Cần sớm kiểm soát giá kit xét nghiệm và thuốc điều trị Covid-19

Số lượng ca mắc Covid-19 tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố tăng nhanh đã kéo theo nhu cầu về các mặt hàng kit test nhanh Covid-19, thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19… tăng mạnh. Điều này dẫn tới tình trạng khan hàng, tăng giá. Để đảm bảo ổn định thị trường, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt thị trường thiết bị y tế phòng, chống dịch.

Loạn giá kit xét nghiệm, thuốc điều trị Covid-19

Chia sẻ với phóng viên TBTCVN, anh Nguyễn Duy Hải, ở phường Giáp Bát, Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, ngày 1/3, anh ra hiệu thuốc trên đường Kim Đồng mua kit test nhanh Covid-19, sau khi xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR phát hiện người thân dương tính. Anh đã đi mua thêm một số loại thuốc để gia đình thực hiện cách ly và điều trị Covid-19 tại nhà.

“Ngoài chi phí xét nghiệm PCR tại nhà 700.000 đồng mỗi lượt, giờ phải mua thêm những bộ kit xét nghiệm nhanh để mọi người trong nhà kiểm tra thường xuyên cùng vài loại thuốc hỗ trợ điều trị theo hướng dẫn của trạm y tế phường. Đọc trên mạng thì sốt ruột lắm, nhưng các vật dụng y tế mình cần mua ở cửa hàng thuốc đều có sẵn, không khó mua nhưng giá đã nhỉnh hơn trước Tết Nguyên đán. Sau khi mua 10 bộ kit xét nghiệm nhanh và vài loại thuốc mình thanh toán hết gần 2 triệu đồng” - anh Hải chia sẻ.

Bộ Y tế sớm có các giải pháp bình ổn giá mặt hàng kit xét nghiệm

Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính cho biết, hiện Bộ Y tế đang chủ trì tổ chức triển khai để sớm có các giải pháp bình ổn giá mặt hàng kit xét nghiệm theo quy định của pháp luật, nhất là việc tăng cường quản lý theo Nghị định số 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế.

Về giá cả dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2, ngày 18/2/2022, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BYT quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2, thay thế Thông tư số 16/2021/TT-BYT ngày 8/11/2021 và có hiệu lực từ ngày 21/2/2022. Về cơ bản, mức giá dịch vụ quy định điều chỉnh giảm so với mức giá cũ.

Tại Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 được bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá.

Còn theo chị Nguyễn Thị Huyền, ở phường Phương Mai, Đống Đa (Hà Nội), nhà có 3/4 người trong gia đình phát hiện nhiễm Covid-19. Chị đã ra hiệu thuốc gần nhà mua 8 bộ kit xét nghiệm nhanh để về tự thực hiện tại nhà trong những ngày phải cách ly. Chị Hyền cho biết, trước tết giá chỉ 65.000 đồng/bộ, nay cùng loại, cửa hàng đã nâng giá lên 85.000 đồng/bộ, chị thắc mắc thì được chủ cửa hàng nói lý do giá đã tăng trong 1 tháng nay do không có hàng nhập. Chị Huyền ngỏ ý muốn mua thêm thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir, nhưng không có đơn của bác sĩ, nên hiệu thuốc không bán. Sau đó chị lên mạng đặt mua một hộp thuốc của Nga được giới thiệu là điều trị Covid-19 rất hiệu quả với giá hơn 1 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thu Phương - chủ hiệu thuốc trên đường Giải Phóng cho biết, từ sau tết đến nay, cửa hàng của chị luôn tấp nập khách, lượng khách hàng tăng đến 30%, chị phải thuê thêm nhân viên bán hàng. Bên cạnh các loại thuốc thông thường như nước súc miệng, hạ sốt, trị ho, vitamin... thì các loại thuốc điều trị Covid-19, kít xét nghiệm (test) được người dân hỏi mua rất nhiều. Đến nay, mặt hàng kit xét nghiệm nhanh Covid-19 cửa hàng chị cũng đang hết.

“Ngoài nhu cầu thực thì việc người dân lo lắng, mua dự trữ quá nhiều kít xét nghiệm, hoặc các loại thuốc điều trị khiến các mặt hàng trở nên khan hiếm và đẩy giá thành tăng cao. Điều này khiến một số đối tượng bất chấp pháp luật tuồn các nguồn hàng không rõ nguồn gốc về Việt Nam, nếu sử dụng các loại thuốc này rất nguy hiểm với sức khỏe” - chị Phương cho hay.

