Cần nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố

Theo khảo sát, hiện tất cả các dự án đầu tư, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Giang đều xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường; đây là nguồn gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường sống của người dân, cũng như cảnh quan đô thị.

Hệ thống xử lý nước sạch của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Hà Giang thường xuyên được kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm.

Hệ thống xử lý nước sạch của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Hà Giang thường xuyên được kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm.

Hiện, trên địa bàn thành phố có 247 dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó: 194 dự án đầu tư, cơ sở sản xuất kinh doanh đã thực hiện thủ tục bảo vệ môi trường (BVMT); 53 dự án đầu tư, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa thực hiện thủ tục BVMT. Đặc biệt, một số dự án đầu tư không có thủ tục về môi trường, như: Dự án đầu tư Khu đô thị mới Hà Sơn, tổ 17 phường Nguyễn Trãi do Công ty Cổ phần đầu tư Trung Quý Bắc Ninh làm chủ đầu tư; Dự án đầu tư Khu đô thị tổ 1, 2 phường Quang Trung do Công ty Hà Thanh Phúc làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và một số cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, nhà hàng, hiệu rửa xe ô tô...

Tại Dự án đầu tư Khu đô thị mới Hà Sơn và Khu đô thị tổ 1, 2 phường Quang Trung, mỗi khi mưa lớn, hàng nghìn m3 nước xả xuống các trục đường, làm tắc hệ thống cống thoát nước, tràn vào trụ sở các cơ quan và nhà dân. Người dân sống 2 bên đường Nguyễn Trãi, thuộc tổ 17, phường Nguyễn Trãi cho biết: Từ khi triển khai Dự án Khu đô thị Hà Sơn, mỗi khi mưa lớn, nước chảy xối xả qua đường, tràn vào nhà, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, kinh doanh của những hộ dân. Còn tại Khu phố ẩm thực, tổ 1, phường Quang Trung, hầu như các nhà hàng đều xả trực tiếp nước chưa qua xử lý xuống sông Lô.

Thực trạng trên, khiến người dân thành phố lo ngại về chất lượng nước sinh hoạt? Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trần Đình Thinh, Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Hà Giang cho biết: Nguồn nước cung cấp cho thành phố được bơm từ sông Miện, chất lượng đầu vào khá tốt; nước sinh hoạt đến được với người dân phải trải qua các bước xử lý đúng theo quy định của Bộ Xây dựng như: Từ điểm lấy nguồn nước mặt cách 200 m về thượng nguồn và 100 m về hạ nguồn không có các công trình xây dựng, xả nước thải, nước chăn nuôi, tắm giặt... Đối với nguồn nước ngầm xung quanh bán kính 25 m không có các công trình xây dựng, hố phân, rác, hố vôi, chăn nuôi, đổ rác...

Đồng chí Nguyễn Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Hàng tháng, Trung tâm đều cử cán bộ đến bể chứa chung của Nhà máy nước sông Miện (Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Hà Giang) lấy mẫu nước sinh hoạt về xét nghiệm; nếu đạt các tiêu chuẩn mới được cung cấp cho nhân dân.

Nhằm BVMT sinh thái, hạn chế ô nhiễm nguồn nước, thành phố Hà Giang đã tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT đối với các dự án đầu tư xây dựng và các cơ sở sản xuất kinh doanh; xử lý nghiêm các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về BVMT.

Thành phố Hà Giang là đô thị nhỏ, đang trong thời kỳ phát triển, mức độ ô nhiễm môi trường, nguồn nước còn ở ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc xả thải của các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà hàng, khách sạn, bệnh viện; đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc BVMT, nguồn nước...

Bài, ảnh: VĂN NGHỊ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/201910/can-nang-cao-y-thuc-bao-ve-nguon-nuoc-sinh-hoat-tren-dia-ban-thanh-pho-750926/