Cần làm rõ các cao trình của hồ Đại Lải để kết hợp việc xây dựng công trình phục vụ du lịch

Hồ Đại Lải được thiết kế và xây dựng từ những năm 1959 – 1960, lúc đó những nhà thiết kế, xây dựng chỉ mới hình dung đây là một hồ chứa thủy lợi phục vụ tưới nước cho 2.700 – 2.900ha đất nông nghiệp.

Năm 1996, khi Phó Thủ tướng Phan Văn Khải và Phó Thủ tướng Trần Đức Lương cùng các Bộ, ngành Trung ương làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc về tình hình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh, tư tưởng của các vị lãnh đạo, chuyên gia các Bộ, ngành, các nhà quy hoạch cho rằng: Hồ Đại Lải có nhiều điều kiện về địa lý, tự nhiên có thể trở thành một khu du lịch, nghỉ dưỡng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa của tỉnh Vĩnh Phúc. Từ đó nhiều văn bản của các cơ quan Trung ương, của tỉnh tập trung cho việc quy hoạch xây dựng hồ Đại Lải trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng. Xuất phát từ quan điểm đó nhiều nghiên cứu, văn bản trước đây ngoài việc tập trung cho hồ chứa phục vụ công tác thủy lợi một cách có hiệu quả còn phải kết hợp việc đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc phục vụ cho công tác du lịch, nghỉ dưỡng, đặc biệt trong việc sử dụng các cao trình của hồ một cách hợp lý và khoa học.

Như vậy, chức năng của hồ Đại Lải ngoài nhiệm vụ phục vụ thủy lợi còn là nơi xây dựng các công trình kiến trúc phục vụ nghỉ dưỡng và du lịch, ngoài ra còn có thể sử dụng một phần nguồn nước mặt để cấp nước sinh hoạt cho thị xã Phúc Yên và trong khu du lịch hồ Đại Lải.

Qua nghiên cứu Kết luận kiểm tra các hoạt động trong phạm vi hồ chứa Đại Lải, do Tổng cục Thủy lợi ban hành số 253/KL-TCTL-PCTTr ngày 20/02/2020, chúng tôi thấy cần phải làm rõ một số số liệu để tránh hiểu lầm và gây bức xúc dư luận.

Trước hết, cho đến nay, các mốc cắm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi của hồ Đại Lải không còn ngoài thực địa và cũng không có bản vẽ cắm mốc giới kèm theo, vì vậy để đánh giá các cao trình của hồ Đại Lải là thiếu cơ sở pháp luật. Mặt khác, hơn 10 năm đã qua tình hình thời tiết khí hậu, điều kiện tự nhiên, thiên nhiên khu vực hồ Đại Lải có nhiều thay đổi, vì vậy việc xác định các cao độ trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi cũng có nhiều biến động. Như vậy, những nhận xét về vấn đề này cũng thiếu cơ sở pháp luật và thực tiễn?

Trong mục II - một số quy định về pháp luật của thủy lợi, Kết luận kiểm tra nêu: Phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải tính từ đường biên có cao trình bằng cao trình đỉnh đập (+23m) trở xuống phía lòng hồ. Vùng ngập thường xuyên của hồ chứa nước Đại Lải là vùng mặt đất của lòng hồ nằm từ cao trình MNDBT (+21.50m) trở xuống. Vùng bán ngập của hồ được tình từ cao trình MNDBT (+21.5m) đến cao trình nước lũ kiểm tra (+22.5m).

Trong điều kiện các mốc cắm không còn, bản đồ cắm mốc không thấy, những thay đổi về điều kiện thời tiết, khí hậu, thiên nhiên như phân tích ở trên, vậy những cao trình được ghi trong Kết luận của Tổng cục Thủy lợi liệu có đủ cơ sở pháp luật và thực tiễn không?

Mặt khác để đánh giá về thực tiễn tình hình sử dụng mặt nước, đất đai xung quanh hồ Đại Lải cũng cần phải nghiên cứu những văn bản trước đây mà UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành để đánh giá một cách khách quan, toàn diện.

Được sự chỉ đạo của Chính phủ cùng các Bộ, ngành, ngày 12/8/2005, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 2206/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chung khu du lịch Đại Lải, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn từ 2005 đến 2020, tỷ lệ 1/5000. Trong mục 3-2-3.Cây xanh có ghi: “Khu vực bán ngập từ cao độ 18 – 21m cũng sẽ tận dụng để trồng cây xanh”.

Trong xây dựng hạ tầng có quy định “xây dựng tuyến đường nối Motoray chạy vòng quanh hồ phục vụ cho khách thăm quan du lịch với tổng chiều dài là 10km…”.

Ngày 24/2/2005, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Văn bản số 06/BC-UB báo cáo về việc ảnh hưởng của các dự án đầu tư khu vực lòng hồ Đại Lải tới khả năng trữ nước của hồ Đại Lải, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc gửi cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp. Trong báo cáo nêu rõ một số dự án như:

Dự án quy hoạch chi tiết khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt tại Quyết định số 738/QĐ-CT ngày 5/3/2004 có quy mô xây dựng và 30,1ha. Trong đó có đất bán ngập từ cao trình +19m trở xuống là 11,2ha. Khu đất này hiện trạng là trồng cây lâm nghiệp, có một số ít nhà tạm cấp 4, còn lại trồng cây ăn quả và cây lâu năm.

