Cần quyết liệt hơn trong đấu tranh chống buôn lậu đường kính trắng qua biên giới

Trong những tháng đầu năm 2019, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có chiều hướng giảm so với thời gian trước. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu đường kính trắng do Thái Lan sản xuất từ Lào vào Việt Nam diễn biến rất phức tạp.

 Lực lượng Hải quan bắt giữ phương tiện chở đường kính nhập lậu trái phép

Lực lượng Hải quan bắt giữ phương tiện chở đường kính nhập lậu trái phép

Thực tế, tình trạng buôn lậu mặt hàng đường cát không phải mới đây mà đã bùng phát từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, mức độ vi phạm của các đối tượng buôn lậu đường ngày càng tinh vi hơn khiến công tác chống buôn lậu càng khó khăn, tình trạng đường lậu tuồn vào thị trường nội địa ngày càng lớn. Theo thông tin từ Cục Hải quan tỉnh, trong tháng 7/2019, Đội Kiểm soát phòng chống ma túy thuộc đơn vị đã phát hiện, bắt 2 vụ nhập khẩu trái phép 4.800 kg đường kính trắng, vàng có xuất xứ từ Lào, Thái Lan nhập lậu qua biên giới. Cũng trong tháng 7/2019, lực lượng chức năng của Cục Quản lí thị trường tỉnh phát hiện bắt giữ gần 10 vụ vận chuyển đường kính nhập lậu, tịch thu hơn 10 tấn đường kính trắng do Thái Lan sản xuất, xử phạt vi phạm hành chính hàng chục triệu đồng.

Theo thống kê của Cục Hải quan Quảng Trị, trong 7 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng ở Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo phát hiện, bắt giữ 230,65 tấn đường kính nhập lậu qua biên giới. Lực lượng Bộ đội Biên phòng tuyến biên giới phát hiện, bắt giữ 79 vụ buôn lậu đường kính, tịch thu 90 tấn đường. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi với việc tập kết hàng hóa sát khu vực biên giới Lào, lợi dụng địa hình hiểm trở, đêm tối và sơ hở của lực lượng chức năng để thuê cửu vạn gùi, cõng hàng qua biên giới hoặc dùng đò nhỏ vận chuyển hàng hóa qua sông Sê Pôn. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, đối tượng buôn lậu tìm mọi cách để tẩu tán hàng hóa, tập trung đông người ngăn cản lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ, thậm chí tấn công chống trả. Trước đây, các đối tượng buôn lậu dùng thủ đoạn san bớt đường cát nhập lậu vào những bao nhỏ, vận chuyển ban đêm để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện. Hiện nay, đường nhập lậu ngang nhiên vận chuyển bằng xe tải lớn đưa vào trong nước, tại các cửa hàng bán lẻ, các mặt hàng này vẫn nguyên bao, nhãn mác nước ngoài. Thực tế qua công tác chống buôn lậu đối với mặt hàng đường kính cho thấy, các lực lượng chức năng thường khó bắt được chủ đầu nậu mà chỉ bắt được người dân là cửu vạn vận chuyển hàng hóa trên nguyên tắc mất hàng thì phải đền tiền, do đó việc xử phạt gặp nhiều khó khăn.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Đinh Ngọc Thanh, hành vi mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa trên tuyến tiếp giáp giữa Khu thương mại Lao Bảo với nội địa diễn ra phổ biến vẫn là tổ chức thuê người gùi, cõng qua đường tiểu ngạch tập kết, chờ xe chuyển về nội địa tiêu thụ hoặc chia nhỏ, xé lẻ hàng hóa để cất giấu lẫn trong các loại hàng hóa khác. Trên tuyến biên giới khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay, hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới giữa Lào và Việt Nam chủ yếu là gia cố hầm chứa hàng bên trong các phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa xuất nhập khẩu để cất giấu hàng hóa nhập lậu. Tại khu vực trụ sở Đội Kiểm soát Hải quan, các đối tượng bố trí người theo dõi mọi hoạt động của lực lượng Hải quan 24/24 giờ hằng ngày, mọi di biến động của lực lượng Hải quan đều được các đối tượng này thông báo cho các chủ xe, chủ hàng để chủ động trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát. Hoạt động này gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng kiểm soát hải quan. Xác định công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, Cục Hải quan Quảng Trị đã cụ thể hóa các giải pháp đồng bộ bằng các kế hoạch, chuyên đề, chuyên án, các phong trào, đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu mặt hàng trọng điểm như đường kính trắng do Thái Lan sản xuất, thuốc lá điếu ngoại, rượu ngoại, bia Heineken, hàng điện tử…. ; phối hợp bắt giữ các vụ mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các chất ma túy.

Bên cạnh những nỗ lực của các lực lượng chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn biên giới trong đấu tranh phát hiện, bắt giữ các vụ việc vi phạm, thì thực tế nhân lực còn mỏng, dàn trải, thực hiện nhiều nhiệm vụ khiến công tác kiểm tra, kiểm soát còn hạn chế, hàng hóa nhập lậu dễ dàng được vận chuyển trên các phương tiện vào sâu trong nội địa.

Để công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, thời gian tới các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an cần tăng cường công tác trinh sát, nắm tình hình để đấu tranh hiệu quả, tăng cường kiểm tra các phương tiện vận tải trên tuyến Quốc lộ 9. Phối hợp sử dụng các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh quyết liệt đối với các hành động chống người thi hành công vụ. Đồng thời các xã khu vực biên giới cần tăng cường việc tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tay cho buôn lậu, phát huy hiệu quả của các đường dây nóng, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức người dân về chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=141485