Cân nhắc cơ cấu lại danh mục tài sản

Kể từ ngày 1/1/2020, Thông tư 41/2016/TT-NHNN sẽ chính thức có hiệu lực thi hành và các ngân hàng sẽ phải áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II. Tuy nhiên đến nay NHNN mới có quyết định chấp thuận áp dụng Thông tư số 41/2016/TT-NHNN đối với 11 NHTM.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Năng lực chất lượng cao về quản trị rủi ro đủ khả năng triển khai các yêu cầu của Basel II là một thách thức không nhỏ. Xung quanh vấn đề này, Thời báo Ngân hàng đã có trao đổi nhanh với TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).

Để áp dụng những tiêu chuẩn của Basel II, theo ông vướng mắc mà các ngân hàng đang gặp phải là gì?

Trước hết, phải khẳng định rằng thực hiện Basel II là một công việc rất lớn, dài hạn và tốn nhiều nguồn lực, trong đó việc một số ngân hàng đủ điều kiện có thể áp dụng Thông tư 41 chỉ là một phần trong tiến trình thực thi hoàn toàn theo Basel II. Basel II yêu cầu các nhà băng thực hiện các phương pháp đo lường rủi ro tiên tiến. Điều này đòi hỏi các nhà băng phải chuẩn bị một nền tảng công nghệ thông tin và nền tảng dữ liệu tốt để phục vụ xây dựng những mô hình theo chuẩn mực Basel II.

Đơn cử, thu thập dữ liệu sẽ phục vụ cho việc tính xác suất vỡ nợ của khách hàng. Song thực tế, có không ít ngân hàng trong công tác phân loại nợ không có chuẩn mực từ trước, làm thay đổi dữ liệu gây khó khăn cho việc tính xác suất vỡ nợ - cơ sở để tính rủi ro về tín dụng. Yêu cầu về thông tin khách hàng, thông tin về tài sản bảo đảm thường phải phản ánh được đặc tính hành vi đa số khách hàng theo phân khúc ngân hàng lựa chọn. Nên việc lưu trữ các thông tin dạng này theo yêu cầu Basel II tối thiểu phải từ 3-5 năm. Thu thập dữ liệu chuẩn xác chính là trở ngại của nhiều ngân hàng trước khi có thể áp dụng triển khai Thông tư 41, chưa kể tới hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng phải đáp ứng được sự thay đổi phù hợp.

Tôi cũng lưu ý rằng, việc một ngân hàng sẵn sàng áp dụng Thông tư 41 và được NHNN chấp thuận không đồng nghĩa với việc trên thực tế, nhà băng đó sẽ chắc chắn đảm bảo được hệ số an toàn vốn (CAR) 8%, bởi để xác định được còn phải qua quá trình kiểm tra.

Ông vừa nhắc tới việc đảm bảo hệ số CAR 8%. Vậy theo ông, để đảm bảo hệ số CAR này, các ngân hàng cần phải làm gì?

Khi áp dụng Basel II, tài sản có rủi ro của ngân hàng sẽ tăng đáng kể, khiến hệ số CAR giảm. Khi đó, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với bài toán: Hoặc là phải tăng vốn, hoặc phải giảm tài sản có rủi ro, tối ưu hóa danh mục để cải thiện hệ số CAR. Nếu so sánh giữa việc tăng vốn cấp 1 và cấp 2 thì dường như việc tăng vốn cấp 2 với một số ngân hàng có vẻ dễ dàng hơn.

Thời gian qua cũng không ít ngân hàng lựa chọn phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 bên cạnh việc không chia cổ tức, trả cổ tức bằng cổ phiếu... nhằm tăng vốn điều lệ. Song việc phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 vẫn chỉ là các biện pháp tạm thời. Việc tìm tới các nhà đầu tư ngoại để có thể tăng vốn cấp 1 mới là giải pháp hiệu quả, nhưng cũng không đơn giản. Thực tế cho thấy, các ngân hàng đã có khá nhiều giải pháp đa dạng để tăng vốn, nhưng quan trọng vẫn ở việc phần vốn tăng đó được sử dụng thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.

Vậy có giải pháp khả thi nào ở thời điểm này để ngân hàng áp dụng Basel II?

Nếu xét về thứ tự ưu tiên, tôi cho rằng việc ngân hàng nỗ lực để gia tăng lợi nhuận để có thể tăng được vốn cấp 1 là mỹ mãn nhất, không quá phụ thuộc vào yếu tố khách quan. Tiếp sau đó, các nhà băng cần cân nhắc để cơ cấu lại danh mục tài sản Có với những tài sản có hệ số rủi ro thấp hơn, giảm thiểu rủi ro.

Sở dĩ tôi cho việc cơ cấu lại danh mục tín dụng đứng thứ hai vì đây là việc các ngân hàng phải lựa chọn. Bởi khi cơ cấu lại danh mục, loại bỏ một số món nợ có rủi ro cao đồng thời cũng sẽ phải từ bỏ một phần lợi nhuận. Đó là bài toán mà nhà băng phải có sự cân nhắc thận trọng và kỹ lưỡng.

Minh Khôi thực hiện

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/can-nhac-co-cau-lai-danh-muc-tai-san-92991.html