Cần độc lập hoàn toàn trong việc xác định đối tượng thanh tra, trong kết luận và kiến nghị xử lý

Sáng 7/9, tại Nhà Quốc hội, sau phiên khai mạc, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về một số Dự án Luật, Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã tiến hành thảo luận về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Quang cảnh Hội nghị thảo luận về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) sáng 7/9.

Đề nghị phân cấp nhiều hơn cho cơ quan thanh tra cấp huyện

Thảo luận về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh nhất trí việc giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra cấp hành chính, trong đó thanh tra huyện như hiện hành; đồng thời chuyển thanh tra một số sở hiện tại về thanh tra tỉnh để thành lập phòng thanh tra chuyên ngành, quy định thành lập thanh tra sở tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp.

Riêng đối với thanh tra sở, theo đại biểu Trần Đình Gia, chỉ những sở đặc biệt mới thành lập cơ quan thanh tra. Hiện nay tất cả những vướng mắc, chồng chéo và gây phiền hà ở cơ sở chủ yếu là nội dung này, bởi tất cả các sở đều có cơ quan thanh tra, nên thực tế có những cơ quan phải tiếp thanh tra chuyên ngành của Sở Giáo dục, thanh tra Sở Tài chính, thanh tra của Sở Nội vụ…

Đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phát biểu thảo luận.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, cần phân cấp nhiều hơn cho cơ quan thanh tra cấp huyện, sau khi luật có hiệu lực cần sớm hướng dẫn để tổ chức bộ máy và điều kiện đảm bảo để thanh tra cấp huyện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Về thẩm quyền, đại biểu Trần Đình Gia đồng tình với một số ý kiến phát biểu, đó là thẩm quyền của Chánh thanh tra sở, thanh tra Tổng cục, thanh tra Cục chỉ tham mưu cho Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Giám đốc sở ra quyết định thanh tra và kết luận thanh tra.

Về tổ chức bộ máy, tại Điều 26 quy định Chánh thanh tra do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Đại biểu đề nghị nghiên cứu cho phù hợp, vì Quy định số 65 của Ban Chấp hành Trung ương về luân chuyển cán bộ, tiến tới lộ trình Chánh thanh tra tỉnh không phải là người địa phương, nếu giao cho Chủ tịch UBND tỉnh thì thực hiện chủ trương này sẽ khó khăn; đề nghị nghiên cứu làm rõ và phù hợp với thực tế.

Ngoài ra, đại biểu Trần Đình Gia cũng góp ý quy định về công bố quyết định thanh tra của dự thảo luật. Theo dự thảo luật, việc công bố quyết định thanh tra bằng văn bản thông báo phải nêu rõ thời gian, địa điểm, thành phần tham dự. Tuy nhiên, theo đại biểu nội dung này quy định đối với các cuộc thanh tra chuyên ngành là chưa phù hợp. Vì đặc thù của các cuộc thanh tra chuyên ngành là để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý, nếu thông báo trước cho đối tượng thanh tra thì dễ xảy ra việc đối tượng tẩu tán, phi tang chứng cứ vi phạm…

Tránh sự can thiệp đối với hoạt động của Đoàn thanh tra

Đại biểu Lê Hữu Trí – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, luật cần thiết kế các biện pháp để bảo đảm vị thế chính trị, tính độc lập gắn với tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ quan thanh tra nhà nước tương xứng với chức trách, nhiệm vụ được giao và nhất là bảo đảm thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đại biểu Lê Hữu Trí – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa phát biểu thảo luận.

Dự thảo Luật quy định vị trí, vai trò của người đứng đầu các cơ quan thanh tra trong việc tham mưu cho thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cung cấp, xây dựng kế hoạch thanh tra, tiến hành thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra và trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc phê duyệt, ban hành kế hoạch thanh tra, kết luận thanh tra và xử lý sau thanh tra. Tuy nhiên, đại biểu Lê Hữu Trí nhấn mạnh, qua thực tiễn hoạt động thanh tra, người đứng đầu cơ quan thanh tra vẫn không độc lập hoàn toàn trong việc xác định đối tượng thanh tra, trong kết luận và kiến nghị xử lý.

Vì vậy, để bảo đảm hoạt động thanh tra được chính xác, khách quan, chống tham nhũng, tiêu cực, có hiệu quả, đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị luật cần quy định rõ các biện pháp tránh sự can thiệp của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, của người đứng đầu cơ quan thanh tra đối với hoạt động của Đoàn thanh tra.

Cụ thể, đại biểu đề nghị bổ sung về xây dựng kế hoạch thanh tra và xử lý kết luận sau thanh tra nếu trong trường hợp người đứng đầu cơ quan thanh tra trình kế hoạch thanh tra hoặc kết luận thanh tra mà thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp không chấp thuận thì ý kiến không chấp thuận phải thể hiện bằng văn bản và nêu rõ lý do không chấp thuận nhằm bảo đảm các quy định tại khoản 3 và khoản 6 Điều 9 được thực hiện nghiêm túc.

Phân định rạch ròi giữa thanh tra hành chính với thanh tra chuyên ngành

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đánh giá cao việc nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật đưa ra thảo luận lần này đã có bước tiến lớn, cơ bản tiếp thu đầy đủ và giải trình xác đáng các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu thảo luận.

Về hoạt động thanh tra chuyên ngành theo quy định dự thảo Luật, cơ quan thanh tra chuyên ngành đều là cơ quan thanh tra nhà nước có thanh tra viên, đồng thời sẽ không còn cơ quan thanh tra chuyên ngành tại các chi cục thuộc Sở. Hoạt động thanh tra chuyên ngành tại địa phương trước đây được thể hiện bởi các chi cục này sẽ được tổ chức thực hiện bởi Thanh tra cấp tỉnh, các Sở. Điều này góp phần bảo đảm tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác thanh tra chuyên ngành.

Tuy nhiên, các nội dung quy định về hoạt động Thanh tra tại chương IV dự thảo Luật chỉ phù hợp với Thanh tra hành chính, chưa thực sự phù hợp với đặc thù của thanh tra chuyên ngành là một nội dung nhưng nhiều đối tượng thanh tra, thời hạn thanh tra ngắn. Do đó, đại biểu đề nghị cần phân định rạch ròi phạm vi hoạt động, đối tượng, trình tự, thủ tục giữa Thanh tra hành chính với thanh tra chuyên ngành nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong chủ động thực hiện công tác thanh tra.

Đồng thời, bên cạnh các tiêu chuẩn chung của thanh tra viên, dự thảo luật cũng chỉ quy định thanh tra viên chuyên ngành phải có kiến thức chuyên môn về chuyên ngành đó, không yêu cầu bắt buộc về chuyên môn được đào tạo. Trong đó, một số lĩnh vực có đối tượng quản lý dụng chuyên sâu như tài nguyên môi trường, lĩnh vực đất đai, môi trường, đa dạng sinh học, khoáng sản, nông nghiệp và phát triển nông thôn có lĩnh vực chuyên ngành thủy sản, thủy lợi, trồng trọt, chăn nuôi…

Điều này dẫn đến khó bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thực chất, tính chính xác, khách quan của công tác thanh tra chuyên ngành. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định về thanh tra chuyên ngành, thành phần Đoàn thanh tra chuyên ngành, tổ chức hoạt động thanh tra chuyên ngành cho phù hợp hơn…

Vũ Cảnh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/can-doc-lap-hoan-toan-trong-viec-xac-dinh-doi-tuong-thanh-tra-trong-ket-luan-va-kien-nghi-xu-ly-128027.html