Cảnh báo nguy cơ cháy rừng tại sáu địa phương

Ngày 6-10, Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cảnh báo sáu địa phương có rừng gồm: Lạng Sơn, Phú Thọ, Cao Bằng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc và Hà Nội có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, đồng thời, đề nghị chủ rừng thuộc các địa phương thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.

Ngày 6-10, Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cảnh báo sáu địa phương có rừng gồm: Lạng Sơn, Phú Thọ, Cao Bằng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc và Hà Nội có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, đồng thời, đề nghị chủ rừng thuộc các địa phương thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.

* Ðộng đất tại tỉnh Ðiện Biên

Vào lúc 11 giờ 34 phút, ngày 6-10, trên địa bàn huyện Nậm Pồ (Ðiện Biên) xảy ra một trận động đất có cường độ 3,3 độ richter. Ðây là trận động đất thứ 10 ghi nhận được từ đầu năm đến nay xảy ra trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên. Với cường độ không lớn, trận động đất không gây hại đến các công trình xây dựng cũng như cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

* Ngày 6-10, tại tỉnh Bình Phước, do mưa xảy ra trên diện rộng ngày 5-10, đã gây ngập lụt ở một số khu vực như phường Tân Ðồng, Tân Thiện, Tân Xuân (TP Ðồng Xoài); xã Ðồng Tiến huyện Ðồng Phú. Lũ lụt đã làm ngập 189 ngôi nhà, 330,3 ha cây trồng các loại; 400 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, không thiệt hại về người. Ước tính thiệt hại khoảng sáu tỷ đồng. Ngay khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, ưu tiên cứu người ra khỏi vùng ngập lụt. Hiện nước lũ đang rút dần, tuy nhiên theo dự báo, diễn biến mưa lũ tại đây vẫn còn phức tạp.

* Trước tình trạng xâm thực bờ biển đang diễn ra ngày càng gay gắt, đe dọa trực tiếp đến thảm rừng phòng hộ và tuyến đê ven biển, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều dự án, công trình phòng chống sạt lở; các dự án gây bồi, tạo bãi, khôi phục rừng phòng hộ để chống sạt lở bờ biển... Tuy nhiên, số công trình, dự án trên chưa đáp ứng, khắc phục được số điểm, vị trí sạt lở hiện nay. Ðể khắc phục tình trạng này, tỉnh cần nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi đó nguồn lực địa phương có hạn, rất cần được sự hỗ trợ từ trung ương.

* Huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), có khoảng 5.400 ha mía chưa thu hoạch, trong đó 70% diện tích bị ngập từ 10 đến 30 cm, thời gian ngập từ 5 đến hơn 10 ngày. Nhiều khu vực mía đã có hiện tượng đỏ lá. Nếu triều cường tiếp tục tái diễn, diện tích mía bị ngập có nguy cơ bị thiệt hại nặng. Huyện đề nghị nhà máy đường ưu tiên thu mua mía bị ngập và tăng cường lực lượng, phương tiện để vận chuyển hết mía đến nhà máy, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nông dân.

* Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng, chín tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 đợt thiên tai, trong đó có năm đợt lốc, mưa đá, năm đợt mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất. Tổng thiệt hại hơn 82 tỷ đồng.

* Ðến ngày 6-10, nông dân Nghệ An đã trồng được gần 10.800 ha ngô vụ đông. Tuy nhiên, đến thời điểm này sâu keo mùa thu đã tấn công gây hại với diện tích hơn 1.400 ha, trong đó có khoảng 200 ha bị nhiễm nặng. Những địa phương xuất hiện nhiều sâu keo mùa thu gồm Nam Ðàn, Tân Kỳ, Diễn Châu. Dự kiến, thời gian tới, sâu keo mùa thu sẽ gây hại trên nhiều diện tích hơn.

* Mặc dù bị ảnh hưởng mưa lũ vào đầu tháng 9 vừa qua, nhưng sản lượng bưởi của nông dân Can Lộc (Hà Tĩnh) thu được đạt hơn 1.300 tấn (tăng hơn 300 tấn so với năm 2018), mang lại giá trị kinh tế hơn 35 tỷ đồng. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 250 ha bưởi đã và đang vào mùa thu hoạch, tập trung chủ yếu ở các xã Thượng Lộc, Gia Hanh, Phú Lộc, Mỹ Lộc, thị trấn Ðồng Lộc...

* Ðể bảo vệ đàn lợn trước dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hàng trăm tờ rơi cho các hộ chăn nuôi về mối nguy hiểm của dịch bệnh. Khuyến cáo người dân không mua lợn giống từ các địa phương khác không rõ nguồn gốc về nuôi; ngừng tái đàn... Ðến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng ra 12 trong số 13 huyện, thị xã trong tỉnh, nhưng huyện Nghi Xuân vẫn chưa có ổ dịch nào xảy ra.

* Trên địa bàn tỉnh Nghệ An mới phát sinh thêm 12 ổ dịch tả lợn châu Phi tại các huyện Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TP Vinh và thị xã Cửa Lò. Toàn tỉnh đã có 21 huyện, thị xã, thành phố xảy ra dịch. Tình trạng xác lợn bị vứt bừa bãi trên sông Ðào, đoạn chảy qua xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, khiến người dân hoang mang, lo lắng. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tuyên truyền, phối hợp với chính quyền các địa phương thu gom xác lợn chết trôi trên các sông, kênh để bảo vệ nguồn nước, tránh ô nhiễm và lây lan dịch bệnh.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41806802-canh-bao-nguy-co-chay-rung-tai-sau-dia-phuong.html