Cân nhắc việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020

Sáng 15-5, tại phiên họp thứ 45, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020.

Quang cảnh phiên họp.

Theo báo cáo của Chính phủ, qua 4 tháng đầu năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 491,38 nghìn tỷ đồng, bằng 32,5% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân là do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh do gặp khó khăn về thị trường, gián đoạn nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào, cầu hàng hóa, dịch vụ sụt giảm mạnh…, tạo sức ép ngày càng lớn đến thu ngân sách nhà nước.

Trên cơ sở dự báo tình hình, rà soát và tính toán, Chính phủ dự kiến hai kịch bản tăng trưởng cho năm 2020. Kịch bản 1: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch là từ nửa cuối tháng 4-2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam là trong quý III-2020, theo đó, dự kiến GDP tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019; Kịch bản 2: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch là từ nửa cuối tháng 4-2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam là trong quý IV-2020, theo đó, dự kiến GDP tăng khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan. Dự kiến, chỉ tiêu GDP tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%), nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn. Trong trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, Chính phủ phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%.

Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu cũng được dự kiến điều chỉnh gồm: Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4% (trước đây là dưới 4%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%); tổng số thu ngân sách nhà nước giảm 163 nghìn tỷ đồng so với dự toán được giao; bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra); tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra)…

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp.

Cho ý kiến về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Chính phủ tập trung khai thác tối đa chủ trương “biến nguy thành cơ” và tính toán các phương án phát triển dài hạn, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường nước ngoài; đồng thời tăng cường cải cách hành chính trong thu hút đầu tư, giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông...

Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy đề nghị Chính phủ đề ra những nhận thức mới về quản trị quốc gia trong bối cảnh việc phát triển kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 vào chỉ đạo, điều hành.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa vấn đề giải ngân vốn đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia, bảo đảm an ninh nguồn nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu quan điểm cần đánh giá kỹ tác động trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đến Việt Nam.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Chính phủ nên cân nhắc kỹ việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách năm 2020 và có tờ trình cụ thể, phân tích rõ về vấn đề này.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các báo cáo đánh giá và đề xuất của Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá lại một số vấn đề tác động đến phát triển kinh tế - xã hội; các chính sách tài chính; vấn đề giáo dục, y tế, quốc phòng - an ninh… Đặc biệt, nếu cần, Chính phủ phải xây dựng kịch bản thứ 3 với khả năng làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 có thể xảy ra tại Việt Nam và dịch bệnh chưa thể kết thúc trên toàn thế giới, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế…

Mai Hữu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/967465/can-nhac-viec-dieu-chinh-chi-tieu-tang-truong-kinh-te-nam-2020