa vụ mùa sang vụ đông xuân, trâu kéo về vùng sản xuất của xã hàng trăm con “quậy phá” nát bờ ruộng. Vì khoảng thời gian này là mùa khô, rừng thiếu nước, cỏ khô, trâu không còn thức ăn nên tìm đến các cánh đồng”.

UBND xã Hàm Phú không ít lần mời Bí thư thôn Lâm Thuận quán triệt người dân quản lý đàn trâu nuôi của mình. Bí thư thôn Lâm Thuận Thông Minh Luyến trăn trở cho biết: “Hiện nay bà con chăn thả trâu chủ yếu ở khu vực Đá Cầu của xã Thuận Minh và “đất 04” của Hàm Phú. Chúng tôi đã quán triệt người nuôi trâu trong thôn phải chăn dắt cẩn thận không để phá hoại mùa màng. Đồng thời cho họ viết cam kết, và yêu cầu người dân trong thôn không được nhận trâu ở huyện Tánh Linh về đây nuôi vì diện tích đồng cỏ đã bị thu hẹp”.

Trâu cũng như bò đang là những vật nuôi xóa đói giảm nghèo bền vững của Lâm Thuận nói riêng và người dân nông thôn nói chung. Hơn nữa trâu ít bệnh tật dễ nuôi hơn bò, nên nếu bảo họ đừng nuôi vì phá hoại mùa màng là không thể, chỉ bằng cách quy hoạch cho họ khu chăn nuôi hoặc thảo nguyên xanh. Làm được điều đó thì không chỉ hạn chế trâu phá hoại mùa màng mà góp thêm điểm đến cho khách du lịch. Trước kia khi dịch Covid-19 chưa xảy ra, du khách nước ngoài đến Hàm Phú thấy trâu rất thích, đã đề nghị những cậu bé chăn trâu cưỡi lên lưng trâu để chụp hình. Đây cũng là ước mong của lãnh đạo xã Hàm Phú, Thuận Minh, thôn Lâm Thuận và cả các ban, ngành có liên quan của huyện Hàm Thuận Bắc. Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Bắc, từng là Bí thư xã mong muốn ngành chức năng xem xét quy hoạch vùng chăn nuôi. Chuyển hết trâu bò về đó chăn thả, không thả rông ảnh hưởng môi trường và sản xuất, phát triển kinh tế nâng cao đời sống của người dân nông thôn nói chung.

Ông Võ Văn Tâm – Chủ tịch UBND xã Hàm Phú cho biết: Quỹ đất để quy hoạch khu chăn nuôi trên địa bàn xã không còn. UBND xã đã và đang kiến nghị huyện, tỉnh quan tâm hướng dẫn xã quy hoạch khu chăn nuôi để người dân trên địa bàn xã ổn định chăn nuôi, sản xuất.

Phóng sự: Ninh Chinh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/can-co-thao-nguyen-xanh-141817.html