Dự án xây dựng khu du lịch sinh thái Đại Lải quốc tế Hùng Vương được UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định chấp thuận đầu tư và giao đất tại Quyết định số 1684/QĐ-UB ngày 2/5/2003 giao cho Công ty Đầu tư xây dựng và hợp tác quốc tế Hùng Vương. Quy mô đất xây dựng dự án là 96,11ha. Trong đó đất nông nghiệp có đất bán ngập từ cao trình cos+21.5 – cos+1900 là 29,66ha.

Dự án sân golf Đại Lải được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận đầu tư giao đất tại Quyết định 4294/QĐ-UB ngày 11/11/2003 cho Công ty TNHH Đại Lải để xây dựng sân golf và tổ hợp văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí và nghỉ mát. Quy mô đất xây dựng dự án là 298.85ha. Đất bán ngập từ cos+21.5 – cos+15.10 là 29.49ha.

Trong báo cáo cho rằng: Khi xây dựng xong 3 dự án nêu trên và đi vào hoạt động thì tổng dung tích nước của hồ chứa bị mất đi do công trình chiếm chỗ là 493.220,5m3 bằng 1,94% dung tích hữu ích của hồ chứa nước. Không làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp kể cả những năm thời tiết khắc nghiệt.

Ngày 15/6/2006, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 1899/QĐ-CT về việc phê duyệt dự án nâng cao khả năng khai thác, tổng hợp hồ chứa nước Đại Lải, thị xã Phúc Yên. Trong quyết định này nêu rõ về hiện trạng mực nước hồ Đại Lải: Mực nước chết: +14,3m; Mực nước dâng bình thường: +21,5m; Mực nước siêu cao: +22,3m; Cao trình ngưỡng tràn:+18,5m; Cao trình đỉnh đập:+23,00m. Với diện tích tưới bình quân của hồ là 1.200ha bằng 43 – 45% so với thiết kế ban đầu.

Qua đánh giá khả năng khai thác nước của hồ phục vụ cho thủy lợi. Trong quyết định đã nêu: Do nhu cầu dùng nước giảm, hồ làm việc theo cơ chế điều tiết mùa, có thể chọn MNDBT của hồ là +18,5m bằng với cao trình ngưỡng tràn; Mực nước chết +16,8m tương ứng với diện tích mặt hồ là 327,5ha; Mực nước dân bình thường +18,5m tương ứng với diện tích mặt hồ là 390,5ha.

Về giải pháp trong lĩnh vực thủy lợi: Yêu cầu các dự án đầu tư xây dựng và khai thác du lịch trong khu vực hồ Đại Lải thực hiện:

Cao trình khống chế nền các công trình kiến trúc không thấp hơn mực nước dân bình thường +21,5m.

Đất đai vùng ven lòng hồ trong phạm vi dự án (vùng bán ngập) được phép sử dụng từ đường bình độ +19m trở xuống.

Phần đất san nền của các dự án từ cao trình +14,59m - +22,3m được đào đắp tại chỗ để không làm thay đổi dung tích hồ.

Trước đó, việc ban hành quyết định phê duyệt dự án nâng cao khả năng khai thác tổng hợp hồ chưa nước Đại Lải, thị xã Phúc Yên đã được xin ý kiến bằng Tờ trình số 1182/TT-UB ngày 29/4/2005 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngày 5/5/2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có Văn bản số 1871CV/BNN-TL “về việc nâng cao khả năng khai thác tổng hợp công trình hồ chưa nước Đại Lải”.

Có thể nói trong việc xây dựng hồ Đại Lải thành khu du lịch, nghỉ dưỡng kết hợp với hồ chứa nước phục vụ nông nghiệp đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện theo sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đã thực hiện phối hợp với các Bộ, ngành đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để lập quy hoạch xây dựng và một số dự án cụ thể.

Như vậy, khi thực hiện kiểm tra, thanh tra phải căn cứ vào các văn bản như đã nêu và những tài liệu khác có liên quan về những cao trình chuẩn, đã được thống nhất của hồ Đại Lải cùng thời kỳ để làm cơ sở cho việc thanh kiểm tra. Việc cần thiết phải sớm thực hiện là các cơ quan quản lý Nhà nước về thủy lợi cần phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc để thực hiện việc cắm mốc bảo vệ lòng hồ theo quy định của pháp luật về thủy lợi, theo tình hình thực tế về điều kiện khí hậu thủy văn hiện tại kết hợp với việc đầu tư xây dựng hồ Đại Lải thành khu du lịch, nghỉ dưỡng.

Duy Nguyên

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/can-lam-ro-cac-cao-trinh-cua-ho-dai-lai-de-ket-hop-viec-xay-dung-cong-trinh-phuc-vu-du-lich-288332.html