Cần thêm nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, chống thiên tai

Trong những năm qua, trước ảnh hưởng nặng nề do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đã có nhiều chính sách, dự án hỗ trợ kinh phí cho người dân, nhất là các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xây dựng nhà ở phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tỉ lệ lớn nhà ở bán kiên cố, không đảm bảo an toàn cho người dân mỗi khi mùa mưa bão đến. Do vậy, cần nhiều hơn nguồn lực hỗ trợ để giúp người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai có được nhà ở an toàn.

 Nhà ở phòng, chống thiên tai được thiết kế phù hợp với tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh: B.B

Nhà ở phòng, chống thiên tai được thiết kế phù hợp với tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh: B.B

Sau ảnh hưởng của các đợt mưa lũ liên tiếp diễn ra vào cuối năm 2020, toàn tỉnh có 3.164 nhà dân bị hư hỏng và 110.842 lượt nhà dân bị ngập nước. Đặc biệt, tại huyện Hướng Hóa có 93 hộ dân buộc phải di dời nhà cửa khẩn cấp đến nơi ở mới. Gia đình chị Hồ Thị Diệu và anh Hồ Ta Poong ở thôn Ta Húc, xã Húc, huyện Hướng Hóa là một trong những hộ dân buộc phải đi lánh nạn ở nơi an toàn trong đợt mưa lũ năm 2020. May mắn đến với gia đình chị Diệu khi được chọn là 1 trong 106 hộ dân trong toàn tỉnh được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở kiên cố nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai từ khoản viện trợ khẩn cấp của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Những ngày cuối tháng 6/2021, được bàn giao ngôi nhà mới kiên cố, vợ chồng chị Diệu không giấu được xúc động. Chị Diệu cho biết: “Gia đình tôi vui lắm, được ở nhà mới an toàn, kiên cố, không còn nỗi lo nhà cửa bị ảnh hưởng do mưa bão như các năm trước nữa. Nếu không nhận được hỗ trợ của dự án thì không biết đến khi nào chúng tôi mới có đủ tiền để làm nhà mới”.

Chia sẻ trước những khó khăn do lũ lụt gây ra trong năm 2020, Ngân hàng ADB đã tài trợ số tiền hơn 14,4 tỉ đồng để xây dựng 106 căn nhà ở kiên cố, nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai nhằm hỗ trợ khẩn cấp giúp cộng đồng khắc phục hậu quả thiên tai tại 22 xã, 64 thôn, bản trên địa bàn 5 huyện của tỉnh Quảng Trị. Trong đó, huyện Hướng Hóa có 37 hộ, Đakrông 38 hộ, Cam Lộ 10 hộ, Gio Linh 11 hộ, Vĩnh Linh 10 hộ. Giá trị hỗ trợ xây dựng mỗi căn nhà từ 92 - 140 triệu đồng/nhà, tùy theo địa bàn, quy mô, hình thức nhà ở (nhà sàn, nhà trệt), số khẩu của hộ, cự ly vận chuyển vật liệu... Mặc dù thi công trong điều kiện khó khăn như địa bàn phân tán, giá cả vật liệu xây dựng tăng cao... nhưng Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh - đơn vị quản lý khoản viện trợ đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ đảm bảo bàn giao nhà cho các hộ dân sớm nhất có thể. Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Lê Quang Lam cho biết: “Đến nay, 106 căn nhà đã cơ bản hoàn thành, được bàn giao cho người dân đưa vào sử dụng đúng theo cam kết đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật và chất lượng. Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa triển khai kế hoạch dài hạn nhằm khắc phục, tái thiết cơ sở hạ tầng, ổn định đời sống Nhân dân sau những thiệt hại nặng nề do đợt thiên tai lịch sử gây ra cho các tỉnh miền Trung cuối năm 2020, trong đó có tỉnh Quảng Trị”.

Số liệu niên giám thống kê tỉnh Quảng Trị năm 2019 cho thấy, trên địa bàn tỉnh tỉ lệ nhà ở kiên cố chiếm khoảng trên 60%, gần 40% là nhà bán kiên cố và đơn sơ, tập trung vùng nông thôn, ven biển. Nhà bán kiên cố chỉ chịu được gió bão cấp 8, nhà đơn sơ chỉ chịu được gió bão cấp 6. Vì vậy, vùng nông thôn và ven biển khi xảy ra gió bão cấp 6 trở lên, các hộ gia đình có nhà đơn sơ phải thực hiện sơ tán trước về nơi trú tránh an toàn. Vùng ven biển các huyện Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh; huyện Cam Lộ, thị xã Quảng Trị và thành phố Đông Hà là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão và lũ lụt. Các huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa lại tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt đất, lũ quét, trong khi người dân thường xây dựng nhà ở các thung lũng, gần nguồn nước nên khả năng tổn thương rất lớn.

Theo khảo sát của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 150 hộ gia đình cần được hỗ trợ khẩn cấp để xây dựng nhà ở kiên cố phòng, chống thiên tai, trong đó có 75 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số cần được ưu tiên hỗ trợ làm nhà sớm nhất có thể trước khi mùa mưa bão đến. Do đó, tỉnh rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành, các tổ chức phi chính phủ tiếp tục kết nối, kêu gọi, ưu tiên bố trí các nguồn hỗ trợ cho người dân để kịp thời xây dựng nhà ở sớm ổn định đời sống và nâng cao năng lực cho cộng đồng trong ứng phó thiên tai.

Về phía địa phương, năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 04/2021/QĐUBND, ngày 9/2/2021 cho phép kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 26/2018/QĐUBND, ngày 15/10/2018 về quy định mức hỗ trợ cho các hộ gia đình và chi phí quản lý chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg, ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến hết năm 2021. Để chủ động ứng phó với thiên tai và sắp xếp chỗ ở ổn định cho người dân tại vùng có nguy cơ cao do thiên tai gây ra trước mùa mưa bão, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động và rà soát những hộ dân sống ở vùng chịu nhiều tác động của thiên tai, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của Nhân dân để sắp xếp, bố trí đến nơi ở mới an toàn trước mùa mưa bão. Bố trí quỹ đất phù hợp cho người dân tại nơi đến làm nhà ở ổn định, đồng thời hỗ trợ sinh kế trước mắt và lâu dài cho các hộ dân.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=158854&title=can-them-nguon-luc-ho-tro-xay-dung-nha-o-phong-chong-thien-tai