Cần sớm có cơ sở dữ liệu
Tại dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, cơ quan soạn thảo đề xuất thu thuế thu nhập cá nhân ở mức 20% tính trên phần lợi nhuận ròng. Như vậy, dự thảo chuyển từ cách tính thuế theo doanh thu (hiện là 2%) sang cách tính theo lãi.
Nhiều ý kiến cho rằng, phương án thu thuế thu nhập cá nhân trên lợi nhuận phù hợp với nguyên tắc công bằng thuế, người lãi ít đóng ít, người lãi nhiều đóng nhiều. Đặc biệt, việc cho phép khấu trừ các chi phí hợp lý như chi phí sửa chữa nhà cửa hay chi phí lãi suất vay ngân hàng… là hoàn toàn hợp lý, bởi hầu hết người mua nhà hiện nay đều phải vay ngân hàng. Điều này khuyến khích minh bạch trong kê khai, giúp cơ quan chức năng kiểm soát thị trường, chống gian lận.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là khó xác định giá mua bán thật, chi phí thật, nhất là với giao dịch diễn ra từ nhiều năm trước. Phương án này cũng dễ phát sinh gian lận như khai giá mua cao để giảm lãi, trong khi việc xác minh rất khó hoặc mất thời gian.
Ngay cả cách thu thuế thu nhập cá nhân hiện hành, bằng 2% giá mua bán bất động sản, cơ quan chức năng cũng khó xác định chính xác giá trị để tính thuế. Thực tế, việc hai bên mua - bán thỏa thuận ghi giá trên hợp đồng thấp hơn giá thực để giảm số thuế phải nộp diễn ra khá phổ biến. Với quy định hiện hành thì nhiều trường hợp đầu tư thua lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân, đi ngược với nguyên tắc "có thu nhập mới chịu thuế".
So sánh giữa hai cách tính thuế trên, cách tính 20% trên lãi ròng là đúng bản chất, vì đánh vào thu nhập thực sự, về lý thuyết sẽ bảo đảm công bằng và phản ánh khả năng nộp thuế. Tuy nhiên, trong thực tế, do hệ thống dữ liệu không đầy đủ, hóa đơn kém minh bạch, tâm lý “giấu giá” còn phổ biến, nên thu 2% giá bán lại thực tế và hiệu quả hơn trong quản lý nhà nước.
Cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính cũng cho hay, việc thu thuế thu nhập cá nhân theo phương pháp 20% trên thu nhập cần có lộ trình phù hợp, bảo đảm đồng bộ với quá trình hoàn thiện các chính sách khác liên quan đến đất đai, nhà ở, hay mức độ sẵn sàng của cơ sở dữ liệu cũng như hạ tầng công nghệ thông tin về đăng ký, chuyển nhượng đất đai, bất động sản... Qua đó, cơ quan thuế có đủ điều kiện, thông tin và cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động chuyển nhượng bất động sản để thu đúng số tiền thuế phải nộp.
Như vậy, cùng với việc nghiên cứu, xây dựng quy định minh bạch, công khai, đúng bản chất sắc thuế, cơ quan chức năng cần bắt tay hoàn thiện các điều kiện để quy định có thể áp dụng được ngay. Ở đây là việc xây dựng cơ sở dữ liệu về bất động sản và giao dịch bất động sản; liên thông, dùng chung các dữ liệu để bất kỳ cơ quan quản lý nào cũng có thể khai thác, đối chiếu, xác minh. Điều này giúp tăng cường quản lý minh bạch, ngăn chặn gian dối, giúp cơ quan quản lý không mất nhiều thời gian, công sức xác minh, đồng thời người dân cũng bớt thủ tục phiền hà, lãng phí.
Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế kiểm soát, ngăn chặn tình trạng “hai giá”, tức là khai giá chuyển nhượng thấp hơn thực tế, hoặc kê khai chi phí tăng cao để giảm lợi nhuận nhằm trốn thuế, theo hướng xử phạt nặng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân liên quan. Có cơ chế ngăn chặn đầu cơ thông qua chính sách thuế, như đánh thuế cao với bất động sản chuyển nhượng trong thời gian ngắn và giảm dần mức thuế với bất động sản sở hữu trong thời gian dài, thậm chí miễn thuế thu nhập với nhà ở chính, tức nhà để ở chứ không nhằm mục đích đầu cơ hay đầu tư. Trong thời gian chuyển tiếp, người dân có thể lựa chọn cả hai cách tính, trên lợi nhuận hoặc trên doanh thu, theo phương án có lợi nhất.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/can-som-co-co-so-du-lieu-710311.html