Cần hiểu đúng và đầy đủ Nghị định 137 về quản lý, sử dụng pháo

Ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo (pháo nổ, pháo hoa) thay thế Nghị định 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 và sẽ có hiệu lực từ ngày 11/1/2021 đã nhận được sự quan tâm từ dư luận. Bài viết sẽ giúp người dân, cơ quan, tổ chức hiểu đúng và đầy đủ về nghị định mới này.

 Công an huyện Cam Lộ kiểm tra số pháo bị bắt giữ tại xã Thanh An vào tháng 12/2020 -Ảnh: T.N

Công an huyện Cam Lộ kiểm tra số pháo bị bắt giữ tại xã Thanh An vào tháng 12/2020 -Ảnh: T.N

Theo khoản 1a, Điều 3, Nghị định 137/2020/ NĐ-CP quy định “pháo bao gồm: pháo nổ, pháo hoa” và chỉ rõ: “Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian”; và “Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ”. Theo Nghị định 137, đây là loại pháo cấm tuyệt đối người dân sử dụng.

Còn tại khoản 1b, Điều 3, Nghị định 137 quy định “sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ” được gọi là pháo hoa. Đây là loại pháo không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người và loại pháo hoa này người dân thường hay sử dụng trong các dịp cưới hỏi, sinh nhật, lễ khai trương… trước khi có Nghị định 137. Loại pháo hoa này hoàn toàn khác loại pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất thường được bắn trong các dịp lễ, Tết hoặc do các đối tượng vận chuyển, mua bán trái phép bị các lực lượng chức năng bắt giữ. Đối với loại pháo hoa không có tiếng nổ, Điều 17, Nghị định 137 quy định như sau: “Cơ quan, tổ chức có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp: Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật” và “Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa”.

Để đảm bảo sử dụng pháo hoa theo đúng quy định thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải đảm bảo ba yếu tố sau: Thứ nhất, chỉ sử dụng pháo hoa trong các trường hợp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Không sử dụng vào các mục đích khác, nếu sử dụng ở nơi công cộng mà gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Thứ hai, người sử dụng pháo hoa phải có đủ năng lực hành vi dân sự, tức là người từ đủ 18 tuổi trở lên không phải là người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ được hành vi hoặc người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản mà Tòa án đã có quyết định tuyên bố là người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Thứ ba, chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng đã được cấp phép kinh doanh pháo hoa. Trường hợp mua, sử dụng pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được phép kinh doanh thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với việc sử dụng pháo hoa nổ thì tại Điều 11, Nghị định 137 quy định “các trường hợp được tổ chức bắn pháo hoa nổ như: Tết Nguyên đán, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày Quốc khánh; kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế…”. Còn các trường hợp khác ngoài quy định do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Các cơ quan, tổ chức khi có nhu cầu sử dụng pháo hoa nổ phải thực hiện theo khoản 2, Điều 10, “Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được phép nghiên cứu, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, cung cấp pháo hoa nổ theo đơn đặt hàng của cơ quan Nhà nước và đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”; đồng thời thực hiện theo đúng trình tự đã được quy định trong nghị định.

Ngoài ra, Nghị định 137 còn có một số quy định mà người dân cần phải tìm hiểu để tránh dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật. Tại Điều 5 quy định 9 hành vi bị nghiêm cấm như: Cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ; cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo; cấm mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ…

Các hành vi liên quan đến sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo có thể sẽ bị xử lý hình sự quy định tại Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể: Người nào sản xuất, buôn bán pháo nổ, pháo hoa nổ từ 6 kg đến dưới 40 kg sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm (Điều 190 - Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ 6 kg đến dưới 40 kg (Điều 191 - Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm)…

Thành Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=154615