Cần hướng nghiệp đúng cho thế hệ trẻ

Mỗi mùa hoa phượng về cũng là lúc mùa thi vào giai đoạn nước rút với những căng thẳng cuộc đua vào lớp 10 trường công lập, rồi sau khi vượt qua áp lực của kỳ thi tốt nghiệp THPT, sĩ tử ngay lập tức lại phải đối mặt với kỳ xét tuyển, kiểm tra, đánh giá năng lực để mở cánh cửa vào các trường đại học.

Không chỉ học sinh mà cả cha mẹ và các thầy, cô giáo đều chung tâm trạng lo lắng, trải qua những nỗi niềm không biết tỏ cùng ai khi phải chọn lựa, định hướng con đường tương lai cho con em mình.

Vào đại học không phải là con đường duy nhất đi tới thành công.

Vào đại học không phải là con đường duy nhất đi tới thành công.

Khi xã hội quá coi trọng bằng cấp thì tâm lý khoa cử sẽ càng thêm nặng nề. Văn hóa "học để làm quan", "học để lấy bằng" vẫn đang quá ám ảnh xã hội Việt Nam. Hầu hết mọi người đều có chung suy nghĩ cầm trong tay tấm bằng kỹ sư, cử nhân thì không khó kiếm việc làm, lập nghiệp và quan trọng nhất là có bằng sẽ có cơ hội thăng tiến. Bởi vậy, nhiều người quyết chí và tìm mọi cách cho con vào đại học và tiếp tục khuyến khích, tạo mọi điều kiện để học lên thạc sĩ, tiến sĩ, thay vì chọn ngành phù hợp với năng lực và sự yêu thích của các em. Vì vậy, nếu không vào được lớp 10, không tốt nghiệp được THPT và khi cánh cửa đại học không mở ra cho con em mình thì sẽ ra sao? Đây có lẽ là câu hỏi làm nhiều bậc phụ huynh đau đầu nhất.

Thực tế lại không như những gì họ mong đợi. Thực trạng hiện nay cho thấy sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường thất nghiệp khá cao và không ngừng gia tăng số lượng. Nếu trước đây, các ngành "hot" như ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin... dễ xin việc thì nay lại là ngành thừa nhân sự nhất. Ngược lại, không ít "đại gia", chủ của các tập đoàn lớn nhưng không hề học qua đại học. Cũng có không ít người dù không có tấm bằng nào trong tay nhưng vẫn tìm được đường đi cho mình và có vị trí trong xã hội.

Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy ở mọi tầng lớp, địa vị, tuổi tác, dân tộc nhiều người đạt được thành công, danh vọng, đó là những người thợ thủ công tài hoa, người công nhân "có bàn tay vàng", người nông dân xuất sắc, những vận động viên điền kinh đẳng cấp quốc tế, những doanh nhân thành đạt, những nghệ sĩ, ca sĩ được số đông thừa nhận và những nhà văn có sức ảnh hưởng lớn... Họ đều là tinh hoa của đất nước. Điều này chứng tỏ rằng, một người bình thường, không cần học cao nhưng vẫn luôn có thể trở thành tinh hoa trong nghề nghiệp của mình nếu như cá nhân ấy không ngừng học hỏi, phấn đấu, có đam mê và quyết tâm biến những ước mơ của mình thành sự thật.

Đã đến lúc xã hội cần phải thay đổi tư duy, suy nghĩ tích cực, bởi còn rất nhiều ngành, nghề khác mở ra cánh cửa thành công cho con cái các bạn. Không có gì bất thường khi những học sinh học giỏi, có năng lực vẫn lựa chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS, THPT và không còn hiếm sinh viên đã tốt nghiệp đại học vẫn chuyển sang học một nghề để tạo lợi thế khi bước vào đời.

Vấn đề đặt ra là cần xác định và định hướng tương lai cho thế hệ trẻ phải hài hòa, phù hợp với năng lực. Hơn lúc nào hết, gia đình, nhà trường và toàn xã hội đều có trách nhiệm định hướng tương lai cho thế hệ trẻ trên cơ sở đồng cảm, sẻ chia, thấu hiểu và tôn trọng. Người đi trước có thể gợi mở cho thế hệ đi sau những điều cần làm và những điều không nên làm để họ tự do lựa chọn; khơi dậy ở các em niềm đam mê tìm tòi, khám phá, thấu hiểu được bản thân, để qua đó rèn luyện ý chí, bản lĩnh, sức sáng tạo và những năng lực tiềm ẩn, biến chúng thành động lực để hành động nhằm tạo ra những giá trị của chính mình. Giống như cái cây thường xuyên được chăm bón để lớn lên và phát triển ra mọi phía tùy theo khuynh hướng của sức mạnh bên trong nó, cái sức mạnh làm cho cái cây khỏe mạnh, tốt tươi.

Ai cũng có ước mơ, ai cũng mong thành đạt, nhưng học lên cao không phải là con đường duy nhất để thành công, không phải là hình thức duy nhất để khẳng định giá trị, không phải là mục tiêu duy nhất của con người. Tạo hóa rất công bằng, trao cho mỗi con người một khả năng và kèm theo đó là những cơ hội để đảm bảo mỗi người sinh ra đều có thể tồn tại và phát triển, cùng nhau tạo nên một xã hội cân bằng, lành mạnh.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc định hướng tương lai cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/can-huong-nghiep-dung-cho-the-he-tre-i731984/