Qua khảo sát cho thấy, do nhu cầu của người dân gia tăng, nên những ngày gần đây tại Hà Nội xuất hiện dấu hiệu khan hiếm test nhanh Covid-19. Tình trạng này đã khiến giá kit test tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/bộ tùy loại.

Đồng thời, trên nhiều trang mạng xã hội, không khó để tham khảo nhiều loại thuốc của Nga, Trung Quốc… được giới thiệu điều trị Covid-19 hiệu quả với giá cao hơn nhiều thuốc sản xuất trong nước, mặc dù không có trong danh mục thuốc điều trị Covid-19 được Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng. Thậm chí loại thuốc Molnupiravir chỉ được mua tại các nhà thuốc khi có đơn của bác sĩ, nhưng trên các tài khoản mạng xã hội vẫn rất nhộn nhịp người mua bán.

Người dân không nên tích trữ kit xét nghiệm

Theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu mua kit xét nghiệm Covid-19 của người dân tăng cao, để ngăn ngừa hiện tượng buôn bán mặt hàng kit xét nghiệm và các sản phẩm điều trị Covid-19 chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành, có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã yêu cầu cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm.

Để đảm bảo sức khỏe và chi phí, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, người dân không nên quá lo lắng để ngày nào cũng làm xét nghiệm. Bởi vì vi rút cần có thời gian để nhân lên. Vừa tiếp xúc với F0 đã vội vàng xét nghiệm thì kết quả xét nghiệm sẽ không có giá trị. Thậm chí, ngay cả khi xét nghiệm nhanh bị dương tính cũng không nhất thiết phải làm xét nghiệm RT-PCR. Việc xét nghiệm xuất hiện vạch màu đậm hoặc nhạt cũng không nói lên được là lượng vi rút nhiều hay ít, mà phải có ý kiến của các chuyên gia hoặc nhân viên y tế xác định.

“Nếu quá lạm dụng việc xét nghiệm sẽ dẫn tới tình trạng khan hiếm kittest và có thể không bảo đảm cho cuộc chiến chống dịch lâu dài này được” - PGS.TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.

Nhận thấy tình hình trên, Bộ Y tế đã họp với các bộ, ngành có liên quan bàn về vấn đề này; đồng thời họp với khoảng 100 đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm này nhằm tìm giải pháp đáp ứng đủ nguồn cung. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra việc “găm hàng, tăng giá”, xử lý nghiêm vi phạm, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh công khai giá bán buôn, bán lẻ…

Thủ tướng yêu cầu cắt giảm thủ tục mua thuốc điều trị Covid-19

Trước những phản ánh của báo chí liên quan đến thủ tục mua thuốc phòng, chống Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cắt giảm ngay thủ tục hành chính liên quan đến việc mua thuốc phòng, chống Covid-19; căn cứ tình hình thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm các nước để khẩn trương quyết định việc cấp phép nhập khẩu và sử dụng thuốc điều trị Covid-19.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường công tác quản lý giá thuốc, xử lý nghiêm trường hợp đầu cơ, buôn lậu thuốc theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi, không để nhân dân vất vả với quá nhiều thủ tục trong việc tiếp cận và mua thuốc điều trị Covid-19.

Trước đó, báo chí phản ánh thực tế từ thời điểm thuốc Molnupiravir chính thức lên kệ ở các cửa hàng dược phẩm, người mua được không nhiều. Lý do là người dân không đáp ứng đủ quy định như phải có giấy xác nhận F0, có đơn thuốc do bác sỹ ký tên.

Bác sỹ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ cho rằng, bán thuốc kháng virus theo đơn bác sỹ kê là đúng. Nhưng với Covid-19, quy định này trở nên quá khó khăn, nhiêu khê. Bác sỹ nào được quyền kê đơn này, đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể, còn nếu chờ giấy xác nhận F0 của địa phương thì đã muộn, vì thuốc chỉ dùng trong những ngày đầu mắc Covid-19. Do vậy, nên cắt giảm thủ tục nếu không người bệnh vẫn rất khó khăn khi tiếp cận thuốc.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/can-som-kiem-soat-gia-kit-xet-nghiem-va-thuoc-dieu-tri-covid-19-101247.html