Cần Thơ khẩn trương kiện toàn bộ máy để vận hành hiệu quả, gần dân, sát dân hơn
Ngày 1/7, sau buổi làm việc với tinh thần dân chủ và trách nhiệm, kỳ họp thứ nhất HĐND thành phố Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021- 2026 đã thành công tốt đẹp.
Tại kỳ họp, Thường trực HĐND thành phố Cần Thơ đã công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Nghị quyết của Thường trực HĐND thành phố về công tác cán bộ, kiện toàn các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND thành phố, phê chuẩn Phó Trưởng ban, Ủy viên các Ban của HĐND thành phố và thành lập Tổ đại biểu, phân công Tổ trưởng, Tổ phó của Tổ đại biểu HĐND thành phố.

Các đại biểu biểu quyết thông qua các Nghị quyết tại kỳ họp.
Các đại biểu HĐND thành phố cũng đã thảo luận và biểu quyết thông qua các Nghị quyết về thành lập các Ban của HĐND, các cơ quan chuyên môn của UBND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố nhằm tạo cơ sở chính trị- pháp lý quan trọng để chính quyền thành phố bước vào giai đoạn hoạt động ổn định, hiệu quả trong thời gian tới. Đồng thời, quyết định giao biên chế công chức, phê duyệt số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách; tạm giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước cho các sở, ngành và địa phương. Đây cũng là vấn đề cấp thiết để hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương sau sắp xếp đảm bảo ổn định.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ Đồng Văn Thanh, kỳ họp thứ nhất diễn ra trong bối cảnh thành phố đang đứng trước yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Kỳ họp thứ nhất HĐND thành phố Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021- 2026.
Trước yêu cầu đó, HĐND thành phố khẳng định quyết tâm đồng hành cùng UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy trí tuệ tập thể, tập trung xây dựng chính quyền liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của cử tri.
“Ngay sau kỳ họp, đề nghị UBND thành phố, các sở, ban, ngành và địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND, nhất là kiện toàn bộ máy chính quyền thành phố để vận hành hiệu quả, gần dân, sát dân hơn và đủ sức giải quyết mọi công việc để phục vụ nhân dân, phục vụ sự phát triển của thành phố. Đồng thời, các vị đại biểu HĐND thường xuyên gắn bó, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và bà con cử tri để phản ánh kịp thời với HĐND thành phố”, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ Đồng Văn Thanh nói.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ Đồng Văn Thanh phát biểu tại kỳ họp.
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh, việc sắp xếp, sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, cấp xã (kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện) trong cả nước là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Thành phố Cần Thơ là một trong những địa phương triển khai sớm và hiệu quả chủ trương này…
Tuy nhiên, cần nhận thức rõ rằng, đi kèm với những cơ hội là không ít khó khăn, thách thức. Tổ chức bộ máy mới đòi hỏi sự nhanh chóng ổn định; tâm tư, tình cảm của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần được quan tâm lắng nghe và chia sẻ; công tác quản lý, điều hành phải linh hoạt, thống nhất và hiệu quả. Do đó, HĐND thành phố trong nhiệm kỳ này sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giám sát, quyết định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tiễn mới của thành phố.
Để hiện thực hóa các chủ trương trên, sớm đưa các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, phù hợp với sự đồng tình và hưởng ứng của đông đảo cử tri cả nước, Bí thư Thành ủy Cần Thơ đề nghị HĐND thành phố cần nhanh chóng hoàn tất việc sắp xếp, phân công, bố trí cán bộ phù hợp, bảo đảm vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời, rà soát, điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh quy chế hoạt động, quy trình làm việc sao cho phù hợp với thực tiễn địa bàn mới mở rộng, đông dân hơn, đa dạng hơn, tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp, chất lượng ban hành nghị quyết và các hoạt động giám sát; Nghiên cứu, xây dựng các Nghị quyết trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng chính quyền đô thị và nâng cao đời sống nhân dân. Sau khi địa giới hành chính thay đổi, HĐND thành phố có trách nhiệm rà soát, tích hợp các chiến lược, kế hoạch phát triển cũ thành một tổng thể thống nhất, gắn kết, đồng thời ban hành những quyết sách mới mang tính dài hạn, phù hợp với điều kiện đặc thù của đơn vị hành chính mở rộng; tăng cường giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND, chú trọng các vấn đề dân sinh, bức thiết tại các phường, xã vừa sáp nhập.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Đỗ Thanh Bình phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp.
Đây là những địa bàn dễ xảy ra khoảng trống trong quản lý, phân bổ nguồn lực chưa đồng đều hoặc phát sinh tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, người dân. HĐND phải giám sát để kịp thời chấn chỉnh, điều chỉnh chính sách, không để người dân bị bỏ lại phía sau.
“Phát huy vai trò của đại biểu HĐND trong việc tiếp xúc, lắng nghe phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Sau sáp nhập, quy mô dân số tăng lên, cơ cấu dân cư có thể đa dạng hơn, yêu cầu đặt ra là mỗi đại biểu phải sâu sát cơ sở hơn, chủ động đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri, ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, phản hồi kịp thời, có hiệu quả”, ông Bình nói.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Đỗ Thanh Bình cũng đề nghị HĐND thành phố cần phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc trong việc giải thích, tuyên truyền chủ trương sáp nhập, giải đáp thắc mắc chính đáng của nhân dân, từ đó tạo niềm tin, khích lệ tinh thần đoàn kết và chung sức xây dựng thành phố của tất cả mọi người dân; đề xuất và giám sát việc bố trí ngân sách, đầu tư công cho các khu vực mới sáp nhập. Đặc biệt, HĐND thành phố cần lưu ý đến việc cân đối ngân sách, ưu tiên đầu tư cho các địa phương còn khó khăn, tránh tình trạng chênh lệch phát triển, để tạo sự công bằng và phát triển đồng đều.