Cần điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư để phù hợp với tình hình mới

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND ngày 19/8/2016 của HĐND tỉnh về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn, tỉnh Quảng Trị đã thu hút được 304 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 86.432 tỉ đồng; thu hút được 5 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 125,704 triệu USD (tương đương 2.891 tỉ đồng).

 Trường Hội nhập quốc tế iSchool Quảng Trị tại thành phố Đông Hà -Ảnh: PV

Trường Hội nhập quốc tế iSchool Quảng Trị tại thành phố Đông Hà -Ảnh: PV

Một số dự án đầu tư có nguồn vốn đầu tư lớn như: Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp đa ngành Triệu Phú; Dự án Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng biển Mũi Trèo của Công ty Cổ phần Pacific Quảng Trị; Dự án Khu dịch vụ - du lịch Gio Hải của Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T. Trong số 304 dự án thu hút được có khoảng 122 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động với số vốn đầu tư 9.615 tỉ đồng, điển hình như: Nhà máy sản xuất dụng cụ du lịch Jinquan; Dự án Nhà máy thủy điện La Tó; Dự án Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 2; Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1; Dự án Trường Hội nhập quốc tế iSchool Quảng Trị…

Đặc biệt trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Quảng Trị đã nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài lớn như: Tập đoàn Sembcorp (Singapore); Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp TNHH MTV Becamex IDC; Tập đoàn Phát điện Thái Lan (EGAT) và Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan; Tập đoàn Kinder World (Singapore), Tập đoàn AMATA (Thái Lan); Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản); Tập đoàn Lenzing (Áo); Công ty Daewon (Hàn Quốc); Công ty Sangshin (Hàn Quốc); Công ty Poong In Trading Co., Ltd. (Hàn Quốc)... Trong đó, có một số nhà đầu tư đã đề xuất thực hiện dự án đầu tư và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư như Dự án Khu Công nghiệp Quảng Trị của Liên doanh Amata - Sumitomo - VSIP (tổng mức đầu tư 88,26 triệu USD).

Dự án Nhà máy gia công may mặc xuất khẩu PI Vina Quảng Trị của Công ty PoongIn Trading (tổng mức đầu tư 20 triệu USD); Nhà máy sản xuất dụng cụ du lịch Jinquan của Công ty TNHH MTV dụng cụ du lịch Jinqan Việt Nam (tổng mức đầu tư hơn 180 tỉ đồng). Đây là tín hiệu khả quan, rất đáng mừng trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh so với giai đoạn trước đó. Cùng với việc thu hút đầu tư, tỉnh đã bố trí từ ngân sách 22 tỉ đồng nhằm hỗ trợ ưu đãi đầu tư cho các dự án đầu tư vào tỉnh đáp ứng điều kiện ưu đãi theo quy định.

Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho thấy, các nhà đầu tư, doanh nghiệp rất quan tâm đến môi trường đầu tư tại tỉnh Quảng Trị; đánh giá tích cực vai trò của chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh việc hỗ trợ một phần kinh phí cho nhà đầu tư để đầu tư thực hiện dự án, thì đây còn là nguồn động viên, thể hiện thiện chí của địa phương trong việc hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp, cùng phát triển. Chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của tỉnh đã có sức loan tỏa, tác động mạnh mẽ đến thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đầu tư sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chính sách thu hút đầu tư là giải pháp then chốt để nâng cao tốc độ phát triển kinh tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ưu tiên phát triển công nghiệp; giải quyết việc làm cho người lao động và tăng tiềm lực cho ngân sách tỉnh. Tuy nhiên, phần lớn các chính sách ban hành thường chỉ phù hợp trong từng giai đoạn phát triển, nhất là khi có sự thay đổi từ các quy định của pháp luật. Vậy nên, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của tỉnh sau hơn 5 năm phát huy hiệu quả, thì đến nay cũng cần xem xét điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo đúng quy định của Luật Đầu tư vừa mới ban hành năm 2020; đồng thời phù hợp với giai đoạn phát triển mới và tình hình thực tiễn của địa phương. Đối với các quy định mới của Luật Đầu tư năm 2020 là thay đổi ưu đãi về thuế, về đối tượng ưu đãi, bổ sung ngành nghề ưu đãi, quy định mới chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt.

Về thực tế của địa phương thì kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu thương mại, các cụm công nghiệp đều được đầu tư khá đồng bộ, nên chính sách hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án đầu tư trong khu kinh tế, khu công nghiệp, khu thương mại, các cụm công nghiệp nên có sự điều chỉnh; về hỗ trợ đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực phải đón đầu được “làn sóng” người lao động di chuyển từ các tỉnh, thành phố phía Nam về quê tránh dịch, tạo việc làm ổn định lâu dài tại địa phương.

Lê Thiện

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=160279&title=can-dieu-chinh-chinh-sach-thu-hut-dau-tu-de-phu-hop-voi-tinh-hinh-moi