Cần Thơ: Dập nát cánh tay do tự làm pháo

Sáng 9/3/2020, tin từ BS.CKII Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc chuyên môn BVĐK TW Cần Thơ cho biết, các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình của bệnh viện vừa điều trị thành công trường hợp dập nát bàn tay do cố ý làm pháo.

Em Nguyễn Văn Quy, 15 tuổi, tỉnh Hậu Giang, nhập viện ngày 2/3/2020. Người nhà em Quy kể, em tự làm pháo, bất ngờ gây nổ làm tổn thương trầm trọng bàn tay trái và được người nhà đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ sơ cứu.

Nhận thấy vượt khả năng chuyên môn nên các bác sĩ nơi đây quyết định chuyển bệnh nhân đến BVĐK TW Cần Thơ (thời gian từ lúc tai nạn tới lúc bệnh nhân được can thiệp phẫu thuật tại BVĐK TW Cần Thơ trong vòng 2 giờ).

Các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình, BVĐK TW Cần Thơ đã nhanh chóng thăm khám và ghi nhận tình trạng em Quy tổn thương phức tạp ở bàn tay trái, vết thương dập nát ngón 1,2,3 kiểu lột găng, mất hết mô mềm, lộ gân xương, vết thương lóc da rộng vùng mặt lưng và mặt lòng bàn tay trái; trong đó đứt gần lìa đốt xa ngón 1 bàn tay trái.

Cháu Quy được kiểm tra sức khỏe vào sáng 9/3/2020. Ảnh: BVCC

Cháu Quy được kiểm tra sức khỏe vào sáng 9/3/2020. Ảnh: BVCC

Đây là tổn thương rất phức tạp, nếu không xử trí kịp thời khả năng cao phải cắt cụt các ngón 1, 2,3 bàn tay trái. Bệnh nhân còn rất trẻ nên nếu cắt bỏ các ngón tay là san chấn về tâm lý của bé và gia đình và đặc biệt là tương lai nghề nghiệp và sinh hoạt về sau này của bé.Đó là điều thôi thúc các bác sĩ suy nghĩ làm thế nào để phẫu thuật bảo tồn được bàn tay của bé.

Ê kíp phẫu thuật gồm, ThS.BS Nguyễn Mạnh Tiến; ThS.BS Lê Minh Dương, BS Thạch Thanh Tùng đã hội chẩn và tiến hành mổ cấp cứu với phương pháp phẫu thuật vi phẫu bảo tồn các ngón 1, 2,3 tay trái bằng, dùng vạt da bẹn che phủ tổn thương để giữ lại các ngón tay cho bệnh nhân trong thời gian phẫu thuật trong 3 giờ.

Hiện nay cháu Quy sức khỏe ổn định, vạt da che phủ ngón 1,2,3 tay trái hồng hào, các ngón đã được bảo tồn. Thành công của phẫu thuật mang lại niềm vui không chỉ cho bệnh nhân, gia đình mà cả tập thể đội ngũ y bác sĩ bệnh viện.

Khi ra viện, cháu Quy theo dõi tái khám và cắt cuống vạt 3 tuần sau mổ, đồng thới, bác sĩ hướng dẫn tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng bàn, ngón tay, và tái tạo lại chức năng gân gấp duỗi các ngón tay.

Theo BS.CKII Huỳnh Thống Em - Trưởng Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình bệnh viện, BVĐK TW Cần Thơ, bàn tay là một bộ phận quan trọng của cơ thể con người.

- Vết thương bàn tay thường phức tạp vì trong một thể tích hẹp chứa nhiều tổ chức quý nên dù tổn thương rất nhỏ nhưng cũng có thể tổn thương nhiều cơ quan khác như da, gân gấp nông, gân gấp sâu, xương, khớp, mạch máu, thần kinh… trong đó chức năng của ngón I bàn tay là quan trọng nhất, đến các ngón II, III, V và IV

- Công tác điều trị rất khó khăn do thương tổn phức tạp, dễ bị nhiễm khuẩn và cùng một lúc phải điều trị nhiều thương tổn (mạch máu, thần kinh, gân, xương, da) để phục hồi cả giải phẫu và chức năng.

- Vạt da che phủ được các bác sĩ vi phẫu áp dụng cho những tổn thương mất da khuyết hổng mô mềm che các tổn thương bảo vệ các cấu trúc còn lại của chi. Trong đó vạt bẹn là một vạt tổ chức nằm ở vùng bẹn.Vạt bẹn có nguồn cấp máu từ động mạch mũ chậu nông và động mạch thượng vị nông là hai mạch máu tiêu biểu cho vùng này. Vạt bẹn dễ ứng dụng và cho kết quả tốt.

- Vạt bẹn có nhiều ưu thế do nguồn chất liệu dồi dào và phù hợp với nhiều nơi nhận trên cơ thể, lại gây tổn thương rất ít tại nơi lấy vạt. Vạt có ưu điểm về chất liệu phong phú, nơi cho vạt được dấu kín, vùng lấy vạt được khâu da trực tiếp và đặc biệt là ưu thế của nó về kết quả thẩm mỹ tại cả nơi nhận vạt và nơi cho vạt với tổn thương nơi lấy vạt ở mức thấp nhất.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/can-tho-dap-nat-canh-tay-do-tu-lam-phao-n169865.html