Cần có thêm dự án hỗ trợ phụ nữ nông thôn khởi nghiệp

Bà Nguyễn Thanh Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre), cho biết, từ chỗ ngại ngần mỗi khi nhắc đến chuyện khởi nghiệp, giờ đây, nhiều hội viên, phụ nữ trên địa bàn đã tích cực khởi sự kinh doanh.

 Nhiều phụ nữ trên địa bàn huyện Châu Thành, Bến Tre, khởi nghiệp thành công

Nhiều phụ nữ trên địa bàn huyện Châu Thành, Bến Tre, khởi nghiệp thành công

Chia sẻ về những hoạt động đã và đang được Hội triển khai nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, bà Thanh Hiền cho biết: "Thời gian qua, Hội LHPN huyện đã hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của phụ nữ trên địa bàn bằng nhiều hình thức, dựa trên nhu cầu của từng chủ mô hình, dự án như: Hỗ trợ nguồn vốn, tập huấn kiến thức và kỹ thuật; hỗ trợ làm bao bì, nhãn mác, quảng bá sản phẩm…

Tính riêng trong quý 1/2024, các cấp Hội trên địa bàn huyện đã tổ chức 135 cuộc tuyên truyền về khởi nghiệp, thông qua các cuộc họp chi, tổ Hội, câu lạc bộ, các tổ nhân dân tự quản, thu hút hơn 3.240 chị em tham dự.

Hội LHPN huyện phối hợp với Ban chủ nhiệm "Câu lạc bộ nữ khởi nghiệp" của huyện đã tổ chức kết nối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm của các thành viên trong câu lạc bộ, của các chị em khởi sự kinh doanh trên địa bàn.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ 6 sản phẩm khởi nghiệp đạt chứng nhận OCOP 3 sao; nâng tổng số sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao, 4 sao trên địa bàn lên con số 13.

Ngoài ra, Hội cũng đã phối hợp triển khai tập huấn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo mô hình kinh doanh thương mại điện tử, bán hàng trên các trang mạng xã hội cho 22 hội viên, phụ nữ".

Mô hình khởi nghiệp thành công với nấm của phụ nữ Bến Tre

Mô hình khởi nghiệp thành công với nấm của phụ nữ Bến Tre

PV: Để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh, Hội đã có những hoạt động cụ thể nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thanh Hiền: Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi đang tập trung hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp xây dựng website, bán hàng trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Bên cạnh hình thức bán hàng truyền thống thì kinh doanh online là xu hướng mà chị em không thể đứng ngoài cuộc.

Điều thuận lợi là nhiều chị em hiện nay khá nhanh nhạy, dễ thích ứng với việc kinh doanh online. Nhiều chị em còn hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau nên hiệu quả càng lan tỏa. Bên cạnh đó, các thành viên trong hội đồng hương, các doanh nghiệp của tỉnh cũng đã kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tăng cường hoạt động này.

PV: Xin bà cho biết, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn đang gặp khó khăn gì?

Bà Nguyễn Thanh Hiền: Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn hiện còn những khó khăn. Mặc dù phong trào khởi nghiệp phát triển nhưng không phải ai khởi nghiệp cũng thành công.

Nếu không có quyết tâm, ý chí đủ lớn để khởi nghiệp thì rất dễ bỏ cuộc, thất bại. Hiện nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp khá phong phú, tuy nhiên không phải đối tượng nào cũng có thể tiếp cận một cách dễ dàng. T

hêm vào đó, hiện nay, bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn phần nào khiến nhiều người có tâm lý e dè, không đủ can đảm, quyết tâm để biến ý tưởng khởi nghiệp của mình thành hiện thực. Phụ nữ nông thôn khi khởi nghiệp cũng có những hạn chế như quy mô còn manh mún, nhỏ lẻ.

Do đó, cần nhiều hơn nữa những dự án tập trung hỗ trợ nhóm phụ nữ này khởi nghiệp; đồng thời cần tổ chức nhiều lớp tập huấn, hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho chị em.

PV: Cảm ơn bà đã chia sẻ!

Đình Hưng (thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/can-co-them-du-an-ho-tro-phu-nu-nong-thon-khoi-nghiep-20240606164834941.htm