Cần một trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có trường học chuyên biệt dành riêng cho trẻ khuyết tật. Vì vậy, nhiều gia đình có trẻ khuyết tật mong muốn sẽ có trường học chuyên biệt để con em họ được nuôi dạy, chăm sóc, có cơ hội tiếp cận giáo dục, tăng khả năng nhận thức, sớm được hòa nhập cộng đồng và giúp giảm gánh nặng cho gia đình.

Do chưa có trường học chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật, nên em Linh Thị Hồng, học sinh Trường tiểu học Ngọc Thanh C, thành phố Phúc Yên gặp nhiều khó khăn trong học tập. Ảnh: Trà Hương

Do chưa có trường học chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật, nên em Linh Thị Hồng, học sinh Trường tiểu học Ngọc Thanh C, thành phố Phúc Yên gặp nhiều khó khăn trong học tập. Ảnh: Trà Hương

Ngay từ khi sinh ra, em N.T.B sinh năm 2014 (thành phố Vĩnh Yên) có những biểu hiện bất thường như khuyết 1 đốt ngón tay, đồng tử không đồng đều, linh hoạt… Nhận thấy những bất thường đó, gia đình đưa B đi khám, xét nghiệm và được bác sĩ kết luận em mắc hội chứng Down và tim bẩm sinh.

Hiện gia đình đang cho B học hòa nhập cộng đồng tại Trường tiểu học Khai Quang. Tuy nhiên, B thường xuyên nghịch ngợm, không tập trung học tập; thậm chí thường xuyên trốn sang ngồi chơi ở lớp khác khiến việc quản lý, giảng dạy của giáo viên gặp nhiều khó khăn và gây ảnh hưởng đến việc học tập của các bạn trong lớp. Gia đình B rất mong muốn có một môi trường phù hợp để B có thể được học tập, vui chơi cùng bạn bè.

Theo khảo sát của Sở GDĐT, toàn tỉnh có gần 2.500 trẻ khuyết tật được đi học hòa nhập. Trên thực tế vẫn còn nhiều trẻ khuyết tật chưa được đến trường do nhiều nguyên nhân. Chủ yếu do tâm lý phụ huynh sợ con đi học sẽ bị các bạn kỳ thị, trêu chọc ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của trẻ.

Bên cạnh đó, hầu hết đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy trẻ khuyết tật trong các trường công lập chưa được đào tạo về chuyên ngành giáo dục đặc biệt, thiếu kỹ năng xử lý các tình huống xảy ra, do vậy cũng không đảm bảo được điều kiện học tập, hòa nhập cho trẻ. Những khó khăn này chỉ có thể được khắc phục khi các em được học tập tại những ngôi trường chuyên biệt dành riêng cho trẻ khuyết tật.

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí là một trong những cơ sở thành lập đầu tiên phát triển công tác giáo dục đặc biệt trên địa bàn tỉnh. Hiện trung tâm dạy và chăm sóc hơn 100 trẻ tự kỷ, chậm phát triển với 4 cơ sở ở các huyện, thành phố.

Giám đốc trung tâm Nguyễn Thị Việt Hà cho biết: "Đối với nhóm trẻ khuyết tật cần phải có một môi trường riêng biệt, trước khi trẻ được nhận sẽ phải khám, đánh giá và đưa ra những giáo trình cụ thể với từng dạng tật và khả năng nhận thức của trẻ.

Bên cạnh đó, môi trường học tập của trẻ khuyết tật cũng cần có cơ sở vật chất được thiết kế riêng với những vật dụng, trang thiết bị an toàn để đảm bảo trẻ không bị thương trong quá trình vui chơi, học tập. Có môi trường học tập như vậy, các em sẽ có điều kiện để thể hiện tối đa khả năng của mình”.

Những năm qua, cùng với sự phát triển giáo dục nói chung, công tác giáo dục trẻ khuyết tật của tỉnh cũng được quan tâm. Nhiều cơ sở, trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật đã bước đầu được hình thành, trẻ khuyết tật đã có nhiều cơ hội được đến trường hơn.

Điển hình như Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đang triển khai mô hình thí điểm can thiệp trị liệu cho 27 trẻ tự kỷ. Tại đây, các em được khám sàng lọc dạng tật, lập kế hoạch bài giảng hỗ trợ phục hồi theo từng trẻ; đồng thời, trẻ được cán bộ thường xuyên thăm khám, lập chế độ dinh dưỡng riêng phù hợp.

Ngoài ra, một số lớp, cơ sở, trung tâm của tư nhân về hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cũng được thành lập như Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí (4 cơ sở tại các huyện, thành phố Lập Thạch, Bình Xuyên, Vĩnh Yên, Phúc Yên) và Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập An Tuệ (thành phố Vĩnh Yên), lớp học riêng cho trẻ khuyết tật của Trường mầm non tư thục Thanh Nhàn, huyện Vĩnh Tường.... tạo cơ hội cho hàng trăm trẻ khuyết tật có cơ hội được đi học.

Tuy nhiên, tại các cơ sở, trung tâm này hoạt động chủ yếu trợ giúp trẻ khuyết tật dạng nhẹ như chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ ở độ tuổi mầm non và tiểu học. Nhiều trẻ khuyết tật nặng có nhu cầu đi học nhưng không đủ điều kiện cơ sở vật chất dành riêng cho khuyết tật nặng.

Ngoài các cơ sở, trung tâm tư thục này, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở giáo dục công lập dành riêng cho học sinh khuyết tật nặng giúp các em có cơ hội tiếp cận giáo dục, hòa nhập cộng đồng và đáp ứng nhu cầu gửi trẻ khuyết tật đi học của người dân.

Với mục tiêu 85% trẻ khuyết tật phổ tự kỷ ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục theo chương trình “Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030”, Sở GDĐT đang xây dựng Đề án thành lập trường chuyên biệt dành riêng cho đối tượng học sinh khuyết tật ở cấp tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn tỉnh.

Đề án được UBND thông qua sẽ góp phần huy động tối đa số lượng trẻ khuyết tật được tiếp cận giáo dục, đảm bảo chất lượng giáo dục cho các em và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của toàn xã hội.

Hương Giang

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/74317/can-mot-truong-chuyen-biet-danh-cho-tre-khuyet-tat.html