Cần sớm hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống

Sau nhiều ngày bị ngập trong nước do ảnh hưởng của mưa bão, hàng ngàn héc ta lúa của người dân các địa phương như Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà bị hư hại nặng nề. Những ngày này, nông dân khẩn trương ra đồng thu hoạch diện tích lúa còn lại, trong đó phần lớn bị thối, đen, hạt nảy mầm, chỉ có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm.

 Lúa bị lên mầm chỉ có thể dùng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm

Lúa bị lên mầm chỉ có thể dùng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm

Vừa tranh thủ xúc lúa cất vào bao, chị Nguyễn Thị Bông, ở Đội 4 thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, Gio Linh xót xa nói: “Vụ này vợ chồng tôi làm 1,2 mẫu ruộng. Ảnh hưởng đợt mưa bão vừa rồi khiến toàn bộ diện tích lúa bị ngập sâu. Bây giờ bỏ thì tiếc, thuê máy không gặt được nên tranh thủ nắng lên hai vợ chồng gặt tay. Lúa gặt xong phơi 4 ngày mới đem sấy, nhưng sản phẩm là hạt lúa đen xỉn, lên mầm như thế này, giờ chỉ có thể cất cho gà, vịt ăn. Vợ chồng tôi nói vui rằng vụ này lúa lên “giá”, vậy mà đến gà vịt còn chê, nhiều nhà coi như mất trắng, làm nhà nông mà nay phải chấp nhận mua gạo về ăn”.

Gio Linh là địa phương có khoảng 1.000 ha lúa chưa kịp thu hoạch trước ảnh hưởng cơn bão số 4 vừa qua. Theo báo cáo nhanh của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh, đến thời điểm hiện tại, còn hơn 100 ha lúa chưa gặt thuộc các xã Gio Mai, Gio Thành, Gio Quang, Trung Hải, Gio Phong. Huyện đang đốc thúc các địa phương chỉ đạo người dân hoàn tất việc thu hoạch lúa trong một, hai ngày tới.

Trên những khoảnh ruộng đang thu hoạch dang dở ở các thôn Nhĩ Trung, Nhĩ Hạ, xã Gio Thành, máy gặt hoạt động hết công suất. Đối với nhiều héc ta diện tích lúa bị đổ ngập, không gặt máy được, người dân buộc phải gặt tay. Chủ tịch UBND xã Gio Thành Nguyễn Toàn cho biết: “Trước thời điểm ảnh hưởng mưa bão, xã Gio Thành cơ bản đã gặt xong khoảng 60% trong tổng số diện tích 382 ha lúa vụ hè thu của toàn xã. Gio Thành là địa phương tuân thủ đúng lịch thời vụ, tuy nhiên ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước tưới nên thu hoạch chậm gần một tháng so với các địa phương khác. Thống kê sơ bộ của UBND xã Gio Thành đến thời điểm này, toàn xã có 65 ha lúa bị ngập, khoảng 150 tấn lúa bị hư hỏng lên mầm. Thậm chí đối với nhiều gia đình, thu hoạch số lúa hỏng về, cất công phơi nhưng chưa biết có sử dụng được không. Đối với gia đình anh Nguyễn Đăng Tuấn ở thôn Nhĩ Trung, xã Gio Thành, ngoài đất ruộng vốn có, để mở rộng diện tích anh thuê thêm ruộng sản xuất tổng cộng 1 ha, chi phí đầu tư bình quân mỗi sào là 1,2 triệu đồng. Chưa tính các loại chi phí như giống, phân, thuê máy phay, máy gặt… vụ hè thu này gia đình anh gần như mất trắng với khoảng 1,5 tấn lúa bị lên mầm.

Anh Tuấn cho biết: “Mặc dù hầu hết diện tích lúa chưa kịp thu hoạch bị ngâm nước do ảnh hưởng của mưa bão có thể hư hại nặng nề nhưng “còn nước còn tát”, tôi vẫn thuê máy gặt lúa về phơi, sấy. Tuy nhiên, khi đem số lúa này đi xay thì không xay được, hạt mắc kẹt trong máy vì cọng mầm. Hiện tại chỉ có khoảng một sào diện tích lúa trồng chỗ đất cao, không bị ngâm nước là có thể sử dụng được, còn lại chưa biết tính thế nào vì bán làm thức ăn cho gia súc, gia cầm cũng chưa chắc đã có người mua. Chưa kể phải bỏ chi phí ra trả cho người mình thuê ruộng vì lúa không có mà trả”.

Xã Trung Hải có khoảng 100 ha lúa bị ngập nặng, đến nay còn khoảng 50 ha chưa thu hoạch xong. Theo anh Trương Đức Tâm, cán bộ UBND xã Trung Hải, các thôn đã huy động hội viên phụ nữ tham gia gặt giúp các gia đình neo đơn. Đối với nhiều gia đình, thu nhập từ vụ lúa này “gánh” tiền học đầu năm cho con, nhưng bây giờ lại phải tính đến chuyện bỏ thêm chi phí mua gạo về ăn, chuyện hi hữu đối với người làm nông.

Tại huyện Vĩnh Linh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Diệp Hồng Cương cho biết, toàn huyện có khoảng 350 ha lúa bị ngập sâu, thất thu khoảng 70%. Từ ngày 1/9, các địa phương đã triển khai thu hoạch diện tích lúa ảnh hưởng sau mưa bão với khoảng 650 tấn, phần lớn bị hư hại, chỉ có thể tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Hiện vẫn còn khoảng 250 ha chưa thu hoạch xong, dự kiến đến ngày 15/9, các địa phương hoàn tất việc thu hoạch vụ hè thu.

Cùng với nỗ lực của các địa phương, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh đã tiến hành thu mua lúa tại ruộng giúp nông dân, tránh tình trạng tư thương ép giá. Giám đốc Trung tâm Phạm Xuân Tuyên cho biết, từ ngày 30/8 đến nay, đơn vị đã tiến hành thu mua hơn 1.000 tấn lúa tươi bị ướt cho người dân các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và thành phố Đông Hà. Đồng thời đã huy động nhân lực ngày đêm tổ chức sấy giúp người dân khoảng 400 tấn lúa tươi bị ướt, thu một phần chi phí than, tiền điện, chủ yếu hỗ trợ người dân sấy lúa kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nông dân.

Cùng với việc đốc thúc người dân khẩn trương thu hoạch lúa, các địa phương đang tiến hành thống kê thiệt hại để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=